Thấm đẫm văn hóa miền Quan họ

THANH TÚ - TRẦN THẢO

VHO - “Trầu này trầu tính trầu tình/Trầu loan trầu phượng trầu mình trầu ta/Trầu này têm tối hôm qua/ Giấu thầy giấu mẹ mang ra mời người!”… Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đọc những câu hát Quan họ Bắc Ninh khi được các nghệ sĩ mời trầu trong dịp về thăm và làm việc tại tỉnh Bắc Ninh năm 2022.

 Thấm đẫm văn hóa miền Quan họ - ảnh 1

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, trò chuyện vi các cụ cao niên phường Đình Bảng, TP Từ Sơn (Bắc Ninh)

 Người lãnh đạo truyền lửa xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Được nuôi dưỡng, trưởng thành từ truyền thống văn hóa gia đình và quê hương Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp bước các bậc tiền nhân tài cao đức trọng, dẫn dắt đất nước đi đến cơ đồ hôm nay. Người dân Việt Nam đều cảm nhận thấy phẩm chất, nhân cách kẻ sĩ Bắc Hà qua dũng khí và mưu lược của người đứng đầu Đảng ta trong cuộc quyết chiến, phất ngọn cờ tiêu diệt bằng được sự tham ô tham nhũng, lộng quyền và làm sống dậy niềm tin trong nhân dân.

Người Kinh Bắc không bao giờ giấu giếm tình cảm thiết tha, thiêng liêng và niềm tự hào của mình đối với nguồn cội quê hương. Trong nhiều bài phát biểu, nói chuyện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn nhận mình là người Bắc Ninh. Những ý tứ “Bắc Ninh quê tôi”, “Quan họ quê tôi”... cũng được Tổng Bí thư nhắc đến nhiều lần trong bài kết luận sâu sắc tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm phát triển văn hóa. Tiêu biểu là Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 với những thông điệp quan trọng như “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa còn thì dân tộc còn”... đã truyền cảm hứng trong toàn xã hội với quyết tâm chấn hưng, phát triển văn hóa nước nhà.

Tinh thần ấy đã truyền động lực, định hướng cho tỉnh Bắc Ninh ban hành Nghị quyết số 71 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Cũng thời điểm đó, Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa quy mô toàn tỉnh.

Bằng vốn kiến thức phong phú, sự am hiểu sâu sắc của một cử nhân khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó là Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng Bí thư của Đảng, lại có kinh nghiệm thực tiễn phong phú của một nhà báo, cùng với quá trình không ngừng tự học tập, tự rèn luyện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có rất nhiều công trình nghiên cứu tâm huyết về văn hóa.

Mới đây, cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra mắt bạn đọc trong thời điểm hết sức quan trọng. Cuốn sách dày hơn 900 trang đã hệ thống hóa quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, làm sáng rõ tư duy lý luận và thực tiễn trong đường lối của Đảng ta về văn hóa, đồng thời khẳng định sự quan tâm sâu sắc với tầm nhìn xa, rộng, sự chỉ đạo sâu sát, toàn diện, đầy sức thuyết phục của Tổng Bí thư đối với lĩnh vực văn hóa.

 Thấm đẫm văn hóa miền Quan họ - ảnh 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các nghệ nhân Quan họ

Gần gũi, ân cần với các nghệ sĩ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều lần về thăm và làm việc tại Bắc Ninh, mỗi lần về đều thưởng thức những làn điệu Quan họ và gặp gỡ, trao đổi với các nghệ sĩ. Gần đây nhất là chuyến thăm và làm việc vào ngày 24.1.2022, Tổng Bí thư kiểm tra tình hình phòng chống dịch Covid-19; thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và chúc Tết Đảng bộ tỉnh.

Người con của quê hương Kinh Bắc đã dâng hương các vị vua nhà Lý tại Đền Đô và thưởng thức buổi biểu diễn nghệ thuật dân gian của miền Quan họ. Sau buổi biểu diễn, Tổng Bí thư ngồi lại, ân cần, trò chuyện, câu đầu tiên ông nói: “Xin thưa với nghệ sĩ, quê tôi ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh. Quê tôi vốn thuộc Phủ Từ, Bắc Ninh, quê hương Quan họ. Ấn tượng về Hội xuân xứ Bắc, những làn điệu dân ca và nhiều kỷ niệm đẹp của vùng đất vẫn còn mãi trong tôi”.

Những lời trò chuyện ân cần, giản dị ấy vẫn còn đọng trong tâm trí những người nghệ sĩ. Nâng niu tấm thiệp Chúc mừng năm mới có chữ ký của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đóng trang trọng trong khung kính, Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Thềm nhớ lại, hôm đó là ngày 22 tháng Chạp năm Tân Sửu, bà và Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Sang được Sở VHTTDL Bắc Ninh mời đại diện các làng Quan họ của Bắc Ninh cùng một số nghệ sĩ của Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, các cháu thiếu nhi tới gặp gỡ và biểu diễn tại Đền Đô nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm và làm việc tại tỉnh. “Nhận được thông tin, chúng tôi cảm thấy may mắn và vinh dự, đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng tiết mục biểu diễn”, nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm chia sẻ.

Trong buổi gặp đó, sau khi nghe hát bài Em là con gái Bắc Ninh, Tổng Bí thư dành lời khen ngợi tới hai nghệ sĩ. Ông nói: “Hai chị em ruột vừa giống nhau và hát hay như nhau. Đây là những báu vật sống của làng Quan họ và đất nước”. Sau đó, ông động viên hai chị em tiếp tục đam mê, gìn giữ, truyền dạy cho thế hệ sau để gìn giữ những tinh hoa của Quan họ Bắc Ninh.

“Những nghệ nhân chúng tôi vô cùng xúc động và bất ngờ, bởi chưa bao giờ nghĩ những người nông dân nhỏ bé như mình lại được Tổng Bí thư coi trọng và hỏi han với thái độ ân cần, gần gũi đến thế. Nhớ lời dặn dò của Tổng Bí thư, chúng tôi vẫn luôn vẹn nguyên tình yêu với Quan họ, tham gia các hoạt động biểu diễn và truyền dạy Quan họ miễn phí cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Nghiên cứu, sưu tầm và tập hợp những kỷ niệm, đồ vật liên quan đến Quan họ lưu giữ tại thư viện Quan họ Sang Thềm do hai chị em thành lập nhằm bảo tồn giá trị văn hóa, giúp thế hệ mai sau có cơ hội tìm hiểu về nghề chơi Quan họ truyền thống của cha ông”, nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm xúc động.

Còn nghệ sĩ Nguyễn Hương Sao cũng vinh dự là một trong những nghệ sĩ, nghệ nhân Quan họ được vinh dự biểu diễn phục vụ nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư. Nghệ sĩ Nguyễn Hương Sao cho biết, chị được giao nhiệm vụ mời trầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi các nghệ sĩ Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh thể hiện bài hát Mời nước, mời trầu lời cổ.

Trước một vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, nên dẫu đã có nhiều kinh nghiệm đứng trên sân khấu và cũng không phải là lần đầu biểu diễn phục vụ các vị lãnh đạo song chị vẫn rất run. Lúc trực tiếp mời trầu Tổng Bí thư, chị cảm thấy rất hồi hộp, xen chút lo lắng nhưng được trấn an ngay, khi bác ân cần đón nhận khẩu trầu còn đọc tặng vài câu thơ: “Trầu này trầu tính trầu tình/ Trầu loan trầu phượng trầu mình trầu ta/ Trầu này têm tối hôm qua/ Giấu thầy giấu mẹ mang ra mời người!”.

“Lúc đó tôi mới nở nụ cười, đồng thời cảm thấy được khích lệ và động viên to lớn. Điều đó xuất phát từ thái độ giản dị và ứng xử sâu sắc của Tổng Bí thư với văn nghệ sĩ. Bác là một chính trị gia tầm cỡ nhưng không quan cách, khó gần. Bác nói cười rất chan hòa, khiến những người nghệ sĩ cảm giác bác là một khán giả”, nghệ sĩ Hương Sao tâm sự.

Nói về trách nhiệm cá nhân của người nghệ sĩ trẻ trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của văn hóa nói chung, dân ca Quan họ Bắc Ninh nói riêng, nghệ sĩ Nguyễn Hương Sao luôn tâm đắc về phát biểu mà Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...”. “Không chỉ tôi mà tất cả anh chị em nghệ sĩ trẻ ngày càng nhận ra trách nhiệm của mình đối với văn hóa, văn nghệ nói chung và dân ca Quan họ nói riêng. Bản thân là nghệ sĩ của Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, tôi luôn nỗ lực tìm hiểu, học hỏi từ các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội những bài hát Quan họ cổ nhằm bổ sung vào vốn kiến thức để mình có thể biểu diễn thành công hơn, từ đó phát huy được giá trị Quan họ Bắc Ninh mãi trường tồn và lan tỏa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Dân ca Quan họ nói riêng và văn hóa nước nhà nói chung”, nghệ sĩ Nguyễn Hương Sao nói.