Quảng Ngãi tìm cách bảo tồn loài voọc chà vá chân xám
VHO- Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi vừa phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tham vấn giải pháp bảo tồn loài voọc chà vá chân xám tại địa bàn huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi”.
Hình ảnh voọc chà vá
Theo kết quả khảo sát nhanh của Trung tâm GreenViet và Tổ chức FFI, trong năm 2022, tại Quảng Ngãi đã quan sát được 10 đàn voọc chà vá chân xám tại rừng phòng hộ huyện Ba Tơ với khoảng 169 cá thể. Ước tính, nếu điều tra, đánh giá đầy đủ có thể có tới 20 đàn voọc chà vá chân xám sinh sống ở đây. Đây là khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao với 580 loài động vật và 698 loài thực vật các loại.
Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với các đối tượng vận chuyển 6 cá thể linh trưởng đông lạnh và bắn chết 5 cá thể voọc chà vá chân xám năm 2021. Đơn vị đã tham gia trồng rừng mở rộng sinh cảnh, vận động tài trợ chương trình bảo tồn voọc chà vá chân xám, thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ động vật hoang dã. So sánh với một số khu vực có loài chà vá chân xám cho thấy, rừng phòng hộ Ba Tơ hiện đang nuôi dưỡng quần thể chà vá chân xám lớn thứ 3 ở Việt Nam với số lượng cá thể từ 104-169 cá thể. Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, qua khảo sát có thể nhận thấy khu vực rừng phòng hộ Ba Tơ có ý nghĩa quan trọng trong kết nối hành lang đa dạng sinh học bởi tiếp giáp với Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn (Bình Định) và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (Gia Lai). Do đó, Ba Tơ là một hành lang quan trọng để bảo tồn loài voọc chà vá chân xám nói riêng và các giá trị đa dạng sinh học quan trọng nói chung.
Thực trạng chà vá chân xám tại Việt Nam hiện nay, loài này chỉ còn phân bố ở 6 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum và Phú Yên. Theo một số kết quả nghiên cứu cho thấy trên toàn quốc chỉ còn khoảng hơn 2.000 cá thể. Là loài cực kỳ nguy cấp theo phân hạng của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), nằm trong danh sách đỏ các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
NHƯ ĐỒNG