Tình yêu Tổ quốc từ mỗi mái nhà
VHO - Những ngày gần đây, phong trào sơn lên mái nhà, tường nhà, cổng nhà… hình lá cờ đỏ năm cánh sao vàng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình và lan tỏa rộng khắp mọi miền đất nước. Trên mạng xã hội, ngoài việc đăng tải những hình ảnh, video, clip hướng dẫn sơn mái nhà thành lá cờ, nhiều người sử dụng công nghệ tự tạo khung cảnh những lá cờ phủ kín các nóc nhà...
Đến nay, chưa rõ ý tưởng này bắt đầu từ đâu, ai là người đầu tiên thực hiện? Song hiệu ứng, độ lan tỏa đã gia tăng mạnh mẽ cùng với lượng “like”, “thả tim” và chia sẻ trên cộng đồng mạng.
Còn nhớ, cách đây 12 năm, xuất phát từ ý thức khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, để bất kỳ ai khi tìm kiếm trên mạng, chụp ảnh từ vệ tinh, hoặc đi trên máy bay đều có thể nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh của Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy đã lên ý tưởng tạo bức tranh gốm hình Quốc kỳ Việt Nam tại đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, Khánh Hòa. Sau nhiều tháng khảo sát thực tế, được sự ủng hộ của Quân chủng Hải quân, vào tháng 6.2012, nữ họa sĩ và các thành viên dự án hoàn thành lá cờ Tổ quốc đặc biệt rộng 310m2 trên nóc nhà văn hóa đảo Trường Sa. Quốc kỳ có kích thước 12,4x25m, ghép từ 310.000 viên gốm mosaic nhỏ cỡ 3x3cm và 1x6cm màu men đỏ tươi và vàng tươi, được các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng nung ở nhiệt độ cao, có khả năng chịu được mưa nắng, thời tiết khắc nghiệt, độ mặn của muối biển và không bị phai màu...
Tiếp nối lá cờ đặc biệt ở đảo Trường Sa Lớn, nhiều năm qua, ở một số vùng miền trên cả nước, ý tưởng đưa lá cờ Tổ quốc sơn lên những mái nhà vẫn được tiếp tục. Người ta vẫn có thể bắt gặp cờ Tổ quốc sơn trên mái nhà một số vùng miền, địa phương. Và đến tháng 7 vừa qua, phong trào “Biến mái nhà mình thành lá cờ Tổ quốc” được lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết sau khi một thanh niên tại tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng xong ngôi nhà cho cha mẹ mình và quyết định tạo hình lá cờ đỏ sao vàng lên mái. Để có hình ngôi sao vàng đúng tỷ lệ, bạn trẻ này phải đo đạc trên máy tính, khi ra thực tế sử dụng flycam để căn chỉnh sao cho ngôi sao ngay ngắn và đẹp nhất, pha sơn và quét hai lớp để có được màu vàng ưng ý nhất.
Tại tỉnh Bình Định, một gia đình gồm bốn thành viên thuê thợ thi công, lắp đặt lá cờ bằng vật liệu bền lên một phần mái nhà. Sau khi công trình hoàn tất, cả gia đình mặc áo cờ đỏ sao vàng, đứng chụp ảnh trang nghiêm bên lá cờ đặc biệt. Với những mái nhà không dùng tôn đỏ, người dân vẽ trực tiếp nền đỏ và ngôi sao vàng năm cánh. Nhiều người còn vẽ cờ lên mái ngói, cửa cuốn. Hiện cũng có ý kiến băn khoăn về một số trường hợp lá cờ chưa đúng kích cỡ, vị trí quy định, chưa thật sự hài hòa cân đối, trang trọng, bảo đảm thẩm mỹ; chưa chú tâm và nghiêm cẩn khi sử dụng, chụp ảnh, đăng, phát hình ảnh gắn với lá cờ Tổ quốc… Đây là những ý kiến xác đáng góp phần để những người thực hiện, nhất là những người trẻ cần lưu ý, điều chỉnh cho phù hợp...
Dù vậy, có thể thấy “Biến mái nhà mình thành lá cờ Tổ quốc” trở thành cách để giới trẻ và đông đảo người dân thể hiện tình yêu, niềm tự hào với đất nước, nhân dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9. Trong thời đại công nghệ số, cuộc sống của mỗi người dân đều chịu tác động một cách sâu sắc bởi guồng quay của sự đổi thay. Song, có những điều không hề thay đổi, nhất là với giới trẻ, đó là nhu cầu tự thân được bày tỏ cảm xúc, trân trọng lịch sử hào hùng, trân trọng những giá trị có tính biểu tượng bắt đầu từ những việc làm tưởng như rất nhỏ bé, mang tính cá nhân. Tôn vinh lá cờ Tổ quốc, một trong những biểu tượng thiêng liêng nhất, ban đầu là tự phát, nhanh chóng trở thành phong trào rộng khắp, nhận được sự ủng hộ của cộng đồng là minh chứng cho thấy lòng yêu nước nồng nàn, niềm tự hào về quê hương, Tổ quốc, về dân tộc vẫn luôn là mạch ngầm trong tâm hồn, khối óc mỗi con người Việt Nam.
Để rồi mỗi khi đất nước cần, khi được khơi gợi, lại dạt dào tuôn chảy.