Máy xay hoa quả gây thương tích cho bé 2 tuổi

VHO - Các bác sĩ Bệnh viện HN Việt Đức vừa tiếp nhận bệnh nhi N.T.M, 2 tuổi, ở Hà Nội bị dập nát bàn tay do cho tay vào máy xay hoa quả đang hoạt động.

Mẹ cháu M cho biết, gia đình làm nghề bán nước hoa quả ép, trong lúc bố cháu không để ý, vô tình cháu cho tay vào máy xay hoa quả đang hoạt động nên bị cuốn tay vào, gia đình vội vã đưa cháu đến bệnh viện.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Quân, khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ nhanh chóng thăm khám xác định bệnh nhân có tổn thương phức tạp dập nát bàn tay trái như cụt chấn thương ngón II, III, đứt gân gấp sâu ngón IV, trật hở khớp bàn ngón III. Các bác sĩ đã tiến hành cắt lọc, nối gân, sửa mỏm cụt cho bệnh nhi... Sau 4 ngày phẫu thuật, tình trạng vết thương khô, ngón tay 3,4 hồng hào, bệnh nhi tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Máy xay hoa quả gây thương tích cho bé 2 tuổi - Anh 1

Hình ảnh bàn tay bị thương tích của bệnh nhi 

Trước đó, một thanh niên 21 tuổi tên T.V.T (trú tại Thái Nguyên) cũng được đưa vào viện trong tình trạng dập nát bàn tay trái vì tai nạn lao động. T là công nhân sản xuất thiết bị điện tử, dây chuyền của em có 5 người, đến công đoạn của em, máy dập đang hoạt động đột nhiên bị lỗi, khi em cho tay vào lấy thiết bị sản xuất thì bị máy dập nghiền nát tay. Mặc dù đã được hướng dẫn về an toàn lao động, nhưng tai nạn quá bất ngờ khiến anh không kịp xử lý.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Ngọc - Khoa Phẫu thuật Chi dưới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Bệnh nhân T.V.T vào viện trong tình trạng dập nát các ngón 2,3,4,5 bàn tay trái, không thể bảo tồn. Các bác sĩ đã phải phẫu thuật cắt cụt các ngón tay.

Mỗi ngày Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận hàng chục ca tai nạn sinh hoạt, những trường hợp tai nạn cho tay vào máy xay hoa quả hay máy xay thịt, cá, hay máy tời vải, máy giặt… đều gặp những tổn thương phức tạp do bị nghiền nát nên phần lớn không cứu được toàn vẹn bàn tay. Hơn nữa, trẻ nhỏ thường hiếu động, thích tò mò, chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích. Do đó, người dân cần cần trọng, có các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng. Nếu không may gặp tai nạn nên sơ cứu và nhanh chóng đến cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời.

Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng tiếp nhận các trường hợp đứt rời chi, gãy tay, chân do tai nạn lao động nhập viện. Trong đó có nhiều tai nạn gây chấn thương nghiêm trọng dẫn tới tàn phế khi tuổi đời còn quá trẻ, hay là lao động chính trong gia đình. Vì vậy các doanh nghiệp cần có các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn cho người lao động khi vận hành các thiết bị này, bác sĩ Ngọc khuyến cáo.

V.THANH

 

Ý kiến bạn đọc