Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam:

Dấu ấn một thế kỷ

THÚY HÀ

VHO - Để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2025), từ tháng 10.2023, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động, sự kiện kỷ niệm dấu mốc quan trọng này.

Dấu ấn một thế kỷ - ảnh 1

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh và các đại biểu tham quan gian triển lãm tại Hội Báo toàn quốc 2024

 Nhà báo Lê Quốc Minh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam sẽ là dấu mốc mang tính lịch sử, là dấu son nhắc nhớ người làm báo chúng ta về một chặng đường đầy tự hào đã đi qua nhưng cũng là lúc bối cảnh mới với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông. Sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình báo chí đang đặt báo chí và những người làm báo chúng ta vào những thử thách chưa từng có, trong đó có việc buộc phải có những bước chuyển mình mạnh mẽ, với những cách làm chủ động, hiệu quả thậm chí mang tính đột phá, để giữ vững vị thế là kênh thông tin chính thống, chính thức của Đảng và Nhà nước, là tiếng nói của người dân, để xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại như Nghị quyết Đại hội thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ”.

Tầm nhìn mới của báo chí cách mạng Việt Nam

Nhà báo Lê Quốc Minh cũng cho rằng, hành trình phát triển trăm năm tới của báo chí cách mạng Việt Nam sẽ là hành trình nhiều kỳ vọng và thách thức. Tuy nhiên, lịch sử của dân tộc Việt Nam nói chung, lịch sử báo chí Việt Nam nói riêng cho thấy, mỗi khi gặp khó khăn cũng là lúc ý chí, tinh thần đoàn kết, sáng tạo của người Việt Nam lại được phát huy hơn bao giờ hết. Bên cạnh những phẩm chất vốn có của người Việt Nam luôn luôn đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết trong những thời khắc khó khăn, sự cần cù, tinh thần tích cực, mong muốn vươn lên thì chúng ta vẫn phải thúc đẩy yếu tố đổi mới sáng tạo, dám chấp nhận những rủi ro để tạo ra những thử nghiệm quan trọng. Chính nhiệt huyết của mỗi nhà báo, mỗi tờ báo sẽ truyền cảm hứng để thôi thúc độc giả hướng tới những điều tốt đẹp.

Các hoạt động hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam được tổ chức nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang, những đóng góp quan trọng, to lớn, sứ mệnh cao cả của báo chí cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế. Từ đó, cổ vũ động viên, biểu dương, tôn vinh và tri ân những thế hệ người làm báo, các cơ quan báo chí có thành tích tiêu biểu, xuất sắc; bồi dưỡng, giáo dục niềm tự hào, lòng yêu nghề đối với những người làm báo hôm nay. Đồng thời, khẳng định sự quan tâm chăm lo sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với báo chí; sự đồng hành, ủng hộ, tin tưởng, kỳ vọng của nhân dân đối với sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Theo nhà báo Lê Quốc Minh, khi tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam cũng sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách, nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển của báo chí, góp phần xây dựng đội ngũ báo chí ngày càng vững vàng về bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện tốt yêu cầu “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục đổi mới công tác tổ chức Hội; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đạo đức người làm báo; bảo vệ quyền hành nghề và lợi ích hợp pháp của hội viên trong giai đoạn mới của báo chí cách mạng Việt Nam.

Dấu ấn một thế kỷ - ảnh 2

Để thực hiện được sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam không đơn giản là câu chuyện sống còn của cơ quan báo chí. Đó là câu chuyện đưa được tiếng nói của Đảng, Nhà nước một cách chính xác, công bằng, cân bằng đến mọi người dân trong nước và thế giới với sự kiên định vừa làm tròn trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội?

Với truyền thống tốt đẹp đã xây dựng được, với bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn cao, tôi tin rằng, nhất định đội ngũ những người làm báo Việt Nam làm tròn sứ mệnh ấy.

(Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam LÊ QUỐC MINH)

Các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam sẽ được tổ chức theo tinh thần tiết kiệm, sáng tạo, hiệu quả; gắn với thực tế địa phương, Bộ, Ban, ngành; giáo dục được lịch sử truyền thống địa phương cho thế hệ trẻ. Trong đó các Liên chi hội, Chi hội nhà báo trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức các hoạt động phối hợp với cơ quan chủ quản cấp Bộ, Ban, ngành gộp bốn sự kiện vào dịp 21.6.2025 với quy mô phù hợp, thiết thực tránh hình thức, lãng phí: Lễ Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam; Hội nghị “Gặp mặt biểu dương người làm báo tiêu biểu của Bộ, Ban, ngành”; Chương trình nghệ thuật chào mừng 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam; Triển lãm trưng bày, giới thiệu thành tựu 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam và báo chí ngành, trưng bày bộ sách 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam. Xây dựng phim tài liệu, phóng sự về quá trình hình thành, phát triển của báo chí cách mạng bộ, ban, ngành. Cung cấp các tư liệu của Bộ, Ban, ngành cho các cơ quan báo chí Trung ương xây dựng phim, phóng sự tài liệu 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam. Đối với các Hội nhà báo địa phương cũng tổ chức các hoạt động tương tự của địa phương, theo kế hoạch của trung ương.

Ngoài các hoạt động kỷ niệm, chào mừng, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn trao đổi. Trong đó có hội thảo khoa học “Báo chí cách mạng Việt Nam 100 năm đồng hành cùng sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc” dự kiến diễn ra tại Hà Nội và trực tuyến với một số điểm cầu. “Các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn tập trung vào việc khẳng định, làm rõ vai trò, sứ mệnh, những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất, xây dựng và đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế. Thảo luận về những vấn đề đặt ra đối với báo chí hiện nay. Dự báo xu hướng phát triển của báo chí và những phương hướng, tầm nhìn, giải pháp để báo chí cách mạng ngày càng “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, nhà báo Lê Quốc Minh cho biết.

Các Liên chi hội, Chi hội nhà báo trực thuộc và Hội nhà báo các tỉnh, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn tại cơ quan, địa phương, đơn vị tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn phù hợp, thiết thực. Hội thảo, tọa đàm, diễn đàn bàn về cơ chế, chính sách, nguồn lực cho hoạt động báo chí; xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, sứ mệnh báo chí; xây dựng đội ngũ những người làm báo Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Cụ thể hơn là thảo luận về báo chí hiện đại trong xu thế chuyển đổi số; nâng cao chất lượng báo chí theo đúng tôn chỉ mục đích; vai trò của báo chí với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bộ, ban, ngành. Các triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm theo chuyên đề báo chí gắn với các sự kiện quan trọng của đất nước, của các tỉnh, thành phố và Bộ, ban, ngành cũng được tổ chức tuỳ theo các sự kiện cụ thể. Các Liên chi hội, Chi hội nhà báo trực thuộc và Hội nhà báo các tỉnh, thành phố tuyên truyền chỉ đạo, tổ chức theo chuyên đề báo chí gắn với Hội báo Xuân, Hội

 báo toàn quốc: 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam; Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và các sự kiện đặc thù của tỉnh, thành phố, bộ, ban, ngành…

Dấu ấn một thế kỷ - ảnh 3

 Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2024 tại TP.HCM

Báo chí phải mang tính dẫn dắt

“Cách đây 99 năm, ngày 21.6.1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xuất bản số báo Thanh Niên, đặt nền móng khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Nhớ về cội nguồn cũng chính là lúc mỗi người làm báo chúng ta cảm nhận rõ hơn vinh dự cũng như trách nhiệm “phụng sự nhân dân, phụng sự cách mạng” của mình”, nhà báo Lê Quốc Minh ôn lại ngày truyền thống của ngành và chia sẻ về kế hoạch tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

“99 năm qua, những người làm báo Việt Nam đã làm tốt trách nhiệm ấy, luôn đồng hành cùng đất nước, dân tộc. Trong những năm tháng chiến tranh, hàng nghìn lượt cán bộ, phóng viên báo chí đã sát cánh cùng bộ đội, dân công chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các mặt trận. Hàng trăm nhà báo đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng nước nhà. Bước sang thời kỳ hòa bình, đổi mới và hội nhập, các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn của nhân dân, giữ vững định hướng chính trị, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ”, nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định.

Một trong những hoạt động quan trọng hướng tới 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam là năm 2025 hoàn thành tổng kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc năm 2025. Qua đó, tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình triển khai; đề xuất, kiến nghị quy hoạch báo chí giai đoạn tiếp theo phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động báo chí. Bên cạnh đó, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT và các cơ quan chức năng hoàn thiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho báo chí, giúp báo chí sớm tự chủ, phát huy tính chủ động, khả năng dẫn dắt, định hướng dư luận và triển khai chính sách vào cuộc sống. Nâng cao chất lượng, tối ưu hóa nguồn tài chính của chương trình báo chí chất lượng cao.

“Trong thời đại hiện nay, trong kỷ nguyên số, muốn đạt mục tiêu cao của đất nước, hướng tới một dấu mốc là nước phát triển thì báo chí phải làm nhiều hơn nữa, hơn là thuần túy chỉ phản ánh những gì đang diễn ra. Báo chí phải mang tính dẫn dắt. Mỗi nhà báo, mỗi tờ báo, cả hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam nói chung phải nghĩ đến kỹ năng, biện pháp hằng ngày, hằng giờ, của ngày hôm nay, của ngày mai, của năm tới để bồi dưỡng, nâng cao, tự hoàn thiện mình. Đó có thể là kỹ năng kể chuyện, kỹ năng báo chí, kỹ năng công nghệ còn thiếu để khát vọng dễ trở thành hiện thực”, nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Dấu ấn một thế kỷ - ảnh 4

Các phóng viên chiến trường Thông tấn xã Việt Nam: Chu Chí Thành, Trần Mai Hưởng, Mai Văn Minh Ảnh: TTXVN

Nâng cao chất lượng Giải báo chí quốc gia

Giải báo chí quốc gia là giải thưởng cao quý nhất của người làm báo, tôn vinh các tác phẩm báo chí xuất sắc và các nhà báo có đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí nước nhà.

Để nâng cao chất lượng Giải báo chí quốc gia, tổng kết thực hiện quyết định số 369/QĐ- TTg ngày 29.3.2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Giải báo chí quốc gia; quyết định số 1694/QĐ-TTg ngày 22.9.2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng Giải báo chí quốc gia, năm 2024, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổng kết, đánh giá việc tổ chức triển khai Giải này. Từ đó, làm rõ kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập; đề xuất, kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng Giải báo chí quốc gia. Các địa phương, bộ, ban, ngành cũng tổng kết, đánh giá việc tổ chức triển khai Giải báo chí tỉnh, thành phố; Giải báo chí bộ, ban, ngành và đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng các Giải.

Cùng với đó, Hội Nhà báo Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí, truyền thông. Các Liên chi hội, Chi hội nhà báo trực thuộc và Hội nhà báo các tỉnh, thành phố rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ người làm báo, truyền thông; những vấn đề đặt ra. Đề xuất giải pháp, chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phù hợp với từng đối tượng là lãnh đạo các cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, người làm báo. Chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần xây dựng nguồn nhân lực báo chí, truyền thông có chất lượng cao, đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Các Liên chi hội, Chi hội nhà báo trực thuộc và Hội nhà báo các tỉnh, thành phố phối hợp sâu rộng với Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ sở giáo dục, đào tạo ngành Báo chí, truyền thông mở các lớp tập huấn, chuyên đề về báo chí truyền thông cho các đối tượng là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, sinh viên báo chí và người làm báo. Tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi báo chí; nâng cao năng lực bồi dưỡng, nghiệp vụ; đề ra chiến lược báo chí địa phương, báo chí Bộ, Ban, ngành; tiếp nối truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam.

Ngoài việc đồng hành cùng sự phát triển, hùng cường của đất nước, hướng tới 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam cũng tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn; hoạt động xã hội, từ thiện, văn hóa thể thao. Trong đó, dự kiến từ tháng 4-6.2025, tổ chức chương trình “Về nguồn” nhằm ôn lại quá trình hình thành, xây dựng, phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Tri ân những người làm báo đã có những đóng góp, hy sinh to lớn trong quá trình đấu tranh, xây dựng, phát triển đất nước; góp phần giáo dục truyền thống cho cán bộ, phóng viên, hội viên, người làm báo phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, “để thực hiện được sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam không đơn giản là câu chuyện sống còn của cơ quan báo chí. Đó là câu chuyện đưa được tiếng nói của Đảng, Nhà nước một cách chính xác, công bằng, cân bằng đến mọi người dân trong nước và thế giới với sự kiên định vừa làm tròn trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội. Với truyền thống tốt đẹp đã xây dựng được, với bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn cao, tôi tin rằng, nhất định đội ngũ những người làm báo Việt Nam làm tròn sứ mệnh ấy”.

 Triển khai Kế hoạch số 2001/ KH-BVHTTDL ngày 13.5.2024 của Bộ VHTTDL về việc tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Liên chi hội Nhà báo Bộ VHTTDL đã đề nghị các Chi hội Nhà báo thuộc Liên chi hội chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, đảm bảo sáng tạo, thiết thực, cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị nghề nghiệp sôi nổi, mang ý nghĩa sâu sắc.