“Thắp lửa” cho bảo tàng

THỤY BẤT NHI

VHO - Vào thời điểm dư luận rộ lên những phản ứng về chủ trương vận động du khách mua vé tham quan Hội An, lãnh đạo thành phố này giải thích, việc bán vé là để tạo nguồn thu bảo tồn phố cổ và du khách được vào các điểm di tích độc đáo ở đây.

Đáng lưu ý, giá vé bao gồm phí tham quan 7 bảo tàng địa phương. Tuy nhiên, khi được hỏi những bảo tàng này có các chương trình đặc biệt gì để hấp dẫn du khách, đơn vị quản lý địa phương không có câu trả lời rõ ràng. Một số du khách khi được hỏi đã phản ảnh, họ thật sự không để ý gì đến các bảo tàng đó, vì đi qua cũng không thấy nổi bật và bước vào cũng không nhận được sự quan tâm chăm sóc nào từ đội ngũ hướng dẫn viên bên trong.

 Tương tự, với vé tham quan Đại Nội Huế, thông tin từ cơ quan quản lý là khách mua sẽ được thăm viếng toàn bộ khu vực Hoàng thành Đại Nội và hai bảo tàng đặc biệt về lịch sử triều Nguyễn. Song, hầu hết du khách đến với Đại Nội Huế đều chỉ được biết đến khu vực Ngọ Môn, Cửu Đỉnh, điện Thái Hòa, Kiến Trung và một số vị trí khác, rất hiếm hoi biết đến quyền lợi thăm hai bảo tàng cổ vật. Ngay một số hướng dẫn viên du lịch khi đưa các đoàn đến vùng di tích đặc biệt này cũng thừa nhận, họ không biết rõ giá vé của du khách gắn với quyền lợi đi thăm hai bảo tàng.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng nhìn nhận bảo tàng chính là một “khoảng trống” bị lãng quên nhiều trong mắt đa số du khách và với các hoạt động tham quan có thu phí lại càng bị bỏ qua. Thậm chí nhiều tour du lịch được xây dựng gần như chỉ nhắm đến các điểm giới thiệu đặc sản, bán hàng…, nhà hàng quán ăn, ít lưu tâm về các điểm bảo tàng. Do đó, đặt vấn đề “thắp lửa” cho các bảo tàng thật sự đông khách, thật sự hấp dẫn du khách bước vào, là cả một vấn đề cấp thiết với ngành Bảo tồn bảo tàng gắn với du lịch địa phương.

Đây là lý do để chúng ta lưu tâm đặt vấn đề “khích lệ” bảo tàng bằng hai hướng: Đầu tư tái thiết, phát triển nội dung, hiện vật trong các bảo tàng cơ hữu và đưa ý thức xây dựng bảo tàng lồng ghép trong các điểm di tích, di chỉ địa phương.

Mô hình Hải Vân Quan chính là một biểu hiện cụ thể của ý tưởng xây dựng bảo tàng trong di tích, khi hai chính quyền Huế - Đà Nẵng kiến thiết điểm dừng tham quan này, với các di vật, chứng tích còn lại, những hình ảnh, nội dung giới thiệu rõ ràng, giúp du khách trải nghiệm thực tế một “bảo tàng nhỏ” nơi đây.

Theo ông Quốc Thiện, những nỗ lực của các địa phương khi biến các điểm di tích lồng ghép thành bảo tàng cơ sở thể hiện tâm huyết “thắp lửa” các bảo tàng, một hướng đầu tư rất thiết thực và sáng tạo để mở rộng hơn các khuôn viên, điểm đến di tích - bảo tàng. Song điều đó vẫn chưa đủ, mà quan trọng là chính ngành Bảo tàng cần xây dựng thêm những kịch bản, kế hoạch mở rộng nội dung giới thiệu, quảng bá trình bày các hiện vật, câu chuyện bên trong, sao cho dễ hiểu và hấp dẫn hơn, mới thực sự tạo cơ hội phát triển của các bảo tàng.

Ông Quốc Thiện tiết lộ, hướng phát triển nội dung, tạo thêm các chương trình thực tế sẽ được Bảo tàng Đà Nẵng chú ý trong thời gian tới, xem là giải pháp quyết định để làm “sống lại bảo tàng trong lòng du khách”.

Đơn cử với Bảo tàng thành Điện Hải, địa phương hiện đang đầu tư, tái thiết lại toàn bộ khuôn viên, hiện trạng khu di tích thành Điện Hải làm một bảo tàng thực tế, từ các khu kho tàng, phòng thủ cho đến một “rạp điện ảnh 5D” dưới lòng di tích, tái hiện toàn bộ cuộc chiến hào hùng của quân dân Đà Nẵng trước cuộc chiến xâm lăng năm 1858. Những hoạt động “chào cờ”, duyệt quân phòng thủ… sẽ dần dần được bảo tàng nghiên cứu, xây dựng kịch bản, nhằm giúp du khách có được những cảm xúc nhiệt huyết và kính ngưỡng những gương sáng anh linh dân tộc.

Cùng một tinh thần như vậy, theo một lãnh đạo chính quyền thành phố Hội An, đã đến lúc chính quyền và ngành chức năng sở tại phải vào cuộc, cùng phối hợp các bảo tàng địa phương, xây dựng những chương trình hoạt động, chủ đề hằng tháng hằng tuần cho các bảo tàng “sống động hơn”. Vị lãnh đạo này nhìn nhận, du khách tại phố cổ sẽ thích thú hơn, khi biết rằng, thay vì chỉ đi vào các bảo tàng nhìn các hiện vật, họ sẽ có những dịp đặc biệt như cuối tuần, được chiêm ngưỡng những bộ sưu tập giá trị về cổ vật kim hoàn, lụa là phương Nam trong các bảo tàng chuyên ngành; hay dự những ngày hội giới thiệu các sản phẩm truyền thống gắn với các bảo tàng ngành nghề Quảng Nam. Câu chuyện lịch sử về một Hội An định hình, một vùng đất Quảng Nam địa linh nhân kiệt chắc chắn sẽ tái hiện trong những hoạt động bảo tàng ấy, càng tăng thêm giá trị giáo dục, thông tin địa phương, cùng niềm cảm hứng bất tận cho những ai đến với các bảo tàng trăm năm tuổi. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc