Xóa bỏ hủ tục nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc”

VHO- Thời gian qua, Công an ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi đã giúp người dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, trong đó dập tắt nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc”.

Xóa bỏ hủ tục nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” - Anh 1

 Công an và chính quyền địa phương kịp thời giải nghi cho ông Hồ Văn Quang 

Vào đầu tháng 11.2022, anh Hồ Văn Thêm vì nhiều đêm thấy ông Hồ Văn Quang (SN 1960) ở tổ 2, thôn Bắc Dương, xã Trà Tây, huyện Trà Bồng là một thầy cúng của làng hay đi về khuya nên trong lúc uống rượu đã chỉ mặt ông Quang và phát biểu tỏ vẻ nghi ngờ ông Quang có “đồ độc”. Những phát ngôn của ông Thêm đã làm cho mọi người trong làng nghi ngờ. Kể từ đó mọi hành động, cử chỉ của ông Quang bị mọi người xa lánh, cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Ông Quang bộc bạch: “Tôi nguyên là cán bộ xã, hiện là thầy cúng, hằng ngày thường xuyên đi cúng cho mọi người khi cần, vì vậy có lúc hay đi về đêm, cũng không hiểu sao anh Thêm và mọi người xa lánh tôi”. 
Cũng tại tổ 4, thôn Bắc Nguyên, xã Trà Tây, anh Hồ Văn Vũ (SN 1977) là một người nghiện rượu, ăn mặc “luộm thuộm” và có những phát ngôn khiêu khích, tự cho mình có “đồ độc”, thậm chí người trong làng chết thì anh Vũ cho rằng người chết là do có xích mích với anh. Trong một lần sang xã Trà Phong chơi, thấy đám thanh niên đang nhậu anh liền đi tới xin nhậu và có nhiều phát ngôn gây sốc, làm cho đám này bỏ chạy, thế là anh hả hê chén mồi và rượu no say. Chị Hồ Thị Cam (vợ anh Vũ) cho hay: “Bản thân chồng tôi thì khỏe rồi, chẳng cần phải lo ăn, lo mặc nhưng vợ, con luôn là đối tượng bị mọi người xa lánh. Gia đình có 5 người con, đứa lớn nhất chuẩn bị đi bộ đội, đứa nhỏ nhất vẫn còn những bước đi chập chững, tất cả việc ăn, uống của gia đình đều trông cậy vào việc đi làm thuê hằng ngày của tôi, thế nhưng từ ngày bị nghi kỵ, việc thuê mướn cũng ngày càng ít đi. Vì vậy, cuộc sống càng khó khăn hơn với gia đình”. 
Thiếu tá Hồ Văn Chanh, Trưởng Công an xã Trà Tây, huyện Trà Bồng cho biết, cùng lúc 2 vụ việc nghị kỵ “cầm đồ thuốc độc”, người bị nghi kỵ đã bị mọi người xa lánh, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống vật chất và tinh thần của bản thân và gia đình. Sau khi nắm tình hình và tiếp nhận phản ánh của người dân, lực lượng An ninh Công an huyện và Công an xã Trà Tây đã nhanh chóng vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc, tham mưu Đảng ủy xã Trà Tây tổ chức các cuộc hòa giải, phát động phong trào để giải nghi, nâng cao nhận thức cho người dân về hủ tục lạc hậu cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa bàn. 
Ngồi bên tách trà nóng trong căn nhà sàn, ông Quang người từng bị nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” bày tỏ niềm vui: “Nhờ lực lượng Công an và chính quyền địa phương kịp thời giải nghi, giờ trong lòng tôi cảm thấy nhẹ nhõm, cuộc sống gia đình được trở lại bình thường”. 
Giờ đây, ông Phạm Văn Chính ở xã Ba Lế, huyện Ba Tơ sau khi thi hành xong án phạt tù về tội giết người do hủ tục “nghi kỵ cầm đồ thuốc độc” đã trở về quê chí thú làm ăn. Nhờ tuyên truyền, giáo dục nên ông Chính đã từ bỏ suy nghĩ, lối sống hủ tục và tuyên truyền đến người thân. “Trước đây, dân làng và tôi đều nghi kỵ một người “cầm đồ thuốc độc” nên tôi đã cùng một số người giết chết người. Tôi bị xử tù nhưng cải tạo tốt nên được về trước thời hạn. Tôi đã bị phạt tù vì tội giết ổng. Bây giờ tôi sợ lắm rồi, không còn nghi việc có đồ độc hại chết người nữa”, ông Chính bày tỏ. 
Thượng úy Phạm Văn Nãy, Công an xã Ba Lế, huyện Ba Tơ cho biết, trường hợp ông Phạm Văn Chính, ở xã Ba Lế sau khi thi hành xong án phạt tù về tội giết người do hủ tục “nghi kỵ cầm đồ thuốc độc” đã trở về quê chí thú làm ăn. Nhờ tuyên truyền, giáo dục nên ông Chính đã từ bỏ suy nghĩ, lối sống hủ tục và tuyên truyền đến người thân. Để xóa bỏ những tập tục lạc hậu đã ăn sâu bám rễ trong đồng bào không phải là điều dễ dàng. Vì vậy, các cán bộ Công an đã thường xuyên kiên trì vận động người dân, tổ chức các cuộc họp thôn làng, tranh thủ những người có uy tín trong đồng bào hoặc xuống từng hộ dân để tuyên truyền; tâm huyết với đồng bào để giúp họ xóa dần đi những định kiến lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới. 
Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn đặc biệt khó khăn nên diện mạo kinh tế - xã hội miền núi đổi mới và phát triển. Không chỉ là “điện, đường, trường, trạm”, mà đời sống người dân cùng với trình độ dân trí, nhận thức pháp luật, khoa học công nghệ… đã được nâng cao, nhiều hủ tục mê tín dị đoan cơ bản đã được đẩy lùi. 

 Theo cách nghĩ của nhiều người dân miền núi tỉnh Quảng Ngãi, “đồ độc” gồm các tạp vật, khi muốn hại người khác thì dùng “đồ độc” đụng vào người hoặc đem chôn gần bị hại và nguyền rủa. Những năm trước đây, trên địa bàn các huyện miền núi Quảng Ngãi xảy ra nhiều vụ nghi “cầm đồ thuốc độc” dẫn đến nhiều người chết oan uổng.

 NHƯ ĐỒNG 

Ý kiến bạn đọc