“Chìa khóa” then chốt của xuất bản
VHO - Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác xuất bản, in và phát hành mới diễn ra tại TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển đổi số và nâng cao chất lượng đầu sách trở thành nhiệm vụ trọng tâm.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ VHTTDL) lưu ý, ngành Xuất bản không thể đứng ngoài xu hướng chuyển đổi số và xuất bản điện tử. Đây chính là yếu tố then chốt để theo kịp nhu cầu, thói quen đọc của độc giả.
Một thực tế cho thấy, nhiều đơn vị trong ngành chưa giải được bài toán chuyển đổi số, chưa tìm được sự gắn kết với thị trường.
Là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi số, thế nên những năm gần đây, ngành xuất bản, in và phát hành trên địa bàn TP.HCM đã quan tâm đầu tư, đổi mới về công nghệ, phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức xuất bản và phát hành xuất bản phẩm.
Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM cho biết, hiện nay nhà xuất bản, công ty phát hành trên địa bàn thành phố đã từng bước quan tâm, thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào hoạt động phát hành xuất bản phẩm.
“Các kênh phát hành cũng đã được mở rộng, vượt ra ngoài khuôn khổ các kênh phát hành truyền thống với các hệ thống phát hành trực tuyến được xây dựng theo công nghệ nền tảng đa phương tiện. Các dạng sách nói, audio book, sách tương tác… tiếp tục tăng trưởng, tạo đà cho văn hóa đọc phát triển đa dạng”, ông Hồi chia sẻ.
Còn bà Tạ Liên Hương, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Sách Alpha (Alpha Books) cũng đưa ra những con số chuyển biến tích cực về quá trình chuyển đổi số trong thời gian qua.
Khảo sát cuối năm 2023 của Đại học Văn hóa Hà Nội cho thấy, 62% người trẻ (18 - 35 tuổi) sử dụng sách điện tử hoặc audiobook, tăng 28% so với năm 2021 (chỉ 34%). Điều này cho thấy xu hướng đọc chuyển dịch mạnh mẽ sang môi trường số.
Tuy vậy, mạng lưới phát hành hiện nay vẫn phân mảng, cồng kềnh, chi phí cao và phản ứng chậm với thị trường. Tình trạng sách lậu, sách giả vẫn diễn ra phổ biến. Riêng năm 2024, theo ghi nhận của Hội Xuất bản Việt Nam, hơn 11.000 vụ vi phạm bản quyền diễn ra trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Hồi cho hay, cũng như các ngành khác, những cơ hội luôn đi kèm một số khó khăn, thách thức trong lĩnh vực xuất bản, phát hành cũng không tránh khỏi.
Tình trạng vi phạm bản quyền, sách giả, phát hành sách lậu trên nền tảng không gian mạng, việc bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng hiện là một trong những thách thức không nhỏ trong hoạt động xuất bản.
Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh (Bộ VHTTDL) cho biết, nếu như trước đây, vi phạm bản quyền sách “lách luật” dưới hình thức in lậu, bán sách giả thì nay đã khó lường hơn khi việc mua bán sách trên các sàn thương mại điện tử phát triển.
Tuy nhiên, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của hai điều ước quốc tế về bản quyền từ năm 2022, tạo nền tảng vững chắc cho việc bảo vệ quyền lợi của tác giả trong môi trường số.
Chính vì thế, các nhà xuất bản cần chú ý đến các điều khoản trong hợp đồng về quyền sao chép tác phẩm dưới dạng điện tử, đồng thời bảo vệ các sản phẩm xuất bản trên môi trường số khỏi vi phạm bản quyền.
Qua những ý kiến, đóng góp, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, một trong những quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2025 là đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, cách mạng, toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế để đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển.
Vì vậy, toàn ngành cần tiếp tục nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa nhằm phát huy kết quả đã đạt được năm 2024. Đồng thời nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm và nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế để tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đưa ngành Xuất bản phát triển vững mạnh trong kỷ nguyên mới của đất nước.