Gia tăng trẻ bị tai nạn do pháo nổ cận Tết

VHO - Thời điểm gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các bệnh viện liên tục tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp tai nạn do sử dụng pháo tự chế. Điều đáng nói, hầu hết các bệnh nhân đều ở độ tuổi thanh thiếu niên còn đang đi học, tai nạn gây ra thương tổn nặng ở bàn tay và để lại hậu quả, di chứng cả cuộc đời.

Gia tăng trẻ bị tai nạn do pháo nổ cận Tết - Anh 1

BS Lưu Danh Huy thăm khám và tư vấn cho bệnh nhân bị tai nạn pháo nổ sau phẫu thuật

Có thể kể đến trường hợp bệnh nhân nam ở Quảng Ninh được chuyển tuyến đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) trong tình trạng vết thương dập nát phức tạp mặt gan bàn tay phải, bờ nham nhở, bẩn, đáy sâu, đụng dập, tụ máu nhiều phần mềm, trật hở khối tụ cốt; gãy trật khớp bàn ngón I, các búp ngón còn căng, vết thương thành bụng… Trường hợp thứ hai là bệnh nhi P.T.N 14 tuổi ở Bắc Giang, theo lời kể gia đình, do tò mò, cháu đã sử dụng pháo và bị tai nạn khi đang cầm trên tay, dẫn đến dập nát bàn tay. Nam bệnh nhân thứ ba ở Nam Định đã cùng bạn sử dụng pháo và cũng bị nổ ngay khi cầm pháo đốt trên tay. Tại bệnh viện, các bác sĩ tiến hành cắt lọc, rửa kỹ vết thương; đặt lại và găm kim khớp bàn thang; sửa mỏm cụt ngón IV. Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân, gia đình rất đau buồn và lo lắng cho việc phục hồi trở lại cuộc sống bình thường trong học tập, sinh hoạt và cả tương lai sau này của cháu.

BS Lưu Danh Huy, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Mặc dù đã tích cực tuyên truyền về hậu quả nghiêm trọng của pháo tự chế, nhưng cứ vào dịp giáp Tết lại có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng. Đa phần các ca tai nạn đều do sử dụng pháo tự chế, phải phẫu thuật trong tình trạng cấp cứu do vết thương bẩn, nguy cơ nhiễm trùng cao. Hầu hết các trường hợp đều bị tổn thương nặng ở bàn tay, tỷ lệ cụt ngón là rất cao; ngoài ra còn gây ra các tổn thương khác ở phần mềm, da, gân và thần kinh. Đặc biệt ở những người trẻ, tổn thương tay thuận sẽ ảnh hưởng chức năng sinh hoạt, lao động, học tập và để lại di chứng cả cuộc đời.

Các chuyên gia chia sẻ, trước đây khi pháo nổ được phép sử dụng trong gia đình thì chủ yếu là người lớn đốt pháo, vì thế họ có kinh nghiệm không bao giờ đốt trực tiếp, tuy nhiên vẫn thường có tai nạn xảy ra. Khi pháo bị cấm, tai nạn lại chủ yếu với trẻ em do tò mò, lén lút và không được hướng dẫn sử dụng, do đó tai nạn pháo nổ ngay trên tay trẻ dẫn đến tổn thương rất nặng nề. Vì vậy, các bậc phụ huynh, nhà trường cần phối hợp tuyên truyền, giáo dục để hạn chế các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ, không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ gây nguy hiểm tính mạng cho bản thân và người xung quanh, đặc biệt là ở lứa tuổi trẻ em.

NGUYỄN THẾ

Ý kiến bạn đọc