Khánh Hòa: Sôi động mùa thu hoạch củ kiệu Tết

VHO - Khi những ngày Tết Nguyên đán đến gần, cũng là khi những nông dân trồng kiệu trên địa bàn các huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) bắt đầu tấp nập vào mùa thu hoạch.

Khánh Hòa: Sôi động mùa thu hoạch củ kiệu Tết - Anh 1

Sôi động mùa thu hoạch củ kiệu Tết

Bình minh chưa kịp lên, nhưng những người nông dân đã đội đèn, bắt đầu một ngày của mình.

Theo các nông dân chia sẻ, công việc trồng củ kiệu không chỉ đòi hỏi sự chăm chỉ, kiên nhẫn mà còn cần đến sự dẻo dai và khéo léo. Không chỉ thức khuya, dậy sớm, chăm bẵm, tưới tắm từ khi xuống giống, mà mỗi khi vào vụ thu hoạch, những nông dân trồng kiệu và người làm công đều bắt đầu ngày làm việc từ khi bình minh còn chưa kịp hé rạng - tầm 2 giờ sáng, họ đã thức dậy mang theo đèn pin và dụng cụ làm việc để nhổ củ kiệu. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận để không làm hỏng củ kiệu; sau đó, những củ kiệu được đưa đến sông suối để rửa sạch và vận chuyển về nhập cho thương lái.

Khánh Hòa: Sôi động mùa thu hoạch củ kiệu Tết - Anh 2

Vào mỗi vụ thu hoạch kiệu, không khí Tết lại rạo rực cả một vùng quê

Ông Võ Văn Thái, xã Cam Hiệp Nam (Cam Lâm) chia sẻ, vào mùa thu hoạch kiệu không khí hết sức khẩn trương. Những gia đình trồng kiệu thuê nhân công, người quen và phải thức dậy từ lúc 2, 3 giờ sáng để nhổ kiệu, rồi sau đó rửa sạch cho đến khoảng 10 giờ sáng.

“Việc thu hoạch và xử lý sau thu hoạch cũng không kém phần nhọc nhằn. Nông dân phải cẩn thận lựa chọn từng củ kiệu, cắt tỉa và đóng gói. Mỗi củ kiệu đều cần được xử lý nhẹ nhàng để không bị hỏng hoặc dập nát. Công việc này không chỉ đòi hỏi sức lực mà còn cần sự tỉ mỉ”, ông Thái chia sẻ.

Khánh Hòa: Sôi động mùa thu hoạch củ kiệu Tết - Anh 3

Kiệu sau khi thu hoạch được sơ chế, làm sạch và phơi ráo nước

Bà Nguyễn Thị Phương, một nông dân tại xã Cam Hiệp Nam (Cam Lâm) cho biết, gia đình bà trồng 7.000 m2 củ kiệu phục vụ Tết. Năm nay do mưa nắng thất thường nên củ kiệu nhỏ, không đạt chất lượng nên sản lượng cũng giảm đáng kể.

Tuy nhiên, điều đáng nói là năm nay đã mất mùa mà giá bán cũng thấp hơn nhiều so với năm trước. Nếu năm trước giá bán lên tới 37.000 đồng/kg, thì năm nay giá chỉ dao động từ 22.000- 25.000 đồng/kg. Trung bình mỗi sào (1.000m2) gia đình bà đầu tư hết 18 triệu đồng, bao gồm giống, phân bón, công chăm sóc… nhưng chỉ bán được 19-20 triệu đồng.

“Tuy lời không nhiều, nhưng người nông dân lấy công làm lời, không lỗ là may rồi, cứ có thu hoạch là có Tết. Nông dân chúng tôi vẫn giữ lấy nghề, vì thương hiệu của củ kiệu Cam Lâm”, bà Phương cười hiền hậu.

Khánh Hòa: Sôi động mùa thu hoạch củ kiệu Tết - Anh 4

Nghề trồng kiệu Tết đem lại nguồn thu cho nhiều hộ gia đình mỗi khi Tết đến Xuân về

Huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh là hai vùng trồng kiệu nổi tiếng của tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây là vùng đất cát pha, rất thích hợp cho trồng loại sản vật này. Kiệu nơi đây nổi tiếng thơm ngon, khi muối củ kiệu trắng, giòn và rất ngon nên được thị trường ưa chuộng. Củ kiệu Cam Lâm, Cam Ranh không chỉ được yêu thích tại địa phương mà còn được tiêu thụ đi nhiều tỉnh thành khác như Ninh Thuận, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Tây...

Theo thống kê, toàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng 100 ha trồng kiệu Tết; trong đó tại huyện Cam Lâm đã có 90 ha tập trung ở các xã Cam An, Cam Hiệp Nam, Cam Hải Đông và thị trấn Cam Đức. Tại thành phố Cam Ranh với khoảng 10 ha tập trung ở xã Cam Thành Nam và phường Cam Nghĩa.

Khánh Hòa: Sôi động mùa thu hoạch củ kiệu Tết - Anh 5

Nhiều người làm công có thêm thu nhập mỗi khi vào vụ kiệu Tết

Trồng kiệu, không chỉ tạo thu nhập cho nông dân vào dịp Tết mà còn tạo công ăn, việc làm, thu nhập cho không ít lao động địa phương trong lúc nông nhàn. Vào mỗi vụ thu hoạch kiệu, hàng trăm lao động có thu nhập từ 200-300 ngàn đồng mỗi ngày. Chính vì vậy người dân địa phương còn gọi vui đây là cây xóa đói giảm nghèo, tạo thu nhập và mang niềm vui cho người mỗi khi Tết đến Xuân về.

NAM GIANG

Ý kiến bạn đọc