Tháng 7, về với những người Mẹ Việt Nam anh hùng

KHÁNH CHI

VHO - Tháng Bảy thiêng liêng lại về, mang theo dòng cảm xúc tri ân lan tỏa khắp mọi miền đất nước. Hướng về Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7), từng đoàn đại biểu từ các địa phương, cơ quan, trường học cùng đông đảo người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, đã hội tụ về quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại đường Lê Thánh Tông (phường Quảng Phú, TP Đà Nẵng).

 Tháng 7, về với những người Mẹ Việt Nam anh hùng - ảnh 1
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 885 dâng hương tại Tượng đài

 Họ đến để thắp nén hương thơm, cúi mình chiêm bái trước công trình văn hóa - tâm linh đầy xúc động, nơi khắc ghi sự hy sinh thầm lặng nhưng vĩ đại của hơn 140.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng - những cội nguồn bất diệt của lòng yêu nước và tinh thần dân tộc.

 Địa chỉ đỏ hun đúc tinh thần yêu nước

Tọa lạc tại Núi Cấm (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam trước đây), quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) có diện tích 24 ha là một công trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc - biểu tượng thiêng liêng về đức hy sinh, lòng yêu nước và tinh thần cách mạng bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Sau gần 10 năm đón khách, nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” thu hút du khách trong nước và bạn bè quốc tế đến tham quan, bày tỏ lòng tri ân những người Mẹ của Tổ quốc.

Khởi công xây dựng vào ngày 27.7.2029, tượng đài là công trình văn hóa cấp quốc gia được lựa chọn từ phác thảo của họa sĩ Đinh Gia Thắng. Sau hơn 6 năm thi công, công trình hoàn thành vào ngày 24.3.2015 và trở thành địa điểm được các cơ quan, hội đoàn thể, trường học... chọn để tổ chức những hoạt động về nguồn ý nghĩa.

Không gian công viên tượng đài được tổ chức theo hình thức nghi lễ truyền thống, trong đó có Quảng trường tiền môn là nơi đón tiếp du khách. Tám trụ huyền thoại chia làm hai bên, theo quan niệm của người phương Đông, số 8 biểu tượng cho sự phồn vinh, sung túc và đoàn tụ tốt đẹp, đồng thời phù hợp với 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cho người phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Trên trụ biểu khắc chạm hình ảnh các bà mẹ Bắc Bộ hiền lành nhân hậu; bà mẹ Trung Bộ nắng mưa can trường; bà mẹ Nam Bộ kiên trung bất khuất; bà mẹ Tây Nguyên dù cái bụng không no vẫn dành từng hạt bắp, hạt gạo nuôi quân. Huyền thoại về những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc…

Với chiều dài 200m, đường dẫn chính được phân thành các bậc cấp tạo sự tôn vinh khối tượng Mẹ. Dọc hai bên đường dẫn có 30 ngọn đèn bằng đá, tượng trưng cho 30 năm mẹ đợi ngày đất nước hòa bình, thống nhất; 30 năm mẹ đón chờ các con cháu Bắc - Trung - Nam về sum họp một nhà.

Trung tâm của quần thể kiến trúc là khối tượng đài chính, được họa sĩ Đinh Gia Thắng phác thảo từ ý tưởng: “Mẹ là suối nguồn bao la vô tận, là linh hồn của đất nước, Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, sinh ra những người con anh hùng rồi lại hóa thân vào đất vào non nước Việt Nam…”.

Tượng đài được làm bằng đá hoa cương với diện tích 16.500m2, chiều cao khoảng 18,5m, chiều rộng tính theo đường cong 120m, chỗ dày nhất của khối tượng là 24,3m, chỗ mỏng nhất hai đầu vách đá là 8m. Phía trước gắn kết với một hồ nước lớn hình bán nguyệt, tạo nên hình ảnh hòa quyện sơn thủy, thể hiện sự hiến dâng âm thầm của mẹ đối với các con và đất nước.

Hai bên vách đá là gương mặt những người con thấp thoáng theo phương pháp nghệ thuật gợi tả hình ảnh về một đất nước hòa bình thống nhất, các con cháu sum vầy quanh mẹ hiền Tổ quốc, luôn hướng về mẹ với tình cảm trìu mến, thương yêu nhất.

Chính giữa tượng đài là chân dung bán thân Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ (1904-2010, phường An Thắng, TP Đà Nẵng) - đại diện cho hơn 140 nghìn bà mẹ Việt Nam trên khắp cả nước, người mẹ có 9 người con trai, 2 người cháu ngoại và một người con rể hy sinh vì đất nước.

Bên trong khối tượng đài là không gian trưng bày những hình ảnh, tư liệu về Mẹ VNAH, có tổng diện tích 1.800m2, gắn liền với đời sống, câu chuyện, kỳ tích của những bà mẹ và phụ nữ Việt Nam anh hùng tiêu biểu.

Cùng với Tượng đài Mẹ là Nghĩa trang liệt sĩ được khánh thành ngày 27.7.2015, có tổng diện tích khoảng 8 ha. Trong đó, hạng mục chính là Đài tưởng niệm được xây dựng theo phác thảo của Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, ghi danh hơn 65.000 liệt sĩ…

 Tháng 7, về với những người Mẹ Việt Nam anh hùng - ảnh 2
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng được vinh danh là công trình kiến trúc tiêu biểu của các tỉnh, thành phía Nam

Hành trình về nguồn: Tri ân Mẹ - Thắp lửa quê hương

Không chỉ là địa chỉ đỏ của TP Đà Nẵng, Tượng đài Mẹ VNAH và Nghĩa trang liệt sĩ còn là điểm đến thiêng liêng của cả nước - nơi lưu giữ và truyền tải những giá trị cốt lõi của tinh thần yêu nước, lòng quả cảm và sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước.

Đây là không gian giáo dục truyền thống sâu sắc cho thế hệ trẻ, đồng thời là lời tri ân đầy ý nghĩa gửi đến những người mẹ, người con đã ngã xuống vì độc lập - tự do của dân tộc.

Nhằm kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2025), bà Hoàng Thị Bích Hạnh, Giám đốc Ban Quản lý Di tích và Bảo tàng Quảng Nam cho biết: Từ ngày 16.7 - 10.8, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sẽ phối hợp tổ chức triển lãm ký họa “Ký ức Chiến trường khu V” tại khu vực tượng đài, giới thiệu 78 bản ký họa đặc sắc, là ký ức sống động từ chiến trường qua nét vẽ của các họa sĩ - liệt sĩ Hà Xuân Phong, cố họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh cùng nhiều nghệ sĩ từng trực tiếp tham gia chiến đấu ở Chiến trường khu V.

Trước đó, Quần thể Tượng đài Mẹ VNAH đã được vinh danh là một trong 50 công trình kiến trúc tiêu biểu ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Đây là kết quả tuyển chọn do Hội Kiến trúc sư Việt Nam thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) và chào mừng Ngày Kiến trúc Việt Nam (27.4), khẳng định giá trị biểu tượng và chiều sâu nhân văn của công trình này.

Trong tương lai, định hướng phát triển các tour du lịch về nguồn tại TP Đà Nẵng mới sẽ mở ra nhiều tiềm năng. Việc kết nối tham quan Quần thể Tượng đài Mẹ VNAH với nhà Mẹ Thứ hay các di tích lịch sử cách mạng khác... sẽ tạo nên một hành trình trải nghiệm đặc biệt, không chỉ dừng lại ở thăm thú cảnh quan mà còn là cuộc đối thoại trực tiếp với lịch sử.

Từ câu chuyện của cư dân địa phương đến lối sống đậm đà bản sắc vùng miền, du khách sẽ được chạm vào chiều sâu văn hóa và lòng yêu nước, những giá trị bất biến trong tâm hồn người Việt.