Dự án Luật Di sản văn hoá (sửa đổi):

Tiếp thu trên tinh thần cầu thị, sẽ đưa vào luật những gì đã chín, đã rõ

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, chiều 27.8, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung thảo luận.

Tiếp thu trên tinh thần cầu thị, sẽ đưa vào luật những gì đã chín, đã rõ - ảnh 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp

Đã làm rõ và cụ thể hơn nhiều quy định

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, tại kỳ họp thứ 7 tháng 6.2024, Quốc hội đã xem xét, thảo luận về Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đã có 122 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ và hội trường, có 2 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến góp ý bằng văn bản.

Ngay sau kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan tổ chức hội thảo và tiếp thu ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8.2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này. Sau phiên họp đó, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã phối hợp với Bộ VHTTDL và các cơ quan có liên quan đã tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 9 chương với 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo luật trình tại kỳ họp 7 đã làm rõ và cụ thể hơn nhiều quy định so với dự thảo luật trình và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7.

Đến thời điểm hiện nay, dự thảo Luật cơ bản đã nhận được sự đồng tình của các cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra về các nội dung của dự án luật.

Tiếp thu trên tinh thần cầu thị, sẽ đưa vào luật những gì đã chín, đã rõ - ảnh 2
Toàn cảnh phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, đây cũng là một dự án luật khó, thực tiễn đang có nhiều phát sinh cần được tháo gỡ. "Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất mong các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để sau khi luật được thông qua đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đồng thời, đề nghị các vị đại biểu chuyên trách cho ý kiến vào các nội dung về sở hữu di sản văn hóa; về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa; quy định về khu bảo vệ của di tích, nguyên tắc xác định phạm vi và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích và điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích.

Cùng với đó là các nội dung quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền đối với các dự án đầu tư, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới ở Điều 29 đã bảo đảm việc phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tiếp thu trên tinh thần cầu thị, sẽ đưa vào luật những gì đã chín, đã rõ - ảnh 3
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu làm rõ hơn các ý kiến góp ý

Về Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa, Phó Chủ tịch đề nghị các đại biểu cho ý kiến thêm, nhất là việc thành lập quỹ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, nhằm huy động các nguồn lực xã hội cho bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa.

Đề nghị bổ sung quy định về di sản văn hoá dưới nước

Tổng cộng có 11 đại biểu góp ý trong phiên thảo luận về dự án Luật Di sản. Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương), di sản văn hoá dưới nước là một bộ phận cấu thành của di sản văn hoá nói chung, di sản văn hoá Việt Nam nói riêng.

Đó là di sản văn hoá vật thể đang ở dưới nước có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học bao gồm di vật, cổ vật, các di tích, công trình xây dựng, địa điểm; di tích cổ nhân, cổ sinh vật có liên quan đến nguồn gốc của con người.

UNESCO cũng đã phê chuẩn Công ước 2001 về bảo vệ di sản văn hoá dưới nước. Ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2005/NĐ-CP ngày 8.7.2005 về quản lý và bảo vệ di sản văn hoá dưới nước.

Nêu các dân chứng cụ thể, đại biểu Nga đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung một điều quy định cụ thể về quản lý và bảo vệ di sản văn hoá dưới nước từ việc Luật hoá quy định tại Nghị định số 86/2005 của Chính phủ.

Tiếp thu trên tinh thần cầu thị, sẽ đưa vào luật những gì đã chín, đã rõ - ảnh 4
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị bổ sung quy định về di sản văn hoá dưới nước vào dự thảo Luật

Đồng thời, bổ sung quy định về thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản chìm đắm là di sản văn hoá tại Điều 39 dự thảo Luật để bảo đảm cơ chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dưới nước.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) cũng đề nghị nên bổ sung quy định về quản lý, bảo vệ di sản văn hoá dưới nước vào dự thảo Luật.

Theo đại biểu, di sản văn hoá dưới nước là một bộ phận cấu thành quan trọng của di sản văn hoá vật thể thiên nhiên và di sản văn hoá văn hoá nói chung bao gồm các di vật, bảo vật quốc gia, các di tích, công trình xây dựng... ở dưới nước có liên quan đến nguồn gốc của loài người, đã được con người sử dụng cùng với các môi trường tự nhiên và khảo cổ học liên quan đến chúng ta.

Vì thế Ban soạn thảo cần nghiên cứu để bổ sung các quy định về di sản văn hoá dưới nước trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật để có cơ sở pháp lý giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan đến chính sách của nhà nước về bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản văn hoá dưới nước; trach nhiệm và mối quan hệ của các bộ, ngành, UBND các cấp trong việc bảo vệ các di sản dưới nước.

Cần bổ sung hành vi cấm đưa các linh vật ngoại lai không phù hợp vào các di tích

Tiếp thu trên tinh thần cầu thị, sẽ đưa vào luật những gì đã chín, đã rõ - ảnh 5
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu phát biểu góp ý cho dự thảo Luật

Góp ý một số nội dung cho dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng nhấn mạnh đến các quy đinh của Nhà nước về di sản văn hoá (quy định tại Điều 7 dự thảo Luật). Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, tại khoản 9 Điều 7 quy định: “Tổ chức, tham gia, phù hợp với UNESCO tổ chức các sự kiện vinh danh, kỷ niệm này sinh hoặc năm mất đối với các cá nhân người Việt Nam có vai trò quan trọng trong các lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục có tầm ảnh hưởng lớn đối với quốc gia, dân tộc và lan tỏa đến khu vực và thế giới”.

Hiện nay, Việt Nam có 7 danh nhân được UNESCO ra Nghị quyết vinh danh, cùng tham gia kỷ niệm, gồm: Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chu Văn An, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Hải thượng lãn ông Lê Hữu Trác. Và một số địa phương cũng đang nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh như Lê Quý Đôn (Thái Bình), Tuệ Tĩnh (Hải Dương).

"Tuy nhiên, để được UNESCO vinh danh danh nhân thì phải có hồ sơ đề nghị từ quốc gia sở tại. Trong đó phải rõ tổ chức/cá nhân làm hồ sơ, thành phần hồ sơ. Vì vậy đề nghị bổ sung quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục hồ sơ đệ trình UNESCO vinh danh danh nhân người VN để nội dung ở K9Đ7 được khả thi", đại biểu Sửu đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cũng góp ý vào 2 nội dung cụ thể. Trong đó ông dẫn chứng lại câu chuyện khi đi giám sát tại địa phương, đoàn giám sát thấy có hiện tượng 2 sư tử đá đặt trước ngôi mộ của một Trạng nguyên. Do đây là linh vật ngoại lai, không phù hợp với phong tục tập quán của người Việt Nam nên đoàn giám sát đề nghị di dời 2 sư tử đá ra khỏi khu vực mộ Trạng nguyên.

Tuy nhiên trong điều 9 quy định về các hành vi bị cấm lại chưa có quy định về việc đưa các linh vật ngoại lai không phù hợp với phong tục tập quán của người Việt Nam vào các di tích. Vì thế đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định về việc này.

Góp ý cho các quy định về chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể, quy định tại Điều 14, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho rằng dù đã có nhiều quy định về chính sách đối với các nghệ nhân nhưng trong quá trình bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản văn hoá phi vật thể có những nghệ nhân chưa được phong tặng Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú.

Dù vậy nhưng họ đã có nhiều đóng góp cho việc phổ biến hình thức sinh hoạt truyền thống, đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy cho người kế cận, góp phần bảo vệ gìn giữ và phát huy được các giá trị văn hoá phi vật thể tại các địa phương, nhất là các nghệ nhân người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Vì vậy bà đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng này.

Sẽ đưa vào luật những gì đã chín, đã rõ

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, khi Bộ VHTTDL được giao nhiệm vụ soạn thảo dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi), Bộ đã quán triệt các yêu cầu phải thể chế các quan điểm của Đảng đưa vào trong Luật.

Với tinh thần là phát huy tối đa giá trị của các di tích, di sản mà Đảng ta đã xác định và xem đó là báu vật của mẹ thiên nhiên ban tặng, là giá trị văn hoá tinh hoa ngàn đời nay của người Việt Nam được tôn tạo, phát huy và giữ gìn.

Tiếp thu trên tinh thần cầu thị, sẽ đưa vào luật những gì đã chín, đã rõ - ảnh 6
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu tại phiên họp

Để từ đó trở thành lực lượng vật chất, là tài nguyên văn hoá lớn đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Việc xây dựng dự thảo Luật (sửa đổi) cũng phải đảm bảo yêu cầu nội hoá các điều ước quốc tế mà chúng ta tham gia, nhất là đối với các quy định của UNESCO.

Từ các yêu cầu đó, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tổ chức nhiều Hội thảo, Hội nghị, dành thời gian đánh giá các luật có liên quan, để tránh chồng chéo. Trong quá trình soạn thảo Luật, Ban soạn thảo cũng luôn coi trọng và phát huy trí tuệ, chất xám của Hội đồng khoa học quốc gia bao gồm các giáo sư, phó giáo sư đầu ngành của lĩnh vực này.

Từ đó Ban soạn thảo cũng xác định tinh thần như Chủ tịch Quốc hội nói là không có vấn đề lợi ích khi sửa đổi Luật mà làm sao để phát huy được giá trị của di tích, di sản và thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn để tháo gỡ những nút thắt trong Luật này.

Tiếp thu trên tinh thần cầu thị, sẽ đưa vào luật những gì đã chín, đã rõ - ảnh 7
Tiếp thu trên tinh thần cầu thị, sẽ đưa vào luật những gì đã chín, đã rõ - ảnh 8
Các đại biểu phát biểu tại phiên họp

Trong phiên họp vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ghi nhận và Chủ tịch Quốc hội cũng đã nhận xét là chưa có luật nào mà cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra lại có sự thống nhất cao như luật này. Đến thời điểm này, dự thảo Luật đã đủ điều kiện trình Quốc hội.

Về các ý kiến cụ thể, Bộ trưởng cho biết với những băn khoăn về tên gọi và phạm vi của dự thảo luật, Ban soạn thảo đề nghị giữ nguyên như trong dự thảo Luật đã được Uỷ ban VHGD của Quốc hội thẩm tra và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đồng ý.

Về 2 ý kiến đề nghị đưa di sản tư liệu vào nhóm di sản vật thể, Bộ trưởng cho biết, theo Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, di sản tư liệu cần phải tách ra không thể nhập vào di sản vật thể hoặc di sản phi vật thể được.

Về các ý kiến đóng góp bổ sung các quy định về di sản dưới nước vào dự thảo Luật, Bộ trưởng cho biết, đây là vấn đề Ban soạn thảo rất quan tâm và ngay từ đầu đã đưa vào dự thảo Luật.

Tuy nhiên sau khi làm việc với cơ quan thẩm tra, với tinh thần là những gì đã chín, đã rõ thì đưa vào luật và ngược lại những gì chưa rõ thì nên tiếp tục nghiên cứu, có thể đưa vào nghị định.

Bộ trưởng cho biết, ý kiến của 2 đại biểu về vấn đề này sẽ được nghiêm túc tiếp thu. Với ý kiến đóng góp về việc liệu có sự trùng hợp về chức năng giữa thanh tra chuyên ngành và thanh tra địa phương; các chính sách liên quan đến nghệ nhân như ý kiến của đại biểu Ngân hay bổ sung các hành vi bị cấm như ý kiến của đại biểu Dũng, Bộ trưởng cho biết, Ban soạn thảo cũng sẽ nghiêm túc tiếp thu.

"Ban soạn thảo sẽ tiếp thu với tinh thần rất cầu thị và cố gắng tiếp thu hết ý kiến các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá các ý kiến của các đại biểu đã đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan chủ trì và cơ quan thẩm tra dự án Luật và các cơ quan hữu quan, cũng như sự chỉ đạo sâu sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với tinh thần những gì đã chín, đã rõ sẽ được nghiêm túc tiếp thu đưa vào dự thảo Luật. Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo Luật để trình kỳ họp thứ 8 tới.