Điều trị bệnh nhân động kinh kháng thuốc thế nào cho hiệu quả?
VHO - Hiện nay trên 60% bệnh nhân động kinh là ở đối tượng trẻ em, trong đó động kinh kháng thuốc từ 20-30%. Vậy làm sao kiểm soát cơn động kinh của bệnh nhân khi thuốc không đáp ứng điều trị?
Động kinh kháng thuốc được định nghĩa là động kinh không thể kiểm soát bằng các loại thuốc.Tức là bệnh nhân không thể điều trị bằng thuốc nhưng vẫn có thể điều trị bằng những phương pháp khác. Đối với bệnh nhân động kinh kháng thuốc, các bác sĩ sẽ có một số phương pháp khác ngoài việc dùng thuốc để hỗ trợ cho bệnh nhân hết cơn hoặc giảm được số cơn. Trong đó, phương pháp tốt nhất là phẫu thuật động kinh vị trí tổn thương hay nơi sinh ra cơn động kinh đó.
Bác sĩ Trần Đình Văn và cháu bé bị động kinh kháng thuốc sau ca phẫu thuật
Mới đây, các bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phẫu thuật thành công cho bé nam N.T.D (14 tuổi, quê ở Nghệ An) có tiền sử động kinh 8 năm. Cháu xuất hiện cơn động kinh đầu tiên cách đây 8 năm, đến nay hằng tuần có khoảng 3-5 cơn, mỗi cơn kéo dài trung bình 1 phút. Những cơn động kinh kéo dài nhiều năm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và học tập của D. Trước phẫu thuật, D đã dùng qua rất nhiều loại thuốc chống động kinh với liều cao tối đa trong cân nặng của cháu.
Khi đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, D đã được các chuyên gia Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh tiến hành thăm khám kỹ lưỡng và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng. Sau đó cháu được chụp cắt lớp vi tính, máy chụp PET/CT đánh giá chuyển hóa trong não giúp gợi ý tổn thương. Bên cạnh đó, người bệnh còn được làm điện não video giúp phát hiện tổn thương kín đáo tại vùng vận động… Ths.Bs Trần Đình Văn, Khoa Phẫu thuật Thần kinh 1, người trực tiếp phẫu thuật cho cháu D cho biết: Vùng tổn thương của cháu D nằm ở hồi sau trung tâm, cách vùng vận động chỉ vài mm, trong phẫu thuật nếu không cẩn thận chỉ cần 1 sơ suất nhỏ cũng có thể gây tổn thương vận động.
Cũng theo Ths.Bs Trần Đình Văn, hiện nay trên 60% bệnh nhân động kinh là ở đối tượng trẻ em, trong đó động kinh kháng thuốc chiếm từ 20-30%. Động kinh kháng thuốc do các tổn thương vùng vận động hoặc gần vùng vận động là thử thách lớn với phẫu thuật thần kinh chức năng vì rủi ro cao và gây yếu liệt sau mổ. Đến nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiến hành phẫu thuật cho hơn 100 trường hợp động kinh kháng thuốc trong đó có nhiều trường hợp trẻ động kinh kháng thuốc có tổn thương ở vùng vận động hoặc gần vùng vận động được phẫu thuật thành công.
LÊ DUY