Đừng để “con sâu bỏ rầu nồi canh”

VHO- Những ngày qua, dư luận rất bức xúc trước thông tin về vụ việc chủ nhà hàng Cơm gà ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) ép khách trả tiền các món mà khách không gọi, dọa đánh khách, đòi tạt tô canh lên người nhóm du khách…

Đừng để “con sâu bỏ rầu nồi canh” - Anh 1

 Bà N.T.H, chủ nhà hàng Cơm gà ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) dọa tạt tô canh lên người khách

Việc làm ăn theo kiểu “chộp giật”, “chặt chém” gây ra những tác hại không chỉ cho chủ hàng quán đó vì khách “một đi không trở lại” mà còn làm xấu hình ảnh của chính quyền địa phương trong mắt khách du lịch. Ngay sau vụ việc xảy ra, UBND xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa đã nhanh chóng xác nhận và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà N.T.H, chủ nhà hàng Cơm gà, ở thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích số tiền 750.000 đồng. Lý do bà H có hành vi không niêm yết công khai giá dịch vụ tại địa điểm kinh doanh dịch vụ.

Hiện nay, nhiều địa điểm tham quan, du lịch xuất hiện các hàng quán làm ăn theo kiểu “chộp giật”, “chặt chém” là do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Các mặt hàng, sản phẩm của hàng quán dùng để buôn bán hoặc thức ăn phục vụ thực khách thiếu công khai, minh bạch và luôn có chiêu trò dụ dỗ, lừa gạt khách hàng. Các hàng quán làm ăn kiểu này chủ yếu là phục vụ khách du lịch phương xa, chứ không thể phục vụ khách địa phương vì họ đã biết “tẩy” chiêu trò kinh doanh của các hàng quán này.

Sau Tết, số lượng du khách sẽ gia tăng đột biến, không chỉ du khách nước ngoài, việt kiều hồi hương mà còn có cả du khách trong nước. Địa điểm thu hút du lịch chủ yếu là các bãi biển, khu nghỉ dưỡng, khu di tích, nơi tổ chức các lễ hội hoặc danh lam thắng cảnh… Vì số lượng du khách gia tăng đột biến, do đó nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ cũng mọc lên như “nấm” để phục vụ nhu cầu của du khách và đây là “cơ hội” để các chủ cửa hàng thi nhau “chặt chém”.

Cách làm ăn “chộp giật”, thiếu văn hóa, không nghĩ đến hậu quả… của một số cửa hàng cung cấp dịch vụ cho du khách đã làm xấu hình ảnh, mất uy tín, nhiều du khách không bao giờ trở lại và luôn có ấn tượng không tốt về địa phương. Để đối phó với tình trạng “chặt chém”, nhiều du khách phải chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, thức uống mang theo trước khi đi du lịch.

Để ngăn chặn tình trạng “chặt chém” du khách, cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý du lịch; bắt buộc các cửa hàng cung cấp dịch vụ cho du khách phải có đăng ký kinh doanh, niêm yết công khai, đầy đủ giá cả của các loại hàng hóa, sản phẩm bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài tùy vào đối tượng du khách mà cửa hàng nhắm đến. Niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về tình trạng “chặt chém” hoặc hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ du khách.

Bên cạnh đó, phải kiên quyết xóa bỏ tình trạng buôn bán hàng rong để chèo kéo, đu bám du khách; có chính sách hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp cho các đối tượng này. Xử lý nghiêm các doanh nghiệp lữ hành có hành vi móc nối với các địa điểm du lịch để “chặt chém”, ép buộc du khách phải sử dụng các dịch vụ. Nếu xảy ra tình trạng này, lực lượng chức năng cần khẩn trương vào cuộc để tiến hành kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm theo quy định, đặc biệt là bắt buộc phải bồi thường, công khai xin lỗi đối với du khách “cực chẳng đã” khi gặp phải hoàn cảnh này.

Mặt khác, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường du lịch, ứng xử văn minh, lịch sự với du khách để xây dựng hình ảnh tốt đẹp về con người, đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế; để du lịch Việt Nam ngày càng phát triển, thu hút đông đảo du khách hơn nữa trong thời gian tới, góp phần xây dựng và phát triển đất nước. 

ĐỖ VĂN NHÂN

Ý kiến bạn đọc