Làng hoa mỏi mòn chờ… thương lái

VHO - Mọi năm vào thời gian này, hầu hết các nhà vườn đều có thương lái đến tham quan, chốt giá và đặt cọc. Nhưng nhưng năm nay, họa hoằn lắm mới có một vài thương lái ghé qua rồi… bỏ đi khiến cho hàng trăm hộ trồng hoa như ngồi trên đống lửa. Bởi số tiền hàng trăm triệu bỏ ra đầu tư, trông chờ vào vụ hoa Tết, nếu hoa không bán được, đồng nghĩa với việc nợ nần, bao gia đình không có Tết...

Làng hoa mỏi mòn chờ… thương lái - Anh 1

Hàng trăm nhà vườn trồng hoa cúc Tết đang mỏi mòn chờ thương lái

Chúng tôi tìm về làng hoa phường Ninh Giang (Thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) khi những ngày Tết đang cận kề. Làng hoa yên ắng, vắng lặng. Cả cánh đồng hoa ngút ngàn màu xanh với những chồi nụ mơn mởn hứa hẹn một vụ hoa Tết rực rỡ, nhưng chỉ lác đác người làm.

Ghé vào vườn hoa của chị Nguyễn Thảo (thôn Phong Phú 2, phường Ninh Giang), chị Thảo chia sẻ: Mọi năm, gia đình chị xuống giống chừng 500 chậu. Tuy nhiên năm nay thấy tình hình kinh tế khó khăn nên gia đình chị chỉ xuống 300 chậu. Cũng chả dám thuê nhiều người làm, chỉ khi lên chậu, hay những lúc nhiều việc mới dám thuê thêm nhân công; còn lại gia đình tự bỏ công làm lời, mong thời tiết thuận lợi, hoa bán được giá để có tiền chi tiêu Tết. Thế nhưng đến giờ vẫn chưa có thương lái nào đến hỏi.

“Năm nay thời tiết thuận lợi, hoa phát triển tốt. Tầm ngoài 20 tháng Chạp hoa bắt đầu bung nở. Nhưng đến giờ này mà chảg có thương lái đến mua! Gia đình cũng đã tính đến tình huống phải chở đi tiêu thụ. Mong là mọi sự tốt lành để gia đình có một cái Tết đủ đầy”, chị Thảo than thở.

Làng hoa mỏi mòn chờ… thương lái - Anh 2

Chăm bẵm 5 - 6 tháng trời, nhiều gia đình trồng chờ vào vụ hoa Tết

Không như chị Thảo, ông Phạm Văn Tâm (thôn Phong Phú 2) lạc quan hơn. Dù nhận định tình hình kinh tế khó khăn, nhưng nghĩ cả năm chỉ có một cái Tết, nhà nào cũng chơi hoa, nên cá Tâm dốc hết vốn liếng hơn 100 triệu đồng, đầu tư trồng hơn 1.000 chậu hoa cúc Tết, chủ yếu là cúc pha lê - loại cúc cánh nhỏ, màu rực rỡ và nở bền.

Hơn 1.000 chậu hoa nên gia đình làm không xuể, từ tháng 7 đến giờ, ông Tâm đều phải thuê 3-5 nhân công cùng làm với mức giá từ 200-300 ngàn đồng 1 người/ngày. Theo ông Tâm, chi phí vào mỗi chậu hoa ít nhất cũng phải 150 ngàn đồng. Nếu bán được 200 ngàn thì mỗi chậu cũng được lời khoảng 50 ngàn đồng. “Đấy là “tính cua trong lỗ”, chớ năm nay không biết sao nữa. Đến giờ còn chưa có thương lái đến vườn xem hoa thì cũng không nói trước được điều gì”, ông Tâm buồn rầu.

Vừa chờ thương lái, ông Tâm cũng đã liên hệ với người quen trong Nha Trang tìm mặt bằng, phòng trường hợp không có thương lái đến mua thì cận Tết thuê xe chở vào Nha Trang bán lẻ. Ông Tâm còn khẩn khoản nhờ chúng tôi tìm mối tiêu thụ giùm vài chục chậu hoa siz lớn (chậu tầm 1m): “Mọi năm mấy chậu này chúng tôi bán 4-5 triệu mỗi cặp, các chú xem có đơn vị nào mua chưng Tết, tôi chỉ bán 2 triệu/cặp”, nghe ông Tâm nói mà chúng tôi không khỏi bùi ngùi, xót xa cho nghề trồng hoa Tết…

Làng hoa mỏi mòn chờ… thương lái - Anh 3

Ông Tâm lo lắng vì 1.000 chậu hoa Tết vẫn chưa tìm được “đầu ra”

Biết là trồng hoa Tết có nhiều rủi ro, nhưng đã thành thông lệ. Cứ vào dịp tháng 7, tháng 8 hàng năm, thậm chí là sớm hơn, hàng trăm hộ trồng hoa ở phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa lại háo hức xuống vụ hoa Tết. Thời gian cao điểm, cả xã có hơn 300 hộ gia đình trồng hoa Tết. Nhiều gia đình ăn nên làm ra, nuôi con ăn họa, có của ăn của để cũng nhờ vụ hoa Tết.

Nhưng cũng không ít vụ hoa Tết cả làng buồn thiu vì mất giá. Hoa không có người mua phải vứt bỏ, nợ nần. Không chỉ người trồng hoa, hàng ngàn lao động nông nhàn cũng sống vào nghề làm thuê trông chờ vào vụ hoa Tết. Trên 300 hộ trồng hoa, mỗi hộ tạo việc làm cho 4 - 5 lao động, vậy chi cả xã cũng tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng ngàn hộ gia đình.

Chị Trần Thị Vũ (người làm công) chia sẻ: Bao năm nay mấy chị em chúng tôi sống bằng nghề làm công cho các vườn hoa Tết. Nếu chịu khó làm đủ công, mỗi tháng cũng có thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng. Tằn tiện thì cuối năm cũng có được vài ba chục triệu tiêu Tết. “Nếu nhà vườn bán được hoa, giá cao, chúng tôi cũng thấy vui. Bằng không, nhận đồng tiền công trong lúc chủ vườn thua lỗ, không bán được hoa chúng tôi cũng áy náy lắm. Mong sao năn nay mọi sự hanh thông, để sang năm có nhiều người đầu tư trồng hoa, chúng tôi cũng có công ăn việc làm, thu nhập”, chị Vũ chia sẻ.

Làng hoa mỏi mòn chờ… thương lái - Anh 4

Hàng năm, làng hoa tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động lúc nông nhàn

Ông Huỳnh Chiếm Đạt- Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Giang chia sẻ, nghề trồng hoa đã bén rễ rất lâu ở đất Ninh Giang. Không chỉ là một nghề nông bình thường, trồng hoa Tết là một nét đẹp của địa phương, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho làng nghề mỗi khi Tết đến Xuân về. Nhất là những ngày cận Tết, không khí nhộn nhịp, thương lái, xe cộ vào ra bốc hoa, chở hoa đi khắp mọi nơi khiến cho không khí Tết thêm rộn ràng…

Tuy nhiên do năm ngoái nhiều thương lái thua lỗ, kinh tế lại suy thoái, khó khăn, nên năm nay số người đầu tư trồng hoa giảm tới gần 2/3, chỉ còn hơn 120 hộ trồng hoa với khoảng 42.700 chậu cúc các loại. Mặc dù năm nay thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh, vật tư cũng không tăng giá và hoa thì rất đẹp… nhưng đến giờ vẫn chưa có thương lái đến mua. “Mọi năm, tầm giờ đã có tới trên 90% nhà vườn có thương lái tới đặt cọc. Tuy nhiên năm nay hoa rất đẹp nhưng vẫn chưa có thương lái đến tham quan, đặt mua, khiến cho nhà vườn hết sức lo lắng”, ông Đạt thông tin thêm.

Làng hoa mỏi mòn chờ… thương lái - Anh 5

Trồng hoa Tết - tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho làng nghề mỗi khi Tết đến Xuân về

Hoa cúc Ninh Giang được đánh giá cao về chất lượng với nét đẹp đặc trưng, nở bền. Nhờ gắn bó với nghề trồng hoa cúc, không ít gia đình ở Ninh Giang đã cải thiện được đời sống của mình.

 Làng hoa Ninh Giang đã được công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2016 và nhận giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Hoa cúc Ninh Giang" vào năm 2017. Làng này hiện có 147 hộ trồng hoa với 250 lao động và một Tổ hợp tác - liên kết sản xuất kinh doanh hoa cúc giống với 21 thành viên.

NAM PHONG

Ý kiến bạn đọc