“Sao sa” giữa đại ngàn

VHO - Đến Khe Linh, bản được mệnh danh “5 không” của Keng Đu, nằm ở cực Tây huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), dưới ánh điện sáng lung linh, bên chóe rượu cần sánh nồng, già làng Xèo Phỏ Um mừng vui nói: “Không ai ngờ đến một ngày nơi tối tăm heo hút nhất từ bao đời ni (nay) đến chừ lại đổi đời, có được ánh sáng văn minh”.

“Sao sa” giữa đại ngàn - Anh 1

 Có điện, Trường Tiểu học Keng Đu, huyện Kỳ Sơn giảng dạy theo chương trình giáo dục mới với sự hỗ trợ của màn hình

 Keng Đu, xã biên giới heo hút nhất huyện biên giới 30a Kỳ Sơn, cách trung tâm huyện lỵ khoảng 80 km đường đồi núi, chủ yếu là đồng bào Khơ Mú với hơn 80% hộ nghèo và cận nghèo. Ngày 26.10 năm ngoái là ngày đáng nhớ nhất của người dân bản Huồi Phuôn 2 khi điện về bật sáng cả một vùng miền biên viễn. Cùng với bản Huồi Phuôn 2, dòng điện cũng đã về với 7 bản: Quyết Thắng, Kèo Cơn, Huồi Tông, Khe Linh, Keng Đu, Hạt Tà Vén và Huồi Xui.

Ánh điện lên miền biên viễn

Trong căn nhà sàn lung linh ánh điện, Trưởng bản Huồi Phuôn 2 Moong Văn Thắng sung sướng nói: “Từ bao đời nay, người dân các vùng bản sâu xa luôn mong ước có được ánh sáng văn minh. Cuối cùng niềm ao ước bao đời nay đã thành hiện thực. Có điện để thắp sáng, bà con dân bản được xem ti vi, sắm sửa các đồ dùng bằng điện: Quạt, nồi cơm, con em không phải học dưới ngọn đèn dầu tù mù nữa. Có điện về thay cho trước đây, nhiều gia đình ở Keng Đu đặt tua bin dưới suối dòng, điện chập chờn lúc mờ lúc tỏ và vụt tắt khi mùa mưa lũ”.

Chủ tịch UBND xã Keng Đu Lương Văn Ngam chia sẻ: “Từ khi có điện, người dân phấn khởi lắm vì từ nay có thể xem ti vi cập nhật nhiều thông tin, nắm rõ hơn các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; học cách làm ăn; đẩy lùi các hủ tục lạc hậu... Từ đó phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, cùng xây dựng bản làng ngày một no ấm và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc”. Xuôi về xã Bảo Nam cách Keng Đu khoảng 90 km là bản Xà Lông (cụm 2), nơi có 57 hộ đồng bào Khơ Mú sinh sống. Vài tháng trước người dân ở đây khi thấy những cột điện bê tông, trạm biến áp, dây điện để đầy trước bản, bà con ai cũng vui mừng, mong mỏi từng ngày ánh điện chiếu sáng mọi nhà. Đến đầu tháng 10 vừa qua, điện đã về, ước mong trở thành hiện thực. Anh Xeo Văn Toán, một trong những chủ hộ mở cửa hàng tạp hóa tại bản bộc bạch: “Điện về bản đã giúp gia đình mở ra cơ hội làm ăn, chúng tôi đã mua thêm nhiều sản phẩm đồ điện như nồi cơm, quạt, tủ lạnh, tủ đá; Rồi những đồ ăn như xúc xích, kem... vừa để phục vụ nhu cầu của bà con, vừa tăng thu nhập!”. Theo anh Toán, từ khi có điện, gia đình anh có được cơ hội kinh doanh đồ điện gia dụng. Những ngày đầu anh đã bán được hàng chục nồi cơm điện, quạt máy và bốn cái tủ lạnh cho bà con. Gia đình đang liên hệ mở đại lý ti vi, loa đài đón đầu việc vui chơi giải trí, nhu cầu của bà con trong dịp Tết…

Dưới căn nhà sàn ánh điện sáng trưng, Bí thư Chi bộ bản Xà Lông Cụt Văn Khau phấn khởi: “Có điện về, ai cũng mừng vui khôn xiết. Nhà tôi nay cũng đã sắm được tủ đá, nồi cơm điện, hai vợ chồng cố gắng để sắm thêm ti vi… Điều quan trọng hơn, sau khi có điện, cấp ủy và ban quản lý bản đang định hướng cho một số con em có tay nghề điện, cơ khí đang làm ăn xa, sớm trở về bản đầu tư máy móc để mở xưởng tại nhà sản xuất, gia công cơ khí…”.

Gian nan đưa nguồn sáng vượt đại ngàn

Phó Giám đốc Điện lực Kỳ Sơn Bùi Mạnh Cường cho biết, trong suốt ba năm qua, Công ty Điện lực Nghệ An đã lắp đặt được hơn 350 km đường dây các loại, gần 100 trạm biến áp về gần 90 bản làng ở vùng hẻo lánh “phên dậu” xa xôi nhất của Nghệ An. Nhiều bản nằm cheo leo trên sườn núi Puxailaileng, độ cao trên 1.000 mét.

Khó khăn lớn nhất phải đối mặt đó là địa hình miền núi rộng lớn, đèo cao, vực sâu chia cắt trong lúc hạ tầng giao thông hạn chế. Một số bản nằm biệt lập trong rừng sâu, đến nay giao thông còn khó khăn, phải đi bằng đường mòn. Đặc biệt như bản Xằng Trên, Yên Hòa, Piềng Pèn, xã Mỹ Lý phải đi bằng đường thủy vận chuyển vật liệu, máy móc vào thi công. Bên cạnh đó thời tiết ở khu vực biên giới Nghệ An hết sức khắc nghiệt, mùa đông có băng tuyết, mùa mưa thường xuyên xảy ra lũ quét gây sạt lở núi, gây nguy hiểm cho người lao động và làm chậm tiến độ thi công. Nhiều đoạn, xe vận chuyển cột điện phải nhích từng đoạn và luôn có xe cẩu, máy nâng áp tải, kéo đẩy qua những đoạn lầy lội... Nguyên vật liệu phục vụ thi công ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn khan hiếm và xa, có điểm phải chở nước từ xa đến hay xách từng can từ suối sâu lên để trộn bê tông. Để kéo đường dây qua các khu rừng, đơn vị thi công đã phải dùng máy bay không người lái kéo dây mồi trước, sau đó mới tổ chức kéo dây vượt qua…

Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An Bành Hồng Hiển cho biết, trước năm 2020 mới hơn một nửa số bản thuộc huyện 30a Kỳ Sơn có điện, đến cuối năm 2023 đã có 182 bản trên tổng số 191 bản có điện. Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia do Bộ Công thương phê duyệt, phấn đấu toàn bộ số thôn bản trong tỉnh Nghệ An được sử dụng điện quốc gia trong giai đoạn 2020-2023, ngành điện đã tập trung thi công, lắp đặt 150 trạm biến áp với tổng công suất hơn 10.821kVA; đưa điện về lắp đặt tại gần 14.600 công tơ cho các hộ đồng bào tại 177 bản rẻo cao. Đến hết năm 2023, cơ bản đã hoàn thành hệ thống và cấp điện cho các bản. Ngành điện đang nỗ lực hoàn thành những công đoạn cuối cùng để kịp cấp điện cho đồng bào ở rẻo cao biên giới vui Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Chúng tôi lại nhớ hôm leo lên Khe Linh, bản được mệnh danh “5 không” của Keng Đu, nghe già làng Xèo Phỏ Um bộc bạch: “Không ai ngờ tới nơi tối tăm heo hút từ bao đời ni đến chừ lại có ánh sáng văn minh. Cảm ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm!”. Đúng vậy, bao đời nay bà con nơi này sống trong cảnh leo lét đèn dầu, bếp lửa, nay điện lưới quốc gia về đến các vùng bản xa xôi như “sao sa” giữa đại ngàn, giúp đồng bào vùng biên giới rẻo cao miền Tây Nghệ An tiếp cận gần hơn với cuộc sống văn minh.

 PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc