Làng gốm rộn ràng đúc tượng Táo quân

VHO - Những ngày này, nhiều lò gốm ở làng Thanh Hà, thành phố Hội An thêm phần tất bật, đỏ lửa xuyên đêm để hoàn thành các đơn hàng tượng ông Công, ông Táo kịp phục vụ cho thị trường trong một ngày đặc biệt, ngày cúng tiễn Táo quân về chầu trời.

Làng gốm rộn ràng đúc tượng Táo quân - Anh 1

Tượng ông Táo làm từ làng gốm Thanh Hà

 

 Bên cạnh những mặt hàng gốm truyền thống, gốm mỹ nghệ đã có thương hiệu, vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, các nghệ nhân ở làng gốm hơn 500 tuổi Thanh Hà (Hội An) lại đúc thêm hàng nghìn tượng ông Táo để kịp phục vụ cho dịp cúng tiễn Táo quân. Là nghề theo thời vụ, chỉ tiêu thụ vào dịp 23 tháng Chạp, thu nhập lời lãi không nhiều so với công sức bỏ ra, nhưng người làng gốm Thanh Hà vẫn cố gắng duy trì sản phẩm phục vụ tín ngưỡng đặc biệt đã có truyền thống từ hàng trăm năm trước của làng nghề này như một sự tri ân, giữ nghề của người làng gốm Thanh Hà.

Theo quan niệm truyền thống, cứ vào dịp 23 tháng Chạp hằng năm, người dân lại bày biện mâm cúng tiễn Táo quân về chầu trời để báo lại mọi việc xảy ra trong năm qua ở trần thế. Bên cạnh những lễ vật cúng Táo quân như chè xôi, hia, mũ, áo mới, vàng mã làm lộ phí… để Táo quân ăn no, mặc đẹp, vui vẻ về trời, phải có bức tượng ông Táo để thay mới trọn vẹn. Theo tập tục, sau lễ đưa Táo quân về trời thì tượng Táo quân cũ được đem ra để ở các gốc đa, bụi cây linh thiêng của xóm làng và rước tượng Táo quân mới về. Từ tháng 11 âm lịch hằng năm, các lò gốm ở Thanh Hà đã bắt tay vào chuẩn bị nguyên liệu để làm tượng. Các công đoạn làm tượng khá tỉ mỉ, tốn khá nhiều công sức và thời gian mới có thể cho ra những pho tượng thần thái, trang nghiêm để trên mâm cúng ngày ông Táo về chầu trời. Đất sét làm tượng phải nhồi thật nhuyễn, nắn tượng hoàn toàn thủ công, vì đất lúc này rất dẻo nên phải thật nhẹ nhàng để giữ hình dáng ổn định, mỗi tượng Táo có đủ 3 vị - Táo ông ở 2 bên, Táo bà ở giữa. Xong phải phơi khô 3 lượt nắng để tượng ráo, đem nung 3 ngày 3 ngày đêm rồi đợi 2-3 ngày để tượng nguội mới sơn tượng. Bên cạnh tượng bán đã được sơn, các lò gốm cũng bán tượng thô, chưa sơn cho các đầu mối thu mua để về sơn lại theo ý thích.

Theo thời gian, người làng gốm cũng sáng tạo trong vài công đoạn cho đỡ tốn công sức mà vẫn giữ được độ nét, chuẩn, chất lượng của sản phẩm. Chẳng hạn như dùng khuôn nhôm để hình dáng tượng thẳng, sắc nét, dùng bình phun sơn thay vì sơn quét để lên màu nhanh, đều và đẹp hơn. Nhưng dù cải tiến thế nào thì người làng gốm Thanh Hà cũng phải rất tỉ mỉ, cẩn trọng từ khâu chọn nguyên liệu, nhồi đất cho thật nhuyễn, nắn tượng hay cho đất vào khuôn phải đều tay, phơi đủ nắng, nung đủ lửa,… thì mới có thể cho ra những pho tượng Táo quân đẹp mắt, có hồn. Tượng ông Công, ông Táo là sản phẩm mùa vụ, đến gần Tết Nguyên đán mới có khách hàng đặt mua. Có lẽ một phần vì tốn quá nhiều công sức, giá thành không cao, chỉ tiêu thụ chủ yếu vào một mùa vụ nên sau này cũng không còn nhiều lò gốm ở Thanh Hà đúc tượng này. Mỗi năm, làng gốm Thanh Hà sản xuất và bán ra thị trường khoảng từ 50.000-60.000 tượng Táo quân. Trước đây có rất nhiều người làm tượng Táo quân, nhưng hiện nay chỉ còn rất ít lò gốm giữ nghề đúc tượng này nhưng cũng đều phải làm thêm rất nhiều mặt hàng khác, sản phẩm mỹ nghệ để phục vụ du lịch. Đặc biệt là bộ sản phẩm mỹ nghệ làm quà lưu niệm mô phỏng 12 con giáp, chú trọng con giáp theo năm để thêm thu nhập.

Làng gốm rộn ràng đúc tượng Táo quân - Anh 2

 Lò gốm nghệ nhân Nguyễn Văn Chín sản xuất thêm nhiều mặt hàng linh vật, sản phẩm mỹ nghệ bằng gốm

Lò gốm của nghệ nhân Nguyễn Văn Chín là một trong số hiếm hoi những người còn giữ nghề làm tượng ông Công, ông Táo ngày Tết. Với ông Chín, đây là sản phẩm mang yếu tố văn hóa tâm linh, có ý nghĩa trong truyền thống cúng ông Táo về chầu trời của các gia đình nên gia đình ông cố gắng giữ nghề, truyền nghề cho con cháu trong nhà để duy trì sản xuất. Mỗi năm lò gốm của gia đình sản xuất khoảng 30.000-40.000 tượng cung ứng cho thị trường. Có năm nhận được đơn đặt hàng nhiều, gia đình sẽ thuê thêm thợ ở làng để cùng làm. Thời điểm từ tháng 11 đến đầu tháng Chạp âm lịch là bắt đầu cao điểm sản xuất, ra lò, đóng hàng để những bức Tượng có mặt kịp trên mâm cơm cúng ông Táo về chầu trời của người Việt. Bên cạnh đúc tượng ông Táo sẽ sản xuất thêm linh vật biểu tượng của từng năm với nhiều mẫu mã như tượng linh vật, các bình hoa, đồ trang trí có hình dáng linh vật,… Xong thời điểm ấy, người làng lại quay về các mặt hàng thủ công mỹ nghệ gốm truyền thống, gốm mỹ nghệ.

Cũng như nhiều gia đình làm gốm khác ở Thanh Hà, vài mươi năm trở lại đây, lò gốm 3 thế hệ của gia đình ông Chín cũng linh động chuyển sang làm gốm mỹ nghệ kết hợp làm du lịch, trình diễn giới thiệu nghề, sản xuất các mặt hàng gốm thủ công mỹ nghệ làm quà lưu niệm. Tuy vậy, các lò gốm trong làng vẫn duy trì sản xuất dòng gốm thủ công không tráng men truyền thống của làng với hơn 40 sản phẩm như tượng Táo quân, các đồ gia dụng như hũ, vại, nồi, trả, om, bình vôi, thạp, các loại dùng để đựng nước, muối mắm, các loại ngũ cốc thổ sản; dụng cụ sản xuất cho nghề dệt, nghề làm đường ở xứ Quảng cùng với các loại gạch, ngói,…

Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, người làng gốm hơn 500 năm tuổi vẫn bền bỉ tồn tại và bảo lưu được kỹ thuật sản xuất gốm truyền thống cùng với đội ngũ nghệ nhân làm gốm tay nghề cao. Bên cạnh đó, là đội ngũ nghệ nhân làm gốm trẻ, lành nghề với nhiều sáng tạo trong việc tạo ra những mẫu mã mới phù hợp với xu thế trang trí hiện đại. 

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc