Giảm giá dịch vụ y tế có giảm chất lượng phục vụ?

VHO - Sau khi Thông tư 13/2023/TT- BYT Quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực, nhiều dịch vụ y tế, khám chữa bệnh cũng tăng lên. Cũng tại Thông tư này, lần đầu tiên áp mức giá trần nên nhiều dịch vụ kỹ thuật cũng được giảm sâu.

Nhiều dịch vụ khám chữa bệnh tăng giá

Cụ thể, Thông tư 13/2023/TT- BYT Quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp (gọi tắt là Thông tư 13) được Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ ngày 15.8 đã quy định hơn 1.900 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm theo yêu cầu được quy định mức giá tối đa và tối thiểu.

Giảm giá dịch vụ y tế có giảm chất lượng phục vụ? - Anh 1

Giá dịch vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sau khi Thông tư 13 có hiệu lực 

Ông Dương Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho rằng, nhiều năm qua, các cơ sở y tế công lập, các cơ sở khám chữa bệnh đang triển khai cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu dựa trên nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Do đó, việc Bộ Y tế ban hành thông tư này đã tạo hành lang pháp lý để các cơ sở y tế tham chiếu xây dựng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu phù hợp với điều kiện thực tế của chính cơ sở và đúng theo các quy định của pháp luật.

Trước đây, tại các bệnh viện lớn, mức giá khám bệnh theo yêu cầu được thực hiện theo nhiều bậc chênh lệch rất khác nhau, có nơi thu 150.000 đồng nhưng có nơi thu từ 600.000 đồng đến 700.000 đồng cho một lần khám chuyên gia. Nhưng tại Thông tư 13 giá khám bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 tối thiểu là 100.000 đồng/lượt và tối đa 500.000 đồng/ lượt. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh khác, giá tối thiểu là 30.500 đồng và tối đa là 300.000 đồng/lượt. Khung giá ngày giường điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế) gồm giường loại 1 từ 180.000 đồng – 4 triệu đồng/ngày; loại 2 từ 150.000 – 3 triệu đồng/ngày; loại 3 từ 150.000 – 2,4 triệu đồng/ngày; loại 4 từ 150.000 – 1 triệu đồng/ngày…

Cũng theo Thông tư 13, phẫu thuật nội soi robot là dịch vụ có giá cao nhất như phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý lồng ngực, giá tối đa hơn 134 triệu đồng, tối thiểu là hơn 91 triệu đồng; phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý tiêu hóa, ổ bụng, giá cao nhất hơn 124 triệu đồng, thấp nhất là hơn 96,6 triệu đồng. Trong danh mục các dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, dịch vụ có mức giá cao nhất là chụp PET/CT mô phỏng xạ trị có mức giá tối đa là hơn 28,7 triệu đồng, giá tối thiểu là hơn 20,5 triệu đồng, chưa bao gồm thuốc cản quang. Với chụp PET/CT, mức giá tối đa là hơn 27,8 triệu đồng, giá tối thiểu là hơn 19,7 triệu đồng…

Sau khi Thông tư 13 có hiệu lực, một số bệnh viện đã tăng giá khám dịch vụ theo yêu cầu như Bệnh viện Bạch Mai tăng mức khám GS, PGS từ 150.000 đồng lên 400.000 đồng lượt… Trong khi đó, nhiều bệnh viện cho biết mức giá hiện tại nằm trong mức giá trần của Bộ Y tế nên vẫn giữ nguyên. Bộ Y tế cho biết việc áp khung giá mới này không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng cho đối tượng là người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu (chiếm tỉ lệ từ 5-10% tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương...). Việc tăng giá này được cho là đáp ứng với công sức của các y bác sĩ, hạn chế phần nào làn sóng nghỉ việc ở một bộ phận nhân viên y tế. Đồng thời, người không có thẻ BHYT sẽ phải mua thẻ để bệnh tật không trở thành gánh nặng kinh tế cho gia đình…

Giảm giá có giảm chất lượng phục vụ?

Ngoài một số dịch vụ tăng giá, nhiều bệnh viện cũng hạ giá nhiều dịch vụ kỹ thuật, phẫu thuật theo quy định giá trần tại Thông tư 13. Tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, giá khám theo yêu cầu, khám chuyên gia chung giảm từ 1 triệu đến 2 triệu đồng giảm xuống 500.000 đồng. Ngoài ra gần 1.500 dịch vụ kỹ thuật khác cũng được điều chỉnh giảm như: Siêu âm tuyến giáp từ 300.000 đồng xuống 196.000 đồng; tiêm, truyền tĩnh mạch giảm từ 100.000 đồng xuống 46.000 đồng...

Một số dịch vụ kỹ thuật có mức giảm mạnh như: Chụp CT Scaner 64 dãy đến 128 dãy không có thuốc cản quang giảm từ 5,6 triệu đồng xuống còn hơn 2,3 triệu đồng; siêu âm màu tim hoặc mạch máu từ 500.000 đồng xuống 380.000 đồng; hút dịch khớp dưới hướng dẫn của siêu từ 700.000 đồng xuống 330.000 đồng; điện não đồ từ có nhiều mức giá từ 1,5 triệu - đến 5 triệu đồng (quy định theo nhiều khung thời gian) nay giảm mạnh còn 340.000 đồng. Cùng với đó, nhiều phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức được áp khung giá mới từ ngày 15-8 có mức giảm "sốc" như: Phẫu thuật thay toàn bộ khớp háng giảm từ 16 triệu đồng xuống còn hơn 12,8 triệu đồng; phẫu thuật lấy thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và phẫu thuật điều trị xơ cứng gân hoặc xơ cứng khớp giảm từ 13 triệu đồng xuống còn hơn 7,7 triệu đồng. Phẫu thuật cắt ruột thừa từ 13 triệu đồng giảm xuống còn hơn 9,5 triệu đồng...

Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, từ ngày 15.8, giá sinh mổ (phẫu thuật lấy thai lần đầu) dịch vụ giảm từ 16 triệu đồng còn hơn 6,7 triệu đồng. Còn đẻ thường giá dịch vụ giảm từ 14 triệu đồng xuống còn hơn 4,3 triệu đồng. Chia sẻ về việc giảm giá một số dịch vụ tại Bệnh viện, GS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, là bệnh viện tự chủ nên nhiều năm qua Bệnh viện đã áp dụng các giá dịch vụ theo các quy định cho phép.

Hiện nay, Thông tư 13 ra đời, Bệnh viện cũng giảm giá nhiều dịch vụ. Tuy nhiên, với giá trần mới này thì các bệnh viện khó có thể thực hiện các dịch vụ theo yêu cầu của bệnh nhân. Khi đó thì bệnh nhân có đủ kinh tế chi trả không muốn vào bệnh viện công nữa. “Một ca đẻ nếu tính theo giá nhà nước thì cả bác sĩ được hưởng 500.000 đồng. Nhưng nếu đẻ vào đêm hôm mà bệnh nhân muốn mời bác sĩ thì không ai muốn làm. Như vậy có thể lại sinh ra bệnh phong bì, chảy vào túi cá nhân. Nhiều năm nay, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã xoá bỏ được việc này bằng cách công khai minh bạch giá dịch vụ, bệnh nhân không phải chi trả thêm một khoản nào cho bác sĩ nữa”, ông Nguyễn Duy Ánh chia sẻ.

Cũng theo ông Ánh, một số giá trần hiện nay là không phù hợp với thực tế, không thể chăm sóc bệnh nhân một cách toàn diện, trong khi nhiều bệnh nhân đòi hỏi những dịch cao hơn như massage cho mẹ, chăm sóc bé, thậm chí thay vì xếp hàng bệnh nhân được mang giấy tờ tới tận giường bệnh để thanh toán viện phí… “Tôi được biết, sắp tới sẽ có một cuộc họp của tất cả các giám đốc Bệnh viện của Hà Nội và mời thêm 10 giám đốc Sở Y tế ở các tỉnh nữa để cùng nhau thảo luận về  giá dịch vụ tại Thông tư 13. Từ đó nêu những vướng mắc, khó khăn, và đề xuất tháo gỡ để làm sao giá phải hợp tình, hợp lý, hợp sức chi trả người dân mà “việc” vẫn chạy. Nếu không, bệnh viện tư mời bác sĩ ra ngoài làm thêm, và thông thường bác sĩ ở đâu thì bệnh nhân sẽ đến đó. Như vậy, sẽ có khoảng trống mảng dịch vụ tại bệnh viện công”, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nói.

NGUYÊN KHANG

Ý kiến bạn đọc