“Chúng tôi cảm phục sự cống hiến to lớn của bác Trọng với dân, với nước”

HUY AN

VHO - Từ tờ mờ sáng 25.7, tại quê nhà thôn Lại Đà (Đông Anh, Hà Nội) đã có nhiều đoàn người đến chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong dòng người ấy, những gương mặt trẻ, già đều thể hiện niềm tiếc thương trước sự ra đi của người lãnh đạo lỗi lạc, liêm chính, chí công, vô tư. Họ đến với sự thành kính tưởng nhớ người lãnh đạo một đời cống hiến hết mình cho nước, đặc biệt là dành trọn tấm lòng chăm lo cho người dân.

  “Chúng tôi cảm phục sự cống hiến to lớn của bác Trọng với dân, với nước” - ảnh 1

 Đông đảo người dân xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà

Từ đầu thôn cho đến Nhà văn hóa thôn Lại Đà, dòng người lặng lẽ nối nhau xếp hàng trật tự vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trên khóe mắt nhiều người là những giọt nước mắt tiếc thương, nhiều người không giấu được cảm xúc khóc òa lên khi tiễn biệt người con kiệt xuất của quê hương Đông Hội, Đông Anh. Cũng trong dòng người ấy, rất nhiều người đến từ những địa phương khác lặn lội tới viếng, bởi họ cảm phục tấm lòng của Tổng Bí thư với người dân, với đất nước. Hình ảnh một vị Tổng Bí thư sống cuộc đời thanh bạch, giản dị, gần gũi, đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong họ.

Hòa mình trong dòng người vào viếng, bà Nguyễn Thị Xiêm, thôn Dương Nội, xã Mai Lâm, Đông Anh, năm nay 91 tuổi xúc động cho biết, mẹ bà là người ở thôn Hội Phụ, xã Đông Hội, huyện Đông Anh. Mẹ bà lấy chồng rồi về sống ở xã Mai Lâm. Bà Xiêm cũng sống ở Mai Lâm nhưng cũng thường xuyên về quê ngoại ở xã Đông Hội. Mỗi lần về là bà được nghe những câu chuyện, chứng kiến sự giản dị, tấm gương về sự liêm chính của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sáng sớm nay, bà được con đưa lên đây rồi xếp hàng chờ vào viếng. “Cả đêm không ngủ được, mong trời mau sáng để được vào viếng. Tôi thương ông ấy lắm, một người cả đời lo việc nước không một phút nghỉ ngơi. Sống thanh bạch và để lại tấm gương về cách làm người cho các thế hệ mai sau”, tuổi đã cao nhưng còn rất minh mẫn, bà Xiêm vừa nói vừa rơm rớm nước mắt. Trong khi đó, nhiều người vào viếng là những người bạn học từ thuở thiếu thời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như các ông Vương Khắc Côn (thôn Lại Đà, Đông Hội), Ngô Bá Dục (Lại Đà, Đông Hội), Tạ Sinh Kế (Hội Phụ, Đông Hội), Vương Khắc Duy…

  “Chúng tôi cảm phục sự cống hiến to lớn của bác Trọng với dân, với nước” - ảnh 2

Ông Vương Khắc Duy, người bạn học cùng Tổng Bí thư khóc nghẹn trong lễ viếng

Có người ngồi xe lăn, có người đi phải có người dìu, có người vừa đi vừa khóc òa lên. Những người bạn tiếc thương cho sự ra đi của người bạn. Với họ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dù trọng trách cao, chức vụ lớn, nhưng những khi gặp gỡ những người bạn thời niên thiếu vẫn thân mật, khiêm nhường, gần gũi, không hề có khoảng cách. Ấn tượng với những người bạn học thời niên thiếu của Tổng Bí thư vẫn là những lúc củ khoai chia nửa, những lúc cùng bơi sông, thời mặc áo nâu, áo vá, chân đất đi học… Ông Ngô Bá Dục, người cùng thôn Lại Đà, bạn cùng học từ lớp 1 đến lớp 10 với Tổng Bí thư nói trong nước mắt: “Thương ông ấy lắm. Chúng tôi còn có phút nghỉ ngơi, nhưng ông ấy làm việc nước, việc dân cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Cả một đời ông ấy cống hiến cho dân tộc, chúng tôi kính trọng và nể phục Tổng Bí thư, người bạn của chúng tôi”. Ông Vương Khắc Duy, 85 tuổi, là lớp trưởng lớp cấp 1 cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông khóc nghẹn khi đến viếng người bạn học, Tổng Bí thư hết mực vì dân. “Tôi nghe đài, biết thông tin ông ấy từ trần, tôi đã khóc. Những kỷ niệm thuở ấu thơ ùa về. Nhưng, chúng tôi kính nể, kính trọng ông ấy, bởi đó là người lo cho nước, cho dân. Tổng Bí thư một đời sống chân thành, giản dị và không một chút riêng tư cho bản thân mình”, bác Duy xúc động nói.

Những người bạn già đó gặp nhau trong lễ viếng, cùng ôn lại những kỷ niệm từ lúc còn nhỏ cho đến khi tuổi đã xế tà. Trong những câu chuyện ấy, vị Tổng Bí thư luôn là người hết sức gần gũi với dân. Vì sự kính trọng, nể phục tấm gương mẫu mực, lỗi lạc của Tổng Bí thư mà cựu chiến binh Phạm Tuấn Thanh (72 tuổi, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã tìm đến thôn Lại Đà từ sáng ngày 24.7. Ông Thanh cho biết, đăng ký với xã Đông Hội để được viếng từ sáng 24.7. Sáng 25.7, ông đi cùng Hội Cựu chiến binh xã Đông Hội vào viếng vị Tổng Bí thư, người mà ông hết sức kính trọng. Theo ông Thanh, Tổng Bí thư là người vì nước, vì dân. Những việc làm của Tổng Bí thư là nhằm đưa đất nước hùng cường, thịnh vượng, người dân được ấm no hạnh phúc. “Chăm lo cho người dân luôn được vị Tổng Bí thư ưu tiên đặt lên hàng đầu. Chúng tôi là người dân, là cựu chiến binh, là người cao tuổi, chúng tôi thấy rõ những điều đó. Vì thế, hôm nay tôi đến đây để kính viếng người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ, kính trọng”, ông Thanh nói.

Là người ở tỉnh khác, trong dòng người vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Nguyễn Thị Bài, 80 tuổi (Tiên Du, Bắc Ninh) tay chống gậy, bước đi tập tễnh, mắt rưng rưng lệ. Sợ đường đông, bà Bài đến thôn Lại Đà từ chiều hôm trước. Bà Bài cho biết, có con rể là người thôn Lại Đà. Trong một lần hội làng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có mặt trong dịp này. Được Tổng Bí thư ân cần hỏi thăm, bà Bài xúc động và nhớ mãi về người lãnh đạo gần gũi, chân tình khi gặp gỡ. “Bác ấy hỏi tôi: Bà ở Bắc Ninh cũng sang đây xem hội à, rồi bắt tay và hỏi chuyện tôi. Tôi cảm phục sự cống hiến của bác với dân, với đất nước”, vừa tự hào, xúc động, bà Bài vừa nói. Trong dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những người khi được hỏi đều bày tỏ tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của một người dành cả cuộc đời phụng sự dân tộc, cống hiến, làm việc cho đến hơi thở cuối cùng. Với họ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn là người vì dân. Chính vì vậy, họ ngưỡng mộ, yêu mến và kính trọng người lãnh đạo kiệt xuất, sống giản dị và hết mình vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc ấm no của người dân.