Nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất tại các bệnh viện
VHO- Hôm qua, 9.5 có thêm 1 cơ sở mới bị cách ly là Trung tâm Y tế huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) sau khi có bệnh nhân Covid-19 đầu tiên có yếu tố dịch tễ liên quan. Như vậy, đến nay có tổng cộng 11 bệnh viện, cơ sở y tế bị cách ly toàn bộ, gồm: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2), Bệnh viện K (3 cơ sở), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên (Vĩnh Phúc), Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, Bệnh viện Đa khoa Medlatec (cơ sở 42 Nghĩa Dũng, Hà Nội).
Lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân tại Bệnh viện K
Trong đó, 2 bệnh viện tuyến Trung ương là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - nơi tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực điều trị và Bệnh viện K - nơi có nhiều bệnh nhân nặng, bệnh nhân có bệnh nền.
Việc dịch bùng phát trong bệnh viện tuyến cuối gây ra mối lo ngại nhìn thấy trước như bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tỏa về các địa phương, tạo ra những chuỗi lây nhiễm mới. Bệnh viện phải cách ly, không tiếp nhận bệnh nhân gây ra sự thiếu hụt nhân lực, cơ sở y tế chăm sóc bệnh nhân… PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, bệnh viện tuyến Trung ương hay bệnh viện ở địa phương “thủng lưới” đều được cảnh báo như nhau. Nhưng hệ quả tại bệnh viện tuyến Trung ương nặng hơn, vì quy mô và tính chất nặng hơn.
Trước tình hình nhiều bệnh viện, cơ sở y tế bị cách ly vì liên quan đến bệnh nhân Covid-19, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhận định, nguy cơ dịch xâm nhập vào các bệnh viện tuyến Trung ương (tuyến cuối) cao hơn rất nhiều địa phương vì bệnh viện Trung ương là tổng hợp các bệnh nhân từ các địa phương chuyển lên. Do đó, Bộ Y tế đã có các công điện khuyến cáo mạnh mẽ hạn chế bệnh nhân đến bệnh viện tuyến Trung ương mà chủ yếu nên khám và điều trị ở tuyến cơ sở. Bộ Y tế đã áp dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa (telehealth) để giúp y tế tuyến cơ sở điều trị những ca bệnh lâu ngày thường điều trị ở tuyến trung ương; cùng đó hạn chế tối đa việc thăm bệnh nhân.
Đến nay, nhiều cơ sở y tế như Bệnh viện Da liễu Trung ương Quỳnh Lập (Hoàng Mai, Nghệ An) và Bệnh viện Quân y 105 (số 2 Chùa Thông, Sơn Lộc, Sơn Tây, Hà Nội) đã dừng tiếp nhận bệnh nhân; Bệnh viện 108 ra thông báo ngừng tiếp nhận bệnh nhân chuyển tuyến từ Hà Nội và các địa phương, nếu có phải trao đổi trước; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau dừng cho thăm bệnh nhân; Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho sinh viên và thực tập sinh nghỉ học... là những biện pháp nhằm hạn chế tối đa nguy cơ xâm nhập của virus SARS-CoV-2 vào cộng đồng.
Bên cạnh đó, các bệnh viện đều thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng dịch chặt chẽ. Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tổ chức lấy 1.000 mẫu xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên y tế của bệnh viện và một số bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến từ vùng dịch, đều có kết quả đều âm tính. TS.BS Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng nhấn mạnh: Viện luôn nhắc nhở và quán triệt tới toàn thể cán bộ, nhân viên tuyệt đối tuân thủ các quy định về phòng dịch bệnh Covid-19 của Bộ Y tế nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, người bệnh, người hiến máu và cả cộng đồng. “Trong những ngày tới, được sự cho phép của Bộ Y tế, sự hỗ trợ của Cục Y tế dự phòng và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương sẽ tiến hành tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 cho khoảng 500 cán bộ nhân viên của Viện”, TS.BS Bạch Quốc Khánh cho biết.
QUỲNH HOA