Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đã giải ngân xong nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại hỗ trợ khẩn cấp cho đại dịch
VHO- Bộ Y tế cho biết, từ 12h đến 18h45 ngày 296.6, Việt Nam có 175 ca mắc mới Covid-19 (BN16239-16413), trong đó có 3 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 172 ca ghi nhận trong nước tại 16 tỉnh, thành phố. Trong đó có 137 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Chiều ngày 29.6 đã ghi nhận ở 16 tỉnh, thành - số tỉnh, thành nhiều nhất kể từ ngày 27.4. Cụ thể: TP. Hồ Chí Minh (43), Bình Dương (24), Tiền Giang (22), Đồng Tháp (21), Quảng Ngãi (21), Bắc Giang (12), Nghệ An (12), Long An (4), Đồng Nai (4), Bắc Ninh (2), Phú Yên (2), Bình Thuận (1), Lạng Sơn (1), Hưng Yên (1), Hà Tĩnh (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1) trong đó 137 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Đặc biệt, Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận ca mắc đầu tiên của làn sóng dịch thứ tư. Bệnh nhân là nam, 29 tuổi, địa chỉ tại huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; chưa xác định được nguồn lây, đang điều tra dịch tễ.
Nhiều tỉnh, thành cũng tiếp tục phát hiện ca bệnh trong cộng đồng: Hưng Yên (1), Long An (2), TP HCM (2), Bình Dương (3). Còn lại là các trường hợp F1 hoặc liên quan đến ổ dịch.
Trong ngày có 245 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; ghi nhận thêm 372 ca mắc mới, gồm 11 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 361 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (155), Bắc Giang (27), Bình Dương (24), Đồng Tháp (22), Tiền Giang (22), Quảng Ngãi (21), Phú Yên (20), Hưng Yên (15), Nghệ An (14), Long An (12), Hà Tĩnh (12), Bắc Ninh (5), Đồng Nai (4), Hải Phòng (2), Lạng Sơn (2), Trà Vinh (1), Vĩnh Long (1), Bình Thuận (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).
Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 14.624 ca ghi nhận trong nước và 1.789 ca nhập cảnh; Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27.4 đến nay là 13.054 ca, trong đó có 3.990 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Bộ Y tế làm việc với Phó Chủ tịch WB tại Việt Nam
Cùng ngày, GS.TS Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế đã có buổi tiếp và làm việc với bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) và bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất WB có những dự án viện trợ không hoàn lại hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; hỗ trợ nghiên cứu, phát triển vắc xin cũng như ứng phó công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam. Việt Nam là 1 trong 39 quốc gia có Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin đạt chuẩn quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Việt Nam là 1 trong 44 quốc gia có thể sản xuất được vắc xin, nhưng hiện có rất ít khoản đầu tư cho lĩnh vực này. Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất, nếu như có khoản vốn vay của WB, Việt Nam sẽ tiến hành xây dựng một trung tâm nghiên cứu, phát triển vắc xin và sinh phẩm y tế; xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin đáp ứng Chương trình tiêm chủng mở rộng cũng như đại dịch trong tương lai.
Bà Victoria Kwakwa bày tỏ chúc mừng Việt Nam đã phòng chống dịch hiệu quả, tuy nhiên trước biến đổi mới của SARS-CoV-2, cần có thêm chiến lược vắc xin kết hợp chặt chẽ các biện pháp trước đó. Liên quan tới đề xuất của Bộ trưởng Bộ Y tế về các nguồn vốn vay cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh: Đây là đề xuất hết sức quan trọng, do đó Bộ Y tế và WB cần làm việc sớm. Cần có sự phối hợp và làm việc thống nhất giữa các bộ, ngành để có thể trong thời gian ngắn có thể huy động được các nguồn vốn trong các dự án của WB hiện chưa sử dụng hết tại Việt Nam, kết hợp thêm các nguồn viện trợ hoặc vốn vay khác để nhanh chóng thiết kế thành dự án mới cho ngành y tế Việt Nam.
Về hỗ trợ liên quan đến nguồn vốn không hoàn lại của Dự án hỗ trợ khẩn cấp cho đại dịch, bà cho biết hiện đã giải ngân xong. Đối với dự án mới, bà sẽ tiếp tục tìm hiểu và sẽ có phản hồi sớm. Bà cũng thông tin về việc có thể tái sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi trộn với vốn vay không ưu đãi để không làm tăng trần nợ công của Chính phủ.
Q.HOA - T.BÌNH