Sử dụng triệt để vắc xin Covid-19 nhập khẩu về

VHO-Tính đến 16 giờ ngày 18.4, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 và 2 tại 22 tỉnh, thành phố cho 79.182 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, và những người tuyến đầu chống dịch. Nhiều địa phương đã bắt đầu triển khai đợt tiêm vắc xin thứ hai.

Bộ Y tế cho biết, đến nay gần 1 triệu liều vắc xin đã về đến Việt Nam và đã tiêm chủng cho 79.182 cán bộ, nhân viên y tế, và những người ở tuyến đầu chống dịch tại 22 tỉnh, thành phố. Trong đó, ngày 18.4 TP. Hải Phòng đã kết thúc tiêm chủng đợt 1,các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương đang nỗ lực để hoàn thành đợt 1. Còn 5 tỉnh đã bắt triển khai tiêm chủng đợt 2 là Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Cao Bằng, Phú Yên và Bắc Giang.

Sử dụng triệt để vắc xin Covid-19 nhập khẩu về - Anh 1

Các y bác sĩ Quảng Ninh tiêm vắc xin phòng chống Covid-19

Chia sẻ về kết quả tiêm vắc xin đợt 1, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, có 4 tỉnh sử dụng tốt và tiêm được hơn 90% số vắc xin được cấp là Hà Nội, Bắc Giang, Điện Biên, Bình Dương. Ba tỉnh có tỷ lệ sử dụng đạt 80-90% là Hải Phòng, Hưng Yên, TP Hồ Chí Minh. Hiện còn 3 tỉnh chưa đạt được kết quả tiêm chủng đúng tiến độ, trong đó có Đồng Tháp đã tiêm được 286 đối tượng tại Bệnh viện đa khoa Hồng Ngự, còn 100 liều. Hai tỉnh là Quảng Ninh, Hải Dương do cần phải phê duyệt kế hoạch, tổ chức thực hiện theo đợt nên số lượng vắc xin còn hơn 50%. Hai địa phương này đang có kế hoạch triển khai trong tháng 4 và lồng ghép trong đợt tiêm vắc xin thứ 2. Bà Dương Thị Hồng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố sớm triển khai kế hoạch và có chỉ đạo chặt chẽ bảo đảm tiến độ tiêm chủng và bố trí kinh phí triển khai.

Theo hệ thống giám sát của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia ghi nhận gần 33% người được tiêm xuất hiện phản ứng nhẹ thông thường sau khi tiêm và hầu hết là phản ứng tại chỗ như đau, ngứa, nóng đỏ, có trường hợp bị sốt nhẹ, tuy nhiên những phản ứng này đều tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế. "Chúng ta đặt tiêu chí an toàn tiêm chủng lên rất cao, tự tin xử lý tốt các trường hợp có phản ứng không mong muốn sau tiêm. Tuy chúng ta nâng cao an toàn tiêm chủng hơn một mức so với bình diện chung của WHO nhưng không vì lý do nào mà tiêm chậm 811.200 liều, các địa phương phải triển khai nhanh, không để liều nào không được tiêm khi hết hạn sử dụng do thời hạn sử dụng vắc xin phòng Covid-19 của COVAX chỉ đến 31.5.2021 ", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, do nguồn cung toàn cầu còn hạn chế, khi nhận vắc xin hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, Việt Nam phải chấp nhận vắc xin có hạn sử dụng ngắn. Đa số vắc xin có hạn tối đa 6 tháng nhưng vừa rồi Việt Nam nhận được lô vắc xin có hạn chỉ dưới 2 tháng nên các địa phương phải tăng cường chỉ đạo sát sao, khẩn trương, tăng khả năng điều phối giữa các tỉnh, huyện, xã sử dụng hiệu quả nguồn vắc xin, để không phải hủy vắc xin vì hết hạn.

Sáng 19.4, TP Cần Thơ tổ chức phát động hưởng ứng Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và thực hiện điểm tiêm mẫu tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ. Theo Sở Y tế, sau ngày tiêm mẫu 19.4, thành phố sẽ triển khai tiêm đồng loạt tại các điểm tiêm trên địa bàn thành phố trong hai đợt: đợt 1, từ ngày 22-24.4; đợt 2, từ ngày 26-28.4, cho những đối tượng thuộc diện ưu tiên.

Trong quá trình thực hiện tiêm chủng, các cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc , tư vấn trước tiêm và tổ chức buổi tiên an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khỏe; hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu để phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm để đảm bảo an toàn tối đa cho người được tiêm.

 

 

Q.HOA

Ý kiến bạn đọc