Chăm sóc sức khoẻ người già trước thềm dân số 100 triệu
VHO- Căn cứ vào tốc độ tăng dân số trung bình những năm gần đây, dự kiến trung tuần tháng 4 tới, nước ta sẽ đón công dân thứ 100 triệu. Việt Nam cũng đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và kết thúc vào năm 2038 với số người cao tuổi đạt 20%. Hiện số lượng người cao tuổi (trên 60) là 12 triệu người, dân số già trong tương lai sẽ tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội, y tế, môi trường chính sách…
Bệnh viện Lão khoa Trung ương khám sàng lọc bệnh sa sút trí tuệ cho người cao tuổi Ảnh: N.DƯƠNG
Bệnh sa sút trí tuệ ngày càng tăng
Cùng với các bệnh mãn tính của người già như tiểu đường, huyết áp, tim mạch… thì bệnh sa sút trí tuệ đang ngày càng tăng lên. Vừa qua, Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã tổ chức khám miễn phí cho hơn 200 người cao tuổi tại các phường Phương Mai, Tân Mai, Nam Đồng, Nhà dưỡng lão Nhân Ái trên địa bàn Hà Nội để các bác sĩ chia sẻ kiến thức chuyên môn, đồng thời phát hiện sớm bệnh lý sa sút trí tuệ.
PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ (Bệnh viện Lão khoa Trung ương) cho biết, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân tới khám suy giảm trí nhớ, tăng gấp 2-3 lần so với 5 năm trước. Bệnh chia làm 4 giai đoạn: Nhẹ, trung bình, nặng, rất nặng. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp người cao tuổi đến khám ở giai đoạn tương đối muộn, thường sau 1-2 năm có triệu chứng, cho tới khi có biểu hiện rối loạn nhận thức nặng, ảnh hưởng lớn đến nhận thức bản thân mới đến bệnh viện để khám. “Hầu hết bệnh nhân đến viện ở giai đoạn trung bình khi quên nhiều, có rối loạn nhận thức khác như không có khả năng nói chuyện, mất sử dụng động tác, đi lạc đường, loạn thần, hoang tưởng. Thậm chí, có nhiều cụ nhịn ăn, nhịn đói vài ngày dẫn tới tụt đường huyết, suy dinh dưỡng hoặc có người ăn thái quá. Có người không chịu tắm gội cả tuần, hay đi lại lang thang, đêm mất ngủ”, bác sĩ Bình cho hay.
Những dấu hiệu này dễ lẫn với bệnh tâm thần, nhiều gia đình đã đưa các cụ đi khám, điều trị tại chuyên khoa tâm thần nên nhiều khi không hiệu quả. Bác sĩ Bình cho hay, khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh thì cần phải đưa đi khám ngay, ví dụ, khách đến nhà chơi thì các cụ hỏi tên nhiều lần, đó là biểu hiện của trí nhớ ngắn hạn bị sa sút, bệnh nhân bị mất ngủ, có nhiều hành động khác thường như nghi kỵ cụ hay ông (cụ bà) có “tình ý” gì với hàng xóm, nghi ngờ con cái lấy đồ, lấy tiền của mình, ăn rồi nhưng bảo chưa ăn; chưa ăn nhưng nói là ăn rồi… “Nhiều gia đình cho rằng đây là những biểu hiện bình thường của người già, của lão hoá nên không đưa các cụ đi khám sớm, để bệnh nặng trầm trọng mới chữa khiến người chăm sóc rất vất vả. Ở giai đoạn trung bình, người bệnh quên nhiều hơn, không biết mặc quần áo, không biết gọi điện thoại… Người bệnh thường ở tuổi 70 trở ra và nhiều nhất ở tuổi 80”, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ bổ sung.
Theo ước tính, có khoảng 5% người cao tuổi tại Việt Nam bị mắc bệnh sa sút trí tuệ, nhưng chỉ có khoảng 1% trong số này được quản lý và khám, điều trị. Hiện nay, Bệnh viện Lão khoa Trung ương hiện đang quản lý khoảng 400-500 bệnh nhân sa sút trí tuệ theo chương trình được BHYT chi trả, còn lại số bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế tuyến dưới không được BHYT chi trả sẽ là gánh nặng cho họ.
Cần tăng cường hệ thống chăm sóc người già
Số người cao tuổi ở nước ta liên tục tăng cao trong những năm gần đây, hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi (chiếm khoảng 11,86% dân số). Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) sẽ khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số. Tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng trong cơ cấu dân số gây áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội, hệ thống y tế, trong đó có chuyên ngành lão khoa.
PGS.TS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, theo một nghiên cứu mới đây, những bệnh nhân trên 80 tuổi có đến 6 bệnh phối hợp như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, Parkinson, sa sút trí tuệ, đột quỵ... Tình trạng bệnh lý và hội chứng lão khoa khiến nhu cầu chăm sóc toàn diện với đối tượng này là rất lớn. Đó cũng là vấn đề cấp thiết cần giải quyết với hệ thống an sinh xã hội, môi trường chính sách của bất kỳ quốc gia nào. “Ở các nước phát triển, chăm sóc người dân khi về già là một lộ trình có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính và thời gian, thậm chí từ 20 năm trước. Song ở Việt Nam, như nhiều ý kiến nhận định “người Việt chưa giàu đã già”, hầu hết chúng ta không chuẩn bị được tâm thế đón nhận tuổi già, không chuẩn bị được tài chính từ khi còn trung niên để an dưỡng khi tuổi cao. Tuổi già ập đến với nhiều bệnh lý đòi hỏi việc chăm sóc thường xuyên, tốn kém về chi phí điều trị thuốc, dinh dưỡng trong khi tài chính bản thân eo hẹp, con cái bận rộn không hỗ trợ được nhiều, gánh nặng tuổi tác trước hết đè lên gia đình họ, sau đó là hệ thống an sinh xã hội”, PGS.TS Nguyễn Trung Anh trăn trở.
Một thực tế là, trong chuyên ngành Lão khoa hiện vẫn còn thiếu nhân lực bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc, do đó, theo Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cần tích cực đào tạo, xây dựng các mô hình, chương trình đào tạo tốt để đáp ứng chuyên môn cho người làm chuyên ngành… Để đối phó với tình trạng già hóa dân số, Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã xây dựng chiến lược nâng cao chất lượng chăm sóc trên người cao tuổi, thông qua các chương trình tăng cường các nghiên cứu chuyên sâu về người cao tuổi giữa Bệnh viện Lão khoa Trung ương và các trường đại học uy tín trên thế giới, hỗ trợ phát triển khung chương trình đào tạo bác sĩ lão khoa, điều dưỡng lão khoa, người chăm sóc; trao đổi học viên liên viện, liên trường đại học… “Tôi tin rằng với những việc làm này sẽ từng bước giải quyết được bài toán chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức khi là một trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới”, PGS.TS Nguyễn Trung Anh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để người cao tuổi có cuộc sống tích cực, chất lượng, truyền đạt những kinh nghiệm sống quý báu và là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con cháu, các ngành chức năng cần trang bị cho tuổi già bằng kiến thức khoa học và cho cả những người trong gia đình họ. Bên cạnh đó cũng cần những chính sách phù hợp hơn cho người cao tuổi, đảm bảo an sinh xã hội cho nhóm đối tượng này, bởi thực tế người cao tuổi trong xã hội vẫn là một nguồn lực rất quan trọng và không thể thiếu. Họ là những người có trình độ, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và bề dày kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực...
THẢO LAM