Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển (Bài 2):

Tạo đà cho báo chí bứt phá:

THU SÂM - HỒNG GẤM - ĐÌNH TOÁN

VHO - Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) lần này cần tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt là ở kinh tế báo chí, mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và quyền tự chủ của cơ quan báo chí, để thực sự “mở đường” cho báo chí Việt Nam phát triển trong kỷ nguyên mới.

Tạo đà cho báo chí bứt phá: - ảnh 1
Để báo chí phát triển trong kỷ nguyên mới, cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng. Ảnh: QUÝ LƯỢNG

 Việc sửa đổi Luật Báo chí lần này được kỳ vọng sẽ bổ sung cơ bản, hình thành không gian, cơ chế, tạo hành lang pháp lý để báo chí phát triển, giúp người làm báo có thể yên tâm làm nghề trong những năm tới. Trong dự thảo luật có nội dung đáng chú ý, thu hút nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà báo là vấn đề kinh tế báo chí.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group cho rằng, dự thảo luật đưa ra điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển mô hình tổ hợp truyền thông thì nên cho họ quyền phát triển hệ sinh thái theo nhu cầu của mình. Cần có quy định chặt chẽ, cụ thể để các cơ quan báo chí sau này phát triển tự do kinh doanh, tự do liên kết.

Theo ông Vinh, báo chí hiện có bốn nguồn thu chính: Một là nguồn thu từ doanh nghiệp như quảng cáo, phi quảng cáo (và các đại lý quảng cáo). Chẳng hạn doanh nghiệp có nhu cầu rất lớn trong việc hợp tác với các cơ quan báo chí để hỗ trợ họ phát triển thương hiệu.

Các cơ quan báo chí có thể tận dụng điều đó để phát triển thế mạnh, nếu đưa ra sản phẩm chiến lược tốt, bán được giá trị đặc trưng của mình, đây sẽ là nguồn thu rất lớn.

Hai là doanh thu từ dự án xã hội gồm các hợp tác mang tính chiến lược, đa dạng nhằm thúc đẩy tác động kinh tế xã hội, môi trường, chính trị, văn hóa. Nhiều doanh nghiệp muốn hợp tác với các cơ quan báo chí phát triển các dự án bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh, dự án giáo dục mở ra những mô hình kinh doanh mới, thay đổi nhận thức của xã hội, thay đổi thói quen người tiêu dùng…

Ba là doanh thu từ độc giả, các nguồn thu từ “bán” nội dung cho người đọc, thông qua các nền tảng truyền thống và nền tảng số. “Một số cơ quan báo chí đã phát triển mô hình thu phí nhưng khó thực hiện vì lâu nay độc giả quen đọc miễn phí”, ông Lê Quốc Vinh chia sẻ. Theo Chủ tịch Le Group, xu hướng này chỉ thành công khi các cơ quan báo chí đồng lòng chuyển hướng.

Bên cạnh đó, ông cho rằng, nguồn thu thứ tư của các cơ quan báo chí là từ hoạt động tự doanh gồm hoạt động kinh doanh sản phẩm và dịch vụ của cơ quan báo chí, dựa trên hệ sinh thái báo chí. Nguồn này ngày càng quan trọng với các cơ quan báo chí. Hoạt động tự doanh của cơ quan báo chí có thể phát triển nhưng cần kiểm soát để không xa rời hoạt động cốt lõi.

“Vì vậy, tôi đề xuất đưa vào dự thảo luật làm sao mở điều kiện cho các cơ quan báo chí chủ động phát triển hệ sinh thái báo chí, khai thác các nguồn lực dữ liệu riêng, tạo ra nguồn lực phát triển riêng”, ông Lê Quốc Vinh nêu ý kiến.

Đồng quan điểm về nguồn thu cho báo chí, nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho rằng, các cơ quan báo chí có bốn nguồn thu: Từ hoạt động báo chí (bán báo giấy, bán bản quyền nội dung), từ ngân sách nhà nước, từ các hoạt động kinh tế khác phù hợp với quy định của pháp luật và nguồn thu nhận các khoản tài trợ, viện trợ theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên theo ông Sưởng, hiện nay, cả bốn nguồn thu đều đang gặp thách thức. Việc bán báo in đang sụt giảm nhanh chóng. Báo điện tử gần như không có doanh thu khi phần lớn nội dung đang được phát miễn phí.

Cùng với đó, nguồn ngân sách chỉ đáp ứng rất hạn chế cho một số cơ quan báo chí lớn. Nguồn từ quảng cáo trên báo in thì không còn thịnh hành; còn nguồn tài trợ thì hiếm hoi và không ổn định...

Thực tế báo in hiện nay, theo ông Sưởng là bán giấy và công sức lao động chứ không phải bán giá trị nội dung, bởi nội dung chất lượng đến mấy, giá bán vẫn giữ nguyên. “Câu hỏi đặt ra là báo chí đang sống bằng gì và phát triển bằng gì? Muốn báo chí phát triển phải định hướng kinh tế báo chí, không có thực lực không phát triển được”, ông Sưởng nêu quan điểm.

Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho rằng, nếu không có cơ chế phùhợp sẽ không thể phát triển nền kinh tế báo chí vững mạnh. Theo ông Sưởng, báo chí hoạt động hiện nay được định nghĩa là cơ quan sự nghiệp có thu, nhưng đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Nếu không giải quyết được bài toán kinh tế báo chí, báo chí không thể phát triển.

Theo đó, Luật Báo chí (sửa đổi) lần này cần tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt là ở kinh tế báo chí, mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và quyền tự chủ của cơ quan báo chí, để thực sự “mở đường” cho báo chí Việt Nam phát triển chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV) cho rằng, để báo chí phát triển trong kỷ nguyên mới, cần xác định rõ mô hình đơn vị sự nghiệp công lập của cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, cần bổ sung những điều cấm đối với cơ quan báo chí, trong đó có việc không được khoán doanh thu cho phóng viên.

“Về lâu dài, đây là mầm họa. Việc khoán doanh số gây bức xúc cho nhiều anh em phóng viên, dẫn đến nguy cơ tha hóa về nội dung và tha hóa trong cơ quan báo chí”, ông Lâm cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Lâm, không thể giải quyết kinh tế báo chí bằng việc ép doanh số cho phóng viên mà phải tìm mô hình kinh doanh khác. “Phóng viên phải làm việc trong sự khách quan, trung lập nhất và không bị sức ép về doanh số. Cần đưa vào luật việc cấm giao khoán doanh số cho phóng viên mới có báo chí tử tế được”, Tổng Giám đốc VTV nhận định.

Nhiều ýkiến cho rằng, mặc dùhướng đến tự chủ nhưng báo chí vẫn là lĩnh vực đặc thùcần sự bảo trợ của Nhà nước và sự đồng hành của xã hội. Luật Báo chí (sửa đổi) cần tạo hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch, rõ ràng để báo chí có thể chủ động, sáng tạo trong phát triển mô hình kinh tế riêng, đảm bảo mục tiêu độc lập tài chính, đồng thời giữ vững tôn chỉ, đạo đức nghề nghiệp của nền báo chí cách mạng.