Xe vi phạm quảng cáo đi như chỗ không người

VHO - Sau một thời gian tạm lắng, quảng cáo sản phẩm được “phủ kín” trên toàn thân xe ô tô, rồi di chuyển qua nhiều đường phố ở Hà Nội đã hoạt động trở lại và dường như không gặp bất cứ trở ngại nào từ phía lực lượng chức năng.

Xe vi phạm quảng cáo đi như chỗ không người - Anh 1


 Bốn xe vi phạm quy định quảng cáo nối đuôi nhau “diễu hành” trên đường phố Hà Nội

Sáng cuối tuần qua, bốn xe ô tô loại 50 chỗ ngồi được phủ kín quảng cáo sản phẩm của một ngân hàng tập kết ở phía Tây Nam khô đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Gần 10h, đoàn xe bốn chiếc lăn bánh chầm chậm dọc theo phố Nguyễn Hữu Thọ, chạy cắt ngang qua đường Giải Phóng và từ từ “diễu hành” trên nhiều đường phố khác. Tầm 13h, xe lại trở lại điểm tập kết buổi sáng. 
Những chiếc xe này được sơn phủ quảng cáo cả ở mặt trước, mặt sau. Hai bên thành xe cũng được bịt kín dành cho quảng cáo sản phẩm. Với vận tốc chậm rãi, bốn chiếc xe vi phạm các quy định của Luật Quảng cáo và trật tự an toàn giao thông đi ngang các các ngã tư, ngã sáu, nơi có lực lượng chức năng giám sát, tuần tra nhưng không hề có sự nhắc nhở hay dừng phương tiện để kiểm tra. Một người dân ở cạnh ngã sáu nơi giao lộ đường Nguyễn Hữu Thọ với đường Nguyễn Xiển cho biết, hơn một tháng nay, cứ vào dịp cuối tuần, những chiếc xe dán kín mít quảng cáo bắt đầu “xuống phố” để... quảng cáo. Bốn chiếc xe đi liền nhau gây cảnh tắc đường nhưng không thấy ai kiểm tra, xử lý. Có một điều lạ là, lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên nhiều tuyến phố, nhất là những điểm đông người và phương tiện qua lại, đều nắm rõ quy định quảng cáo trên phương tiện giao thông. Theo đó, quảng cáo trên phương tiện giao thông không được dán quảng cảo ở mặt trước, sau xe và trên nóc xe. Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông. Việc thể hiện biểu trưng, logo, biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông. Thế nhưng, lực lượng cảnh sát giao thông dường như “ngó lơ” hoặc coi như không biết.

Xe vi phạm quảng cáo đi như chỗ không người - Anh 2

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ của Sở VHTT Hà Nội cho biết, đây là thực trạng nhức nhối, gây bức xúc cho dư luận. Bên phía nhận làm quảng cáo biết chắc rằng, nếu nộp hồ sơ lên cơ quan chức năng làm thủ tục xin phép quảng cáo thì sẽ không được cấp giấy phép nên họ cứ nhận và làm liều. Người này cũng thừa nhận, việc quản lý quảng cáo trên phương tiện giao thông hiện còn lỏng lẽo, mặt khác khó quản lý vì phương tiện dán quảng cáo lại di chuyển liên tục. Vì vậy cần có sự phối hợp liên ngành trong việc tiến hành thanh tra, kiểm tra. Tiến tới tăng cường công tác hậu kiểm. Theo Điều 32 Luật Quảng cáo 2012 quy định quảng cáo trên phương tiện giao thông: Việc quảng cáo trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của Luật này và pháp luật về giao thông. Không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông. Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông. Như vậy, xe ô tô có quyền dán quảng cáo trên các vị trí của xe, ngoại trừ các vị trí mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông. Không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông. 

Xe vi phạm quảng cáo đi như chỗ không người - Anh 3

Về mức xử phạt đối với hành vi dán quảng cáo không đúng vị trí theo quy định trên xe ô tô, tại khoản 2 điểm b khoản 4 Điều 43 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm quy định về quảng cáo làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự giao thông, xã hội và trên phương tiện giao thông: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông; Quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông theo quy định. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này. Ngoài ra, tại khoản 2 khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức.
Phải chăng, chế tài xử phạt đang ở mức quá “nhẹ nhàng” cùng với chưa được tăng cường quản lý của cơ quan chức năng liên quan nên nạn vi phạm quảng cáo trên phương tiện giao thông vẫn cứ thế tiếp diễn, đi như “chỗ không người”? 

 VĂN SỸ

Ý kiến bạn đọc