Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi)

TÙNG QUANG; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Phiên họp Chuyên đề pháp luật tháng 8.2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 12 – 14.8.2024 tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 10 dự thảo Luật, trong đó có dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) - ảnh 1
Sáng 26.6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Theo chương trình, từ 14g đến 17g ngày 14.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi).

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, trong phiên thảo luận hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào sáng 26.6 đã có 24 ý kiến đại biểu Quốc hội, trong đó tập trung vào các nội dung:  Phạm vi điều chỉnh của Luật; hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của bảo tàng tư nhân; di vật, cổ vật, bảo vật; di sản của đồng bào dân tộc thiểu số; quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của công viên địa chất; số hóa di sản văn hóa; Quỹ bảo tồn di sản văn hóa; về các chính sách hỗ trợ nghệ nhân; thủ tục hành chính trong xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích; xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị các di tích văn hóa…

Giải trình, tiếp thu, làm rõ thêm các ý kiến của đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Khi được Quốc hội, Chính phủ giao, với tư cách là cơ quan soạn thảo để trình Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 7, Bộ VHTTDL đã chủ động làm việc với các Bộ, ngành, địa phương, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và chuẩn bị một cách đầy đủ, công phu, tuân thủ đúng những quy trình về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

“Chúng tôi ý thức đây là luật chuyên ngành có độ khó vì liên quan đến di tích, di sản, một lĩnh vực quan trọng của văn hóa. Qua rà soát cho thấy liên quan đến 23 luật đang còn hiệu lực. Vấn đề đặt ra đối với cơ quan soạn thảo là xây dựng Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) cần bao quát nhưng không được để chồng lấn, giao thoa quy định ở các luật khác mà hiện chúng ta vẫn đang tiếp tục thực hiện”, Bộ trưởng nói và cho biết: “Luật phải có tính phổ quát nhưng không bỏ lọt những vấn đề cụ thể trong thực tiễn. Đây là yêu cầu không chỉ đối với Bộ VHTTDL. Chúng tôi tiếp thu những ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội và sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, nhất là cơ quan thẩm tra để hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8”.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết:

 Đây là dự án luật sửa đổi cho ý kiến lần đầu, qua thảo luận ở hội trường và thảo luận ở tổ, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao Chính phủ và cơ quan chủ trì thẩm tra đã chuẩn bị hồ sơ dự án luật công phu, kỹ lưỡng, lắng nghe ý kiến của các cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tượng chịu sự tác động của luật, cơ bản thống nhất quan điểm sửa đổi luật này một cách toàn diện, nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, sau Kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Báo cáo tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh vào chiều 8.8 vừa qua,  Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cũng cho biết, ngay sau Kỳ họp thứ 7, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tổ chức cuộc họp với Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan để thống nhất việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật và các nội dung báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 36.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, gồm 9 chương, 101 điều, giảm 1 điều so với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 7.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cũng báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý liên quan đến: tên gọi và phạm vi điều chỉnh; sở hữu di sản văn hóa; chính sách của nhà nước về di sản văn hóa; các hành vi bị nghiêm cấm; kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, kiểm kê di tích, kiểm di sản tư liệu; quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp; Quỹ bảo tồn di sản văn hóa…

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đồng tình với đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh và các đại biểu Quốc hội: Về cơ bản, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý đã thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.