Đề xuất đổi tên Hội Nam y thành Hội Y dược học cổ truyền Việt Nam

VHO- GS.TS Trương Việt Bình, Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam cho biết, Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Hội Nam y nhiệm kỳ 2022 – 2027 đã đề xuất đổi tên Hội Y dược học cổ truyền Việt Nam, đây là nguyện vọng của hơn 2.000 hội viên Hội Nam y Việt Nam.

Ngày 15.9, Đại hội Đại biểu Hội Nam y Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của hàng trăm hội viên ở nhiều vùng miền trong cả nước. Hội Nam y Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 852/QQD-BNV ngày 17.3.2017 của Bộ Nội Vụ. Trong 5 năm qua, Hội đã phát triển 42 Chi hội Nam y trực thuộc ở các vùng miền trong cả nước với 2.250 hội viên, 9 ban chuyên môn. Hội đã lập 2 ban đại diện tại miền Nam ở TP HCM, tại miền Trung ở Đà Nẵng và một số đơn vị trực thuộc như Viện nghiên cứu y dược cổ truyền Việt Nam, đã và đang đi vào hoạt động có hiệu quả và được cộng đồng đánh giá cao.

Đề xuất đổi tên Hội Nam y thành Hội Y dược học cổ truyền Việt Nam - Anh 1

GS.TS Trương Việt Bình, Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027 phát biểu tại Đại hội

Trong đại dịch Covdi-19, Hội đã chủ động phối hợp với nhiều tổ chức xã hội và địa phương thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện, quyên góp mua vắc xin phòng chống Covid -19, tổ chức chuyến xe nghĩa tình, quyên góp hơn 300 tấn rau, củ quả và lương thực với tổng số tiền đóng góp năm 2021 hơn 40 tỷ đồng. Ngoài ra Hội hỗ trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, thường xuyên phối hợp cùng các đơn vị và địa phương tổ chức thực hiện hoạt động tư vấn sức khỏe khám chữa bệnh bằng thuốc Nam miễn phí cho cộng đồng ở nhiều vùng trong cả nước. Trong nhiệm kỳ đầu, chủ tịch Hội đã tặng danh hiệu thầy thuốc Nam tiêu biểu năm 2020 cho 175 hội viên.

Đại hội Đại biểu Hội Nam y Việt Nam lần thứ 2 nhiệm kỳ 2022-2025 đã bầu ra Ban chấp hành mới với 68 thành viên, 5 thành viên Uỷ Ban Kiểm tra. GS.TS Trương Việt Bình được bầu làm Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam.

Đề xuất đổi tên Hội Nam y thành Hội Y dược học cổ truyền Việt Nam - Anh 2

Hội Nam y Việt Nam trao cờ thi đua cho các đơn vị xuất sắc

GS.TS Trương Việt Bình cho biết, Nghị quyết của Đại hội là có nội dung đề nghị đổi tên hội Nam Y Thành Hội Y dược học cổ truyền Việt Nam vì tên tiếng Anh đã là Hội Y dược học cổ truyền Việt Nam. Nhưng tên tiếng Việt là Hội Nam y vì muốn nhấn mạnh về cây thuốc nam của Việt Nam nhưng hội Nam Y có thể bị lẫn với Hội Nam học. Đề xuất đổi tên cũng là nguyện vọng của tất cả các hội viên. Nếu được chấp thuận, Bộ Nội vụ sẽ ra quyết định và nhiệm kỳ 2022- 2025 mới chính thức dùng tên Hội Y dược học cổ truyền Việt Nam.

Cũng theo Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam, định hướng của hội trong những năm tới là sẽ thành lập Hội Y học dược cổ truyền ở tất cả các địa phương, sau đó phát triển mạng lưới tới các huyện, các xã, vùng bản làng và các vùng miền để quy tụ những người yêu thích y học cổ truyền, phát triển vùng dược liệu cũng như các phương pháp chữa bệnh, tham gia vào hệ thống khám chữa bệnh ban đầu… Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng các nông trường dược liệu làm nguồn sản xuất thuốc phục vụ cho nhu cầu trong nước và cũng như xuất khẩu.

Hội Nam y có chủ trương thành lập Hội đồng khoa học của Hội và kết hợp với một số viện nghiên cứu để nghiên cứu, đánh giá tác dụng tương đương giữa các vị thuốc nam với thuốc bắc. Khi xác định tương đương được thì mình sẽ phổ biến cho toàn bộ hệ thống y học cổ truyền Việt Nam để dùng nguyên liệu đấy thay cho thuốc nhập khẩu. Hiện nay, nguyên liệu để sản xuất thuốc y học cổ truyền có 2/3 cây thuốc nam. Ngoài ra, cây thuốc nam được xuất khẩu rất nhiều nhưng chưa quy tụ được các đầu mối nên vẫn còn nhỏ lẻ, và có lúc thừa lúc thiếu. Do đó, trong thời gian tới Hội sẽ thành lập một sàn dược liệu để những người sử dụng nắm được thông tin, đồng thời, công khai, minh bạch giá nguyên liệu, giá thuốc, từ đó kéo giá thành giảm xuống để đông đảo mọi người có thể sử dụng.

Q.HOA

Ý kiến bạn đọc