Cẩn trọng khi mua siro ho, trị cảm xách tay

VHO- Hiện nay trên thị trường có nhiều loại siro ho, trị cảm dành cho trẻ em vào Việt Nam theo đường không chính thống, “xách tay”. Đã có nhiều khuyến cáo về việc sử dụng các sản phẩm này, bằng chứng mới đây nhất là 4 loại siro ho được Tổ chức y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy hiểm.

Mới đây, WHO vừa phát đi cảnh báo về 4 loại siro trị ho, cảm lạnh sản xuất tại Ấn Độ có thể liên quan đến vụ 66 trẻ em ở Gambia tử vong do tổn thương thận cấp. Các sản phẩm này gồm: Promethazine Oral Solution, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup và Magrip N Cold Syrup, đều là các sản phẩm của Công ty Maiden Pharmaceuticals Ltd. có trụ sở tại New Delhi.

Cẩn trọng khi mua siro ho, trị cảm xách tay - Anh 1

4 loại siro ho của Ấn Độ bị nghi ngờ gây ra tổn thương thận gấp dẫn đến tử vong ở trẻ em

Trước thông tin này, đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, qua rà soát danh mục các thuốc được nhập về Việt Nam, kết quả cho thấy cơ quan này chưa cấp số đăng ký nào cho Công ty Maiden Pharmaceuticals Ltd. Đồng thời, cũng chưa cấp số đăng ký cho 4 sản phẩm trên. Công ty Maiden Pharmaceuticals Ltd cũng không có hồ sơ nào đang nộp tại Cục.

Theo thông tin từ Bộ Y tế Ấn Độ, công ty Maiden đi vào hoạt động vào tháng 11.1990, có 2 cơ sở sản xuất tại thành phố Kundli và Panipat cùng một cơ sở mới mở thời gian gần đây. Công ty có khả năng sản xuất 2,2 triệu chai siro ho, 600 triệu liều thuốc dạng viên nhộng, 18 triệu liều thuốc tiêm, 300.000 tuýp thuốc bôi và 1,2 tỷ viên thuốc dạng viên nén mỗi năm. Trên trang web, Maiden cho biết, các sản phẩm của công ty này được bán tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang các quốc gia ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latin.

Theo WHO, kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm của 4 sản phẩm trên, phát hiện lượng diethylene glycol và ethylene glycol ở mức "không thể chấp nhận được", có thể gây độc và dẫn đến tổn thương thận cấp tính. WHO cũng kêu gọi các nước rà soát và cấm lưu hành những sản phẩm này của Maiden Pharma.

Đến nay, các sản phẩm mới chỉ được xác định có mặt tại Gambia, tuy nhiên chúng có thể đã được phân phối ở những nơi khác thông qua các kênh không chính thức. Cục Quản lý Dược khuyến cáo người dân chỉ nên mua các thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã được cấp số đăng ký lưu hành, tránh mua, sử dụng các sản phẩm trôi nổi. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại sản phẩm chức năng, dược phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ, tem nhập khẩu được rao bán công khai trên facebook hoặc kênh “người quen”.

Q.HOA

Ý kiến bạn đọc