Báo chí - truyền thông Việt Nam nửa đầu năm 2025:
Giữ vững trận tuyến thông tin, chủ động kiến tạo tương lai
VHO - Bản lĩnh, trí tuệ và sự tỉnh táo là những yếu tố cốt lõi giúp ngành Báo chí - truyền thông Việt Nam đi qua nửa đầu năm 2025 với nhiều biến động, thách thức nhưng cũng đầy dấu ấn.

Đứng giữa một thế giới đang dịch chuyển nhanh hơn bao giờ hết, công tác quản lý báo chí, phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử tại Việt Nam không chỉ là “cuộc chiến” với thông tin xấu độc.
Đây còn là hành trình kiến tạo, đồng hành, dẫn dắt hệ sinh thái truyền thông quốc gia phát triển lành mạnh, bền vững, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng và định hướng dư luận xã hội.
Giữ “trận địa” thông tin, không khoan nhượng với sai phạm
6 tháng đầu năm 2025, các cơ quan quản lý báo chí, truyền thông ở trung ương đã chủ động, quyết liệt trong việc định hướng thông tin, kịp thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần giữ vững môi trường truyền thông trong sạch, lành mạnh.
Đặc biệt, công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo trên mạng xã hội, không gian mạng tiếp tục được siết chặt. Những vụ việc liên quan đến các KOLs, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng đã được xử lý nghiêm minh.
Trong đó, vụ việc của ông Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) và bà Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) - hai người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, quảng cáo sản phẩm kẹo rau củ Kera và yến sào LoiNest không đúng chất lượng công bố, gây bức xúc trong dư luận, đã trở thành một ví dụ điển hình về trách nhiệm của người sáng tạo nội dung trên môi trường số.
Đây là câu chuyện của pháp luật và cũng là hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức nghề nghiệp và giới hạn của sự ảnh hưởng.
Cùng với đó, việc xử phạt các trường hợp khác như: MC Quyền Linh, diễn viên Doãn Đức Đam hay BTV Quang Minh và MC Vân Hugo trong hoạt động quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, dinh dưỡng không phù hợp, cũng cho thấy quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc làm trong sạch môi trường quảng cáo trực tuyến, nơi đang có nguy cơ trở thành “vùng xám” nếu không kiểm soát chặt chẽ.
Chặn gỡ thông tin xấu độc, nội dung vi phạm trên mạng: Facebook đã chặn gỡ 3.099 bài viết; YouTube đã gỡ 913 video vi phạm và 7 kênh (đăng tải khoảng 12.000 video); TikTok đã chặn, gỡ 1.284 nội dung vi phạm, bao gồm: 5600 video và 9 audio, 724 tài khoản (đăng tải hơn 35.500 video); Apple và Google đã chặn 148/219 game không phép trên kho ứng dụng của Apple và Google.

Hoàn thiện thể chế, tạo nền móng cho sự phát triển
Song hành với xử lý vi phạm, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được chú trọng đẩy mạnh. Hồ sơ dự án Luật Báo chí (sửa đổi) tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động báo chí trong kỷ nguyên số.
Việc ban hành các văn bản chỉ đạo, nghị định, thông tư về quản lý thông tin đối ngoại, hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền hình trả tiền, xuất bản… được triển khai đồng bộ, bài bản, hướng tới một hệ sinh thái truyền thông hiện đại nhưng vẫn giữ vững nguyên tắc, chuẩn mực.
Đáng chú ý, dự án “Hệ thống lưu chiểu và phân tích dữ liệu báo chí, truyền thông quốc gia” được triển khai là một bước tiến lớn trong việc quản lý và khai thác dữ liệu truyền thông thời gian thực, phục vụ công tác định hướng dư luận, phát hiện sớm các nguy cơ, rủi ro truyền thông.
Lan tỏa thông tin tích cực, kiến tạo động lực phát triển
Báo chí, truyền thông tiếp tục là lực lượng xung kích trong tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, cổ vũ những giá trị tốt đẹp, góp phần tạo đồng thuận xã hội.
Cục Báo chí đã chỉ đạo sát sao, định hướng thông tin kịp thời về các nhiệm vụ trọng tâm của đất nước. Phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chỉ đạo định hướng các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền về việc triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24.1.2025 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của hội nhập quốc tế.
Tại các cuộc giao ban báo chí trung ương hàng tuần đều chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí đẩy mạnh thông tin tuyên truyền Kết luận số 137-KL/TW ngày 28.3.2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Sự kiện kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam được tổ chức trọng thể với nhiều hoạt động có chiều sâu, tiêu biểu là Hội thảo “Báo chí với các ngành công nghiệp văn hóa”, một cách tiếp cận mới nhằm mở rộng không gian phát triển cho báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế.
Ở các địa phương, phong trào thi đua trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền diễn ra sôi nổi. Nhiều mô hình sáng tạo đã được triển khai như cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về Biển đảo Việt Nam” tại Bình Thuận, chương trình truyền thông về việc sếu đầu đỏ quay trở lại Tràm Chim (Đồng Tháp) hay Lâm Đồng ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao chất lượng về cung cấp và sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Đối diện thách thức mới: Định hình lại không gian truyền thông
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, báo chí và truyền thông Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức mới.
Sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội, nền tảng xuyên biên giới đặt ra bài toán quản lý khó khăn hơn bao giờ hết.
Những “cái bẫy” thông tin, những KOLs không đủ kiến thức nhưng lại nắm quyền dẫn dắt dư luận, những hiện tượng thương mại hóa, câu view bất chấp hậu quả… đang thách thức cả về đạo đức lẫn năng lực quản lý.
Vụ việc Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục không phải là trường hợp cá biệt, mà phản ánh bức tranh toàn cảnh của truyền thông mạng xã hội hiện nay: Nhiều người nổi tiếng nhưng thiếu chuẩn mực, nhiều nội dung lan truyền nhanh nhưng gây hệ lụy lâu dài.
Bên cạnh đó, thị trường truyền hình trả tiền tiếp tục sụt giảm cả về thuê bao lẫn doanh thu, dù hiện nay vẫn có tới 36 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ.
Thuê bao truyền hình trả tiền ước đạt 20,52 triệu thuê bao, giảm 2,28% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2024, đạt 21 triệu thuê bao)
Doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền (bao gồm VAT) ước đạt khoảng 4.880 tỉ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2024, đạt 5.000 tỉ đồng).
Điều này đòi hỏi ngành phát thanh, truyền hình cần tái cấu trúc mạnh mẽ hơn nữa, thích ứng với thói quen tiêu dùng nội dung số đang thay đổi từng ngày.
Tiếp tục theo dõi, giám sát hoạt động của 6 doanh nghiệp nước ngoài gồm: Netlifx, Amazon TV, Apple, WeTV, IQiYi, MangoTV, đảm bảo các doanh nghiệp này không cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam theo cam kết của doanh nghiệp.

Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm: Chủ động, bản lĩnh, kiến tạo
Bước vào 6 tháng cuối năm 2025, công tác Báo chí - truyền thông tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm với nhiều định hướng lớn.
Trong đó, xây dựng Quy hoạch mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, xuất bản đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đây không chỉ là sắp xếp, mà là tái định hình không gian truyền thông quốc gia.
Tiếp tục triển khai dự án “Hệ thống lưu chiểu và phân tích dữ liệu báo chí, truyền thông quốc gia”.
Hoàn thiện Chiến lược chuyển đổi số báo chí, triển khai Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trên môi trường số nhằm xây dựng một hệ sinh thái truyền thông số lành mạnh, văn minh, giảm thiểu “rác thông tin” và phòng ngừa khủng hoảng truyền thông từ sớm.
Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các tạp chí điện tử, xử lý dứt điểm tình trạng “báo hóa” tạp chí, vấn đề đang gây nhức nhối trong dư luận và làm méo mó môi trường báo chí chân chính.
Nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng cơ chế hợp tác, thúc đẩy báo chí, xuất bản Việt Nam với các cơ quan, tổ chức báo chí, xuất bản nước ngoài. Thúc đẩy thông tin đối ngoại, lan tỏa hình ảnh Việt Nam tích cực ra thế giới thông qua báo chí quốc tế; đối thoại, hợp tác với các tổ chức truyền thông nước ngoài.
Xây dựng Đề án Phát triển 1 cổng/trang thông tin điện tử đối ngoại quốc gia trở thành nền tảng quảng bá hình ảnh quốc gia và Đề án tổng thể “Quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài thông qua báo chí, xuất bản và mạng xã hội”.
Kết nối các nhà sáng tạo nội dung, tổ chức Ngày hội các nhà sáng tạo nội dung Việt Nam (Vietnam iContent) năm 2025, từng bước tạo dựng đội ngũ KOLs có hiểu biết, có trách nhiệm, trở thành lực lượng truyền thông xã hội đồng hành cùng báo chí chính thống.
Thúc đẩy mô hình truyền thông phục vụ phát triển bền vững, đồng hành với các mục tiêu chính trị - xã hội, nhưng đồng thời phải tăng tính chuyên nghiệp, sáng tạo và đổi mới không ngừng.
Giữ bản lĩnh, đổi mới tư duy quản lý, chủ động thích ứng và dẫn dắt chính là con đường để công tác báo chí, truyền thông Việt Nam bước tiếp, không chỉ giữ vững trận địa thông tin, mà còn kiến tạo tương lai cho một nền truyền thông hiện đại, lành mạnh và giàu tính nhân văn.