Hà Nội tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết

VHO- Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận hơn 250 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng cao so với cùng kỳ năm 2022. TP hiện đang tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống dịch và hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết 15.6”.

Hà Nội tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết - Anh 1

 Kiểm tra công tác vệ sinh môi trường phòng, chống sốt xuất huyết tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm

Theo đó, số ca mắc được ghi nhận tại 27/30 quận, huyện, thị xã và 143/579 xã, phường, thị trấn, trong đó phát hiện 14 ổ dịch tại 9 quận, huyện gồm: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thạch Thất, Hà Đông, Thanh Oai, Hoài Đức, Tây Hồ.

Chú trọng tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân

Tại khu vực phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), với đặc điểm đông dân cư, số lượng sinh viên thuê trọ lớn, mật độ xây dựng cao, tồn tại nhiều dụng cụ chứa nước, vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo, từ đầu năm đến nay tại đây đã có 23 ca mắc SXH với 5 ổ dịch.

Lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm cho biết, chính quyền địa phương trên địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với y tế phường, y tế quận nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH như tăng cường công tác vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, thả cá diệt bọ gậy, lật úp các dụng cụ chứa nước… Từ ngày 17.5, chiến dịch vệ sinh môi trường đã được tổ chức 2 lần sau khi phát hiện ổ dịch, được sự tham gia đông đảo của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, tổ xung kích, cộng tác viên. Bên cạnh đó, phường cũng đã triển khai công tác truyền thông rộng rãi tới từng hộ dân về các biện pháp phòng, chống SXH qua cộng tác viên, đội xung kích; sử dụng các biện pháp truyền thông như loa phát thanh, loa kéo, phát tờ rơi, lồng ghép vào các buổi họp dân phố, sinh hoạt đoàn thể, chi hội…

Trong buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại quận Bắc Từ Liêm, ông Bùi Văn Hào, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội cho rằng, với đặc điểm của phường Minh Khai, trong thời gian tới đây vẫn là điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển. Vì vậy, để tránh dịch bệnh gia tăng trên địa bàn phường Minh Khai nói riêng và địa bàn quận Bắc Từ Liêm nói chung, ông Bùi Văn Hào yêu cầu địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống SXH, đặc biệt chú trọng tuyên truyền để thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân. Bởi chính người dân có ý thức phòng, chống dịch mới có thể bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như không để dịch bệnh lây lan.

Theo nhận định của CDC Hà Nội, tình hình dịch SXH có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới, do điều kiện thời tiết thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển. Hiện nay, số ca mắc đang tăng theo tuần, thậm chí đã ghi nhận có bệnh nhân nặng và tử vong. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và ngành Y tế thì người dân cũng cần nâng cao nhận thức, ý thức, thực hiện nghiêm túc quy định về phòng, chống dịch. “Các đơn vị cần tranh thủ sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động tham mưu, đề xuất với chính quyền tiếp tục triển khai hoạt động vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi tại hộ gia đình, khu dân cư, khu vực công cộng để phòng, chống SXH. Cùng với đó, các đơn vị tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh SXH để người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải gây đọng nước, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt”, Giám đốc CDC Hà Nội Bùi Văn Hào nhấn mạnh.

Hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết 15.6”

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự nguy hiểm của dịch bệnh SXH, từ đó chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời tăng cường và huy động sự hưởng ứng vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng, CDC Hà Nội vừa ban hành xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết 15.6” trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Trung tâm sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trong ngày 15.6 với đội xe cổ động diễu hành trên một số tuyến phố của các đơn vị. Đồng thời đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết và các hoạt động của đợt cao điểm.

Ngoài ra, trong tháng 6 và các tháng cao điểm về bệnh sốt xuất huyết, triển khai tổ chức phát động hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống SXH năm 2023 với nhiều hình thức tuyên truyền. Đặc biệt, thành phố sẽ đẩy mạnh các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi tại các quận, huyện, thị xã, các khu vực nguy cơ cao về SXH như nơi có ổ dịch cũ, khu vệ sinh môi trường kém, khu công trường xây dựng, khu công cộng, nghĩa trang, chợ, khu thuê trọ, khu vực làng nghề tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ hoặc nơi đang có bệnh nhân SXH, nơi có mật độ muỗi cao...

Các ban, ngành, đoàn thể của địa phương cùng người dân thực hiện các biện pháp để loại bỏ nơi đẻ trứng của muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách xử lý các dụng cụ chứa nước có nguy cơ có bọ gậy hoặc đã có bọ gậy; thu gom phế liệu phế thải; lật úp các dụng cụ chứa nước không dùng đến; thả cá vào các bể chứa nước hở, tiểu cảnh; thay nước bình hoa, cây thủy sinh hàng tuần... Phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành diện rộng tại một số điểm nguy cơ (ổ dịch cũ, công trường xây dựng, khu công cộng, nghĩa trang, chợ, khu thuê trọ...), nơi có chỉ số mật độ muỗi cao vượt ngưỡng, nơi đang có nhiều bệnh nhân SXH.

Cùng với các hoạt động vệ sinh môi trường, các đơn vị thực hiện lồng ghép hoạt động tuyên truyền tại hộ gia đình về các nội dung: Thông tin cho người dân biết về bệnh SXH, sự nguy hiểm của bệnh, cách phát hiện và phòng, chống; Hướng dẫn người dân phát hiện và loại trừ ổ bọ gậy và nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH.  

 Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, người dân cần thực hiện những điều sau: Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

Bên cạnh đó, cần loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Ngoài ra, khi bị sốt, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Trong khi điều trị bệnh, người bị SXH nên nằm trong màn để không bị muỗi đốt, tránh lây lan bệnh cho người khác.

LÊ DUY

Ý kiến bạn đọc