Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự khai mạc kỳ họp thứ 29 HĐND tỉnh Quảng Ngãi

NHƯ ĐỒNG

VHO – Sáng 9.12, HĐND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Khai mạc kỳ họp thứ 29 HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Tham dự kỳ họp có Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Thượng tướng Trần Quang Phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự khai mạc kỳ họp thứ 29 HĐND tỉnh Quảng Ngãi  - ảnh 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tham dự kỳ họp thứ 29 HĐND tỉnh Quảng Ngãi

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bước vào năm 2024 - năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, đây cũng là năm tăng tốc, bức phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, quán triệt tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo tinh thần chủ đề điều hành của Chính phủ là “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững”, và của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX”, HĐND tỉnh đã tích cực, chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức 8 kỳ họp, trong đó: có 1 kỳ họp thường lệ và 7 kỳ họp chuyên đề để xem xét, thảo luận, biểu quyết thông qua 93 nghị quyết theo thẩm quyền (từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đây là năm phát sinh nhiều kỳ họp chuyên đề nhất). Các nghị quyết được thông qua đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự khai mạc kỳ họp thứ 29 HĐND tỉnh Quảng Ngãi  - ảnh 2
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu khai mạc kỳ họp

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh, năm 2024, tất cả 25/25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2024 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó: có 10 chỉ tiêu vượt. Kinh tế của tỉnh duy trì tăng trưởng đạt 3,35%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp (chiếm 40,7%), giá trị sản xuất công nghiệp tăng 2,5%, thu ngân sách vượt chỉ tiêu Trung ương giao (15,5%), ước đạt 29.503 tỷ đồng.

Các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức sôi nổi, nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân tăng cao, các hoạt động kích cầu du lịch được tổ chức dưới nhiều hình thức; hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại như kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến giao thương được thực hiện thường xuyên. Các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội tiếp tục quan tâm, chú trọng thực hiện. Cải cách thủ tục hành chính, rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính tiếp tục được thực hiện mạnh mẽ; chuyển đổi số được chú trọng thực hiện trong tất cả các ngành, lĩnh vực; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự khai mạc kỳ họp thứ 29 HĐND tỉnh Quảng Ngãi  - ảnh 3
Quang cảnh kỳ họp

Trên cơ sở các báo cáo của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra, giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh, qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh và ý kiến, kiến nghị của cử tri, ở từng lĩnh vực vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy vượt kế hoạch, nhưng vẫn ở mức thấp so với Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án đấu giá đất không có nhà đầu tư tham gia; các dự án bất động sản đã đấu thầu, các nhà đầu tư chậm thực hiện, ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch thu tiền sử dụng đất của tỉnh. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, không đạt kế hoạch đề ra, trong đó, vướng mắc lớn nhất hiện nay vẫn là liên quan đến lĩnh vực đất đại, về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đây là điểm nghẽn lớn làm ảnh hưởng đến việc thực hiện của các ngành, lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các chương trình mục tiêu chậm, thiếu quyết liệt, sâu sát. Sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do tác động của bất lợi về thời tiết, chi phí tăng cao. Công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản ở một số địa phương chưa chặt chẽ. Chất lượng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn có mặt hạn chế. Hạ tầng và nhân lực công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số còn thiếu đồng bộ. Phát triển du lịch Quảng Ngãi chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có; thiếu các sản phẩm du lịch đặc sắc, sức cạnh tranh thấp.

Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, cải cách hành chính có lúc, có việc còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác theo dõi sau tiếp công dân, xử lý đơn ở một số địa phương vẫn còn hạn chế, chưa kịp thời; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số đơn vị còn chậm trễ,… Trong những hạn chế nêu trên, có những hạn chế mới phát sinh, nhưng nhiều hạn chế đã tồn tại kéo dài trong nhiều năm, nhưng chậm được khắc phục, chưa có nhiều chuyển biến, đã và đang làm cản trở sự phát triển của tỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự khai mạc kỳ họp thứ 29 HĐND tỉnh Quảng Ngãi  - ảnh 4
Các đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu kỹ các báo cáo, tờ trình, tập trung thảo luận, đánh giá sâu sắc tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, HĐND tỉnh sẽ xem xét các báo cáo của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; kết quả thực hiện dự toán thu, chi ngân sách năm 2024, dự toán và phương án phân bổ ngân sách năm 2025; tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025 và một số báo cáo khác.

“Đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu kỹ các báo cáo, tờ trình, tập trung thảo luận, đánh giá sâu sắc tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024 để làm rõ những kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thực hiện, thấy rõ những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức trong năm 2025 để xem xét, quyết định các chỉ tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh sẽ xem xét 11 tờ trình, dự thảo nghị quyết kèm theo của UBND tỉnh, 1 tờ trình của Thường trực HĐND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban của HĐND tỉnh để thông qua 12 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và các nội dung khác theo thẩm quyền.

Trong đó, một số nghị quyết có ảnh hưởng sâu, rộng được cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm như: Nghị quyết về chủ trương đầu tư Nâng cấp bệnh viện đa khoa tỉnh; Nghị quyết phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2025 nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương; các nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2025 thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, về giảm nghèo bền vững, về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và nhiều nghị quyết quan trọng khác.

HĐND tỉnh sẽ tổ chức chất vấn trực tiếp tại hội trường. Những nội dung chất vấn được lựa chọn, tập trung vào những vấn đề được đông đảo cử tri, Nhân dân quan tâm, bao gồm 4 nhóm vấn đề: Về quản lý đầu tư xây dựng; dân tộc, miền núi; vệ sinh an toàn thực phẩm; lĩnh vực tư pháp. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, phần nào giúp UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương nhìn nhận lại trách nhiệm, cũng như đưa ra các giải pháp có tính khả thi để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương một cách hiệu quả, thực chất hơn.