Y, bác sĩ ở nhiều tỉnh Tây Nguyên xin nghỉ việc: “Phác đồ điều trị” vẫn còn... nghiên cứu

VHO- Thực trạng nhiều y, bác sĩ công tác trong ngành Y tế ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên muốn nghỉ việc và đã nghỉ việc đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của hệ thống Y tế công lập ở các địa phương.

Y, bác sĩ ở nhiều tỉnh Tây Nguyên xin nghỉ việc: “Phác đồ điều trị” vẫn còn... nghiên cứu - Anh 1

 Áp lực công việc và chế độ lương thưởng… chưa tương xứng, nhiều y, bác sĩ đã phải xin nghỉ việc

Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 36 viên chức y tế xin thôi việc, gồm: 26 bác sĩ, 4 điều dưỡng, 1 nhân viên kỹ thuật và 5 viên chức ở các vị trí khác. Nơi có nhiều viên chức y tế thôi việc nhất là Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với 16 bác sĩ.

Bác sĩ xin nghỉ việc đã âm ỉ từ lâu

Ông Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, từ năm 2019 đã xuất hiện tình trạng cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế xin nghỉ việc. Khi ấy, tại đơn vị mới có vài trường hợp nghỉ việc, tuy nhiên, bản thân ông đã nhận thấy những bất cập trong việc thu hút, giữ chân cán bộ nhân viên y tế. Do đó, đơn vị đã gửi văn bản hỏa tốc đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk và các ban ngành liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp khắc phục. Nhưng gần 4 năm qua, mọi việc vẫn không thay đổi.

Cũng theo ông Phong, từ năm 2021 đến nay, bệnh viện có 70 viên chức y tế xin thôi việc, trong đó có những bác sĩ công tác lâu năm tại bệnh viện. Tình trạng trên đã ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện. “Lương một bác sĩ mới ra trường cũng bằng cử nhân. Việc đào tạo một bác sĩ tốn rất nhiều thời gian, công sức và kinh phí. Để trở thành bác sĩ, họ phải học 6 năm đại học, thêm 18 tháng thực hành đa khoa rồi tới chuyên khoa mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Trong khi đó, một cử nhân chỉ học 4 năm đại học đã có thể đi làm”, ông Phong phân tích bất cập trong chế độ đãi ngộ đối với bác sĩ. Tại Gia Lai, trong năm 2021, toàn ngành có 110 trường hợp là bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc, riêng bác sĩ là 70 trường hợp. Cụ thể có 38 bác sĩ thôi việc, 12 bác sĩ nghỉ hưu, 10 bác sĩ bị kỷ luật buộc thôi việc và 1 trường hợp thuộc diện tinh giản biên chế. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tiếp tục có 23 trường hợp nghỉ việc, trong đó có 6 bác sĩ với những lý do tương tự.

Tỉnh Kon Tum cũng không ngoại lệ. Theo Sở Y tế tỉnh này, từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 96 cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc, trong đó có 42 bác sĩ, 19 điều dưỡng, 4 dược sĩ, còn lại là kỹ thuật và viên chức y tế khác. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến việc thiếu nhân lực chất lượng cao cho ngành Y tế.

Đâu là giải pháp níu giữ?

Lý giải về tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế đồng loạt xin nghỉ việc, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho rằng, nguyên nhân viên chức y tế xin thôi việc xuất phát từ thực trạng quá tải từ đại dịch Covid-19, môi trường làm việc áp lực, một số vị trí làm việc dễ bị lây nhiễm trong quá trình tiếp xúc bệnh nhân. Trong khi đó, chế độ tiền lương hưởng theo chức danh nghề nghiệp và các chế độ phụ cấp khác tính theo mức lương tối thiểu chung vẫn còn rất thấp, chưa tương xứng so với công việc đảm nhiệm, vị trí công tác.

Mặt khác, chính sách đãi ngộ đối với viên chức y tế tuy đã có nhưng chưa tạo ra sự khác biệt lớn để khuyến khích cán bộ y tế yên tâm công tác tại cơ sở công lập, dẫn đến tình trạng nhiều viên chức, nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc để chuyển đến cơ sở y tế tư nhân, nơi có mức thu nhập cao hơn, ổn định hơn. “Thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục tuyển dụng các vị trí còn thiếu trong chỉ tiêu biên chế; cấp tốc bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Ngoài ra, Sở Y tế Đắk Lắk cũng đã có công văn kiến nghị Bộ Y tế đề xuất với Chính phủ xem xét ban hành chính sách tiền lương đặc thù cho đối tượng viên chức, nhân viên y tế; chính sách thu hút, ưu đãi, hỗ trợ đối với cán bộ y tế công tác ở lĩnh vực Y tế dự phòng và tuyến Y tế cơ sở nhằm tháo gỡ những khó khăn, để viên chức ngành Y tế yên tâm làm việc trong hệ thống công lập”, Giám đốc Sở Y Tế Đắk Lắk cho hay.

Trong khi đó, Bác sĩ CK.II Võ Văn Thanh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho hay, nguyên nhân cán bộ y tế nghỉ việc đều thể hiện rõ trong đơn là vì hoàn cảnh gia đình. Tuy nhiên, qua quá trình tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, chỉ một số ít bác sĩ nghỉ việc do hoàn cảnh gia đình, còn chủ yếu do thu nhập và điều kiện làm việc tốt hơn tại các bệnh viện tư hoặc ở những tỉnh, thành phố có kinh tế - xã hội phát triển, có chính sách thu hút, đãi ngộ hấp dẫn. Đáng báo động, số nhân viên y tế thôi việc, chuyển công tác tiếp tục tăng lên và rất khó để tìm nguồn thay thế.

“Việc thiếu hụt nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ đa khoa, bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu khiến ngành Y tế gặp khó khăn hơn trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tại một số địa phương trong tỉnh, cũng như triển khai chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân. Đặc biệt, việc này cũng làm ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ của ngành Y tế và khó thực hiện việc luân chuyển cán bộ cho tuyến dưới, làm gia tăng áp lực công việc đối với đội ngũ y, bác sĩ hiện có”, Giám đốc Sở Y tế Kon Tum nói.

Nói về thực trạng này, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho rằng, thực tế cho thấy, các chủ trương, chính sách để “giữ chân” nhân lực ngành Y tế của tỉnh vẫn chưa được triển khai hiệu quả và thiếu đồng bộ nên còn xảy ra tình trạng cán bộ, nhân viên y tế xin chuyển việc, nghỉ việc, rời xa cơ sở y tế công lập. “Để giữ chân đội ngũ y, bác sĩ, phải cải thiện, nâng cao thu nhập cho đội ngũ y, bác sĩ đang công tác trong cơ sở y tế công lập; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để tạo nơi làm việc cho đội ngũ này tốt hơn; có chế độ đãi ngộ, chính sách đưa đi đào tạo và tăng quyền tự chủ rộng hơn cho các cơ sở y tế công lập, tạo điều kiện tăng thu nhập cho đội ngũ y, bác sĩ đang công tác trong ngành”, ông Lê Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, thời gian tới cần làm tốt công tác tư tưởng đối với nhân viên y tế, nhất là đối với y bác sĩ công tác ở vùng sâu, vùng xa. Kịp thời động viên, khuyến khích cả vật chất và tinh thần, quan tâm tạo môi trường làm việc để cán bộ, y bác sĩ an tâm công tác, gắn bó lâu dài. Kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định, nhất là tiền lương, tiền công, các chế độ, chính sách, các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… 

NGỌC HÒA

Ý kiến bạn đọc