Hành trình trở về…
VHO - Họ đã từng lầm đường lạc lối, tuyên truyền sai trái khiến bà con chống lại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; từng bỏ lại gia đình, sống chui lủi với ảo tưởng về những điều to lớn mà họ có thể đạt được… Nhiều người trong số họ đã phải trả giá bằng những năm tháng sống tách biệt với xã hội. Tuy nhiên, khi trở về, họ dần nhận ra sự thật, phân biệt được phải - trái, thật - giả để “trở lại đức tin”, cùng nhau giữ bình yên thôn làng.
Những tháng năm lạc lối
Chúng tôi đến Đắk Đoa (Gia Lai) đúng vào mùa đẹp nhất trong năm, khi những con đường cao nguyên uốn lượn như dải lụa bạch rợp sắc vàng hoa dã quỳ. Trời Tây Nguyên xanh biếc, khí hậu trong lành, mát mẻ khiến ai nấy đều cảm thấy hân hoan, thư thái.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là làng Rai, xã Hà Bầu, nơi gắn liền với cái tên Y Bome (người dân tộc Bahna), một nhân vật “khét tiếng” trong lịch sử Tây Nguyên. Y Bome còn mang các biệt danh như Zana, Ama H’Bun, Y Băm, Yo và từng được các thế lực phản động phong làm “Tỉnh trưởng Gia Lai” trong cái gọi là “Nhà nước Đề-ga tự trị”.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà giản dị, người đàn ông đã ở tuổi xưa nay hiếm có phần ngại ngùng vì quá khứ “lẫy lừng”. Tuy nhiên, sự thân tình dần xua tan những e ngại ban đầu, ông đã cởi mở giãi bày về hành trình “từ bóng tối ra ánh sáng” của mình.
Sinh năm 1956, vào những năm 1975-1976, khi mới đôi mươi, Y Bome đã tham gia FULRO III. Hoạt động chưa được bao lâu, ông bị bắt và đưa đi cải tạo. Từ năm 1978-1991, sau khi trốn trại, Y Bome tiếp tục tham gia hoạt động trong rừng, được tổ chức phản động phong là Đại úy, Tham mưu trưởng Quân khu 1 của FULRO III. Tháng 7.1991, Y Bome bị bắt trong Chuyên án F990. Sau lần bắt giữ này, ông đã được cảm hóa và hợp tác với lực lượng an ninh trong các chuyên án tấn công lực lượng FULRO ở Gia Lai vào năm 1991.
Cuộc đời Y Bome không chỉ gắn liền với một lần sai lầm. Vào tháng 6.2000, khi đối tượng Kpăh H’Ty (Việt kiều Mỹ) móc nối, chuyển tài liệu của Ksor Kơk - người thay thế Bhăm Ênnuôi (Chủ tịch FULRO) về nước, Y Bome lại bị lôi kéo và một lần nữa gia nhập FULRO, tích cực tuyên truyền và tham gia xây dựng FULRO IV tại Gia Lai, Kon Tum. Theo chỉ đạo của Ksor Kơk, Y Bome đã tổ chức buổi lễ ra mắt bộ khung của cái gọi là “Nhà nước Đề-ga”, “Tin lành Đề- ga” vào ngày 22.9.2000, tại làng Phung I, Biển Hồ, Pleiku; chỉ đạo các đối tượng cốt cán tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia FULRO, thu thập tài liệu gửi sang Mỹ cho FULRO lưu vong; đồng thời tổ chức và chỉ đạo cuộc biểu tình của FULRO vào ngày 2.2.2001 tại Pleiku, Gia Lai.
Ngày 6.2.2001, Y Bome bị bắt vì tội gây rối an ninh và bị tuyên án 12 năm tù. Chấp hành án tại Trại giam số 5 (Thanh Hóa), ông đã được giảm án 5 lần, tổng cộng 11 tháng; đến ngày 6.3.2012, Y Bome trở về địa phương.
Cũng giống như Y Bome, với vai trò tổ chức và lôi kéo người dân tham gia tích cực vào việc xây dựng “Nhà nước Đề-ga”, Siu Un (sinh năm 1966, trú tại thôn Tân Điệp 1, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) đã phải nhận bản án 16 năm tù giam cho những sai lầm của mình. Quãng thời gian trong tù đã giúp ông thấm thía cái giá của sự tự do. Kể lại những ngày tháng lầm lỗi ấy, ông Siu Un ngậm ngùi: “Năm 2001, tôi nghe theo lời lừa gạt của một số đối tượng xấu, gia nhập tổ chức phản động Tin Lành Đề- ga. Họ dụ dỗ tôi, hứa hẹn nhiều chức vụ cao và bổng lộc nếu “Nhà nước Đề-ga” thành công. Nhưng cuối cùng, bổng lộc không thấy đâu, còn tôi lại gây hại cho người dân trong làng và phải trả giá bằng 16 năm tù”.
Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng
Hồi tưởng về những năm tháng theo FULRO, ông Y Bome thốt lên đầy cay đắng: “Đó là khoảng thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi”. Rồi ông kể lại những ngày sống chui lủi trong rừng sâu, đói khát, bạo lực, ông và các “chiến hữu” phải tranh giành từng miếng ăn, thậm chí sẵn sàng “lấy mạng” nhau vì những cuộc đấu đá giành ngôi vị và sinh tồn.
Hơn chục năm trôi qua, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù, ông mới thấm thía rằng, những kẻ phản động FULRO lưu vong hứa hẹn những điều hoa mỹ đều là giả dối, mục đích của chỉ là xúi bẩy dân chúng bạo loạn, biểu tình đòi quyền tự trị...
“Bà con còn chưa thể khâu quần áo cho mình, huống chi là tự trị, làm sao có thể tách ra thành một nhà nước riêng. Những luận điệu như: Nhà nước Việt Nam không quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số, người Kinh chèn ép người dân tộc thiểu số… chỉ nhằm chia rẽ đoàn kết dân tộc. Những kẻ thù địch ở nước ngoài đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con, móc nối với một số kẻ xúi giục dân chúng biểu tình, bạo loạn. Rốt cuộc, nhiều người phải trả giá bằng những bản án tù vì tin vào lời hứa của chúng”, ông Y Bome bày tỏ.
Còn ông Siu Un cũng ngậm ngùi nhớ lại quãng thời gian lầm đường lạc lối. Khi ông đi tù, con cái không được chăm sóc, nhà cửa đổ nát, kinh tế khó khăn và không một ai trong tổ chức Tin lành Đề- ga đến thăm hay giúp đỡ ông như đã hứa. Ông tâm sự: “Chúng chỉ mang lại khổ đau và bất hạnh, chứ không có tương lai hào nhoáng nào như chúng vẽ ra đâu”.
Tất nhiên, con đường “trở về đức tin” của họ không phải là điều ngẫu nhiên.
Khi Y Bome ra tù vào năm 2012, ông Đinh Ơng, Chủ tịch UBND xã Hà Bầu (hiện là Chủ tịch MTTQ huyện Đăk Đoa) đã giúp ông làm lại cuộc đời. Chính quyền hỗ trợ cho con cái ông ăn học; bản thân ông cũng được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 100 triệu đồng để trồng cà phê, nuôi bò, chăn vịt, nuôi cá. Cuộc sống dần ổn định và chính những thay đổi này đã giúp ông nhận ra rằng chỉ có Đảng, Nhà nước Việt Nam mới thật sự quan tâm và chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói riêng.
Vào tháng 6.2022, ông Siu Un đã trở lại với Hội Thánh Tin lành Truyền giáo Cơ đốc, một tôn giáo hợp pháp được Nhà nước công nhận. Từ khi quay về với Hội Thánh, ông cảm thấy tinh thần thoải mái, không còn tự ti hay mặc cảm. Sinh hoạt tôn giáo đều đặn, mang lại cho ông niềm vui, hạnh phúc và ông không còn bị các đối tượng phản động hay FULRO lưu vong lôi kéo.
Ông được tín đồ và Hội Thánh tin tưởng giao nhiệm vụ chấp sự điểm nhóm, tham gia Tổ vận động mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng” tại các xã, thị trấn. Ông đi đến từng nhà, gặp gỡ, thuyết phục mọi người phân biệt đúng sai và từ bỏ Tin lành Đề-ga để quay về sinh hoạt tôn giáo hợp pháp. Giờ đây, ông sống vui vẻ bên con cháu, hằng ngày phụng sự việc Chúa với lòng biết ơn và sự thanh thản.
Ông Rah Lan Chung, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Tỉnh Gia Lai, với sự đa dạng về dân tộc, tín ngưỡng và văn hóa truyền thống, đang đối mặt với các âm mưu chống phá từ các thế lực thù địch, đặc biệt là lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo để kích động. Trước tình hình đó, tỉnh đã triển khai nhiều phương pháp cảm hóa những người lầm lỡ, động viên họ xóa bỏ mặc cảm và giúp đỡ những người chưa nhận thức đúng để quay lại với tín ngưỡng chính thống. Một trong những mô hình tiêu biểu trong công tác này là “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng”, hiện đang được triển khai tại các huyện trong tỉnh, được Bộ Công an đánh giá cao về tính hiệu quả, thiết thực và sẽ tiếp tục được nhân rộng, không chỉ tại Gia Lai mà còn tại các tỉnh Tây Nguyên.
“Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng” tập trung vào công tác huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, hệ thống chính trị, những người có uy tín và chức sắc tôn giáo để vận động, thuyết phục những đối tượng đã từng lầm lỡ tham gia vào các tổ chức FULRO và Tin lành Đề-ga. Khi những người này nhận thức được sai lầm, chính quyền và cộng đồng sẽ là cầu nối giúp họ trở lại với tín ngưỡng hợp pháp, thể hiện quan điểm của Đảng về quyền bình đẳng tôn giáo.
Tính đến nay, mô hình đã thành công trong việc giúp 782 trường hợp tại 16 xã, thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai quay về sinh hoạt tại 5 tổ chức tôn giáo chính thống. Mô hình này không chỉ giúp những người lầm lỡ sửa chữa sai lầm, mà còn tạo cơ hội để họ tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giữ gìn khối đại đoàn kết dân tộc và duy trì sự bình yên cho các buôn làng.