Hàng trà sữa Chagee ở TP.HCM tiếp tục bị tẩy chay

ĐỨC LONG

VHO - Hãng trà sữa Chagee vừa bất ngờ thông báo khai trương cửa hàng mới tại Quận 7 (cũ), TP.HCM sau 4 tháng “im hơi lặng tiếng” kể từ lùm xùm liên quan đến “đường lưỡi bò”. Cộng đồng mạng tiếp tục kêu gọi tẩy chay.

Hàng trà sữa Chagee ở TP.HCM tiếp tục bị tẩy chay - ảnh 1
Chagee bất ngờ “tái sinh” tại địa điểm mới ở TP.HCM

Sau 4 tháng hoàn toàn “biến mất” giữa tâm bão dư luận, việc Chagee bất ngờ công bố cửa hàng đầu tiên tại một địa điểm mới tại số 59 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tân Hưng (quận 7 cũ), thay vì nằm trên đường Đồng Khởi (TP.HCM).

Sự trở lại của Chagee đã lập tức kích hoạt lại “làn sóng phẫn nộ” từng khiến thương hiệu này phải đóng cửa trước cả khi khai trương.

Nguyên nhân của làn sóng tẩy chay dữ dội này bắt nguồn từ sự việc xảy ra vào tháng 3.2025. Thời điểm đó, cộng đồng mạng Việt Nam lan truyền hình ảnh màn hình đăng nhập ứng dụng của Chagee xuất hiện bản đồ có “đường lưỡi bò” - một biểu tượng vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Sự việc này nhanh chóng gây bức xúc trong dư luận, biến Chagee từ một thương hiệu trà sữa sắp khai trương tại vị trí đắc địa ở giao lộ Đồng Khởi - Nguyễn Thiệp, trung tâm TP.HCM, thành tâm điểm của làn sóng phản đối và kêu gọi tẩy chay.

Ngay lập tức, hàng nghìn bình luận yêu cầu thương hiệu này rời khỏi thị trường Việt Nam đã đổ về các bài đăng trên trang Facebook Chagee Việt Nam. Làn sóng phản đối bùng nổ trên khắp các nền tảng mạng xã hội, thậm chí nhiều người còn yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc.

Giữa phản ứng gay gắt của dư luận, tối 14.3, Chagee Việt Nam đã âm thầm xóa ứng dụng trên các kho trực tuyến Google Play Store và App Store. Đường link truy cập ứng dụng từng được quảng cáo trước đó cũng không thể truy cập. Họ cũng chặn người dùng Việt Nam tải app trực tiếp từ các kho ứng dụng.

Chiều 20.3, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM đã phối hợp cùng Công an TP.HCM làm việc với đại diện Công ty TNHH Chagee Việt Nam để làm rõ các vi phạm liên quan.

Đại diện Sở khẳng định hành vi vi phạm về cung cấp, sử dụng, truyền đưa thông tin, hình ảnh bản đồ Việt Nam vi phạm chủ quyền quốc gia đều được xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.

Đến chiều tối ngày 14.7, sau hơn bốn tháng “im hơi lặng tiếng” kể từ lùm xùm liên quan đến “đường lưỡi bò”, Chagee Vietnam đã đăng tải bài viết trên fanpage chính thức có tích xanh, công bố khai trương cửa hàng mới tại địa chỉ số 59 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tân Hưng, TP.HCM.

Hàng trà sữa Chagee ở TP.HCM tiếp tục bị tẩy chay - ảnh 2
Bài viết nhận về hàng nghìn lượt phẫn nộ

Thông điệp được đưa ra đầy thiện chí, khẳng định mong muốn “đem trải nghiệm trà trọn vẹn đến gần hơn với khách hàng Việt” và không ngừng theo đuổi sứ mệnh “Chagee together”.

Tuy nhiên, động thái này không nhận được sự chào đón mà thay vào đó là một làn sóng phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng. Dù thương hiệu đã nhanh chóng khóa bình luận trên bài đăng để kiểm soát phản hồi, bài viết vẫn tiếp nhận hàng nghìn lượt biểu cảm phẫn nộ từ người dùng Facebook.

Bài viết đã ghi nhận khoảng 13.000 lượt phẫn nộ trong tổng số 34.000 lượt tương tác biểu cảm. Trên nhiều trang mạng xã hội và các hội nhóm, người dùng Việt bắt đầu chia sẻ rầm rộ về sự trở lại của Chagee, đi kèm cùng hashtag tẩy chay, thể hiện rõ lập trường kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Theo ghi nhận của Văn hoá điện tử, trên website chính thức của Chagee Việt Nam hiện nay, bản đồ hình chữ S gắn liền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã hiện diện trong phần giao diện thiết kế.

Tuy nhiên, động thái này vẫn chưa được Chagee công khai thông báo hay giải thích, khiến cộng đồng mạng vẫn giữ thái độ dè dặt và tiếp tục đòi hỏi một lời xin lỗi chính thức và rõ ràng hơn.

Sự việc của Chagee là một bài học đắt giá cho bất kỳ thương hiệu quốc tế nào muốn đặt chân vào thị trường Việt Nam. Nó cho thấy rằng, bên cạnh chất lượng sản phẩm và chiến lược kinh doanh, việc thấu hiểu và tôn trọng văn hóa, lịch sử, đặc biệt là chủ quyền quốc gia của Việt Nam là yếu tố tối quan trọng.

Người tiêu dùng Việt Nam có ý thức rất cao về chủ quyền và sẵn sàng thể hiện lập trường của mình thông qua hành vi tiêu dùng.

Sự kiện này một lần nữa khẳng định sức mạnh của người tiêu dùng trong kỷ nguyên số và tầm quan trọng của trách nhiệm xã hội, đặc biệt là sự tôn trọng chủ quyền quốc gia, đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn phát triển bền vững tại Việt Nam.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc