Đành tạm gác chuyện về quê...

VHO - Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhưng như mọi năm, nhiều người lao động xa quê đã rục rịch tính chuyện về quê đón Tết cùng gia đình. Tuy nhiên vì tình trạng cắt giảm nhân công, giảm giờ làm vẫn xảy ra tại một số doanh nghiệp ở TP.HCM nên nhiều người lao động nghèo phải tạm gác chuyện về quê vì chi phí đi lại tốn hơn một tháng lương.

Đành tạm gác chuyện về quê... - Anh 1

  Do thu nhập bấp bênh, không đủ lo cho sinh hoạt hằng tháng nên gia đình của chị Ngọc Huyền quyết định sẽ ở lại TP.HCM đón Tết 2024

Tại một số xóm trọ gần các khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM, có không ít người vẫn đang phải loay hoay tìm việc làm vì họ vừa rơi vào cảnh thất nghiệp ở thời điểm cận Tết.

Những nỗi lo toan

Trong căn trọ nhỏ chừng 16m2 tại phường Thạnh Lộc (quận 12, TP.HCM), chị Ngọc Huyền (32 tuổi, quê Sóc Trăng) cho biết gia đình có 4 thành viên là hai vợ chồng, hai con đang học mẫu giáo và lớp 1. Tám năm làm công nhân cho một công ty sản xuất giày trên địa bàn quận 12 nhưng chưa năm nào chị thấy khó khăn như năm nay.

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, công ty của chị buộc phải cắt giảm thời gian làm việc, cho công nhân nghỉ việc vì ít đơn hàng. Điều này đồng nghĩa với thu nhập của chị giảm nhiều và không được thưởng Tết. Trước đây, nếu tăng ca, thu nhập của chị Huyền dao động từ 7 đến 10 triệu đồng nhưng giờ thì khác. “Gần ba tháng nay, tôi làm việc chỉ có sáu ngày/mỗi tháng. Có những tháng thu nhập chỉ còn khoảng 1,5 triệu đồng. Tết đã đến gần nhưng chỉ thấy những nỗi lo toan. Thu nhập không đủ lo cho sinh hoạt hàng tháng nên hai vợ chồng quyết định Tết này sẽ không về quê”, chị Huyền tâm sự. Khi được hỏi tại sao không đi tìm công việc khác để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống, chị Huyền cho biết dù đã nộp đơn ứng tuyển tại một số công ty nhưng vẫn chưa có đơn vị nào nhận. Với tình hình khó khăn như hiện nay, rất khó để một người đã có gia đình như chị xin được việc làm với bằng cấp phổ thông.

Ngồi kế bên, chồng chị Huyền là anh Quốc Minh cho biết, hiện anh đang làm công nhân giày da trên địa bàn quận 12 nhưng tình hình cũng không mấy lạc quan. “Dù là trụ cột gia đình nhưng lương của tôi không quá 7 triệu đồng/tháng do công ty không còn tăng ca như trước. Đáng nói hơn, công ty dự kiến đến tháng 3.2024 sẽ chấm dứt hợp đồng với nhiều công nhân. Những ngày rảnh rỗi, tôi còn chạy xe ôm công nghệ để tăng thêm thu nhập, phụ vợ lo cho hai đứa con nhỏ. Năm nay, gia đình gặp nhiều khó khăn, vợ chồng tính toán ở lại đón Tết, giảm được khoản nào hay khoản đó”, anh Minh cho hay. Sống trong một khu trọ tại quận 12, anh Trung Kiên (47 tuổi) hiện đang làm công nhân ở một công ty tư nhân tại TP.HCM, cho biết đã gần 6 năm nay anh chưa có điều kiện để về quê ở Hải Dương đón Tết trọn vẹn cùng gia đình. Trước đó, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xe cộ đi lại khó khăn nên gia đình anh không thể về quê. Tưởng chừng như sang đến năm sau đó, mọi thứ ổn định hơn.

Tuy nhiên, công việc của anh ngày càng khó khăn khi công ty cắt giảm lao động do hết đơn hàng. Anh phải nghỉ việc từ đầu tháng 12 năm ngoái và Tết năm nay anh lại xa quê. “Dù những ngày Tết, người thân ở xa nhà có thể liên lạc với nhau bằng Zalo, Viber để hỏi thăm sức khoẻ nhưng vẫn không bằng về quê sum vầy bên gia đình”, anh Kiên tâm sự và mong muốn được sớm đón một mùa Tết đoàn viên tại quê nhà với tiết trời se lạnh.

Không chỉ riêng anh Kiên mà còn nhiều người lao động xa quê cảm thấy lo lắng, áp lực mỗi khi Tết đến. Có rất nhiều hoàn cảnh phải chi tiêu dè dặt từng bữa nên không dám nghĩ đến việc mua sắm gì cho năm mới, không dám nghĩ tới việc về quê. Chuẩn bị năm thứ hai đón Tết xa nhà, chị Lê Thị Toán (34 tuổi, quê ở Thanh Hóa) hiện đang là nhân viên tại một cửa hàng văn phòng phẩm ở quận Bình Tân, cho biết hiện tại tình hình buôn bán tại cửa hàng rất ế ẩm. Vào thời điểm này của những năm trước, nếu có doanh thu cao, công ty đã rục rịch thông báo chế độ thưởng Tết. Nhưng năm nay doanh thu chỉ đạt khoảng 50% so với năm trước. Theo thông tin từ công ty, dự kiến đơn vị chỉ cố gắng trả lương thứ 13 cho những lao động có thâm niên từ một năm trở lên nhưng sẽ không có tiền thưởng Tết. Từ Thanh Hóa vào TP.HCM lập nghiệp hơn 10 năm nay, hiện tại mức lương của chị Toán chỉ có 5,4 triệu đồng/tháng.

“Tết càng đến gần nhưng kinh tế vẫn còn khó khăn. Dù có thêm lương tháng 13 tôi vẫn chưa dám nghĩ đến cái Tết ở quê nhà bởi số tiền cũng chỉ đủ để mua sắm những sản phẩm thiết yếu trong dịp này. Vậy nên gia đình tôi quyết định đón Tết xa quê, còn dư giả một ít chi phí sẽ gửi biếu cha mẹ ở quê”, chị Toán chia sẻ.

San sẻ cùng người lao động

Tại TP.HCM, nhiều hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động đang được lên kế hoạch để giúp công nhân xa quê vơi bớt khó khăn, cũng như có một mùa Tết đủ đầy hơn.

Theo ông Nguyễn Thành Tâm, chủ một khu trọ công nhân tại quận 12, những năm trước đây, giá cho thuê là 1,5 triệu đồng/phòng, chỉ ở hai người là thoải mái. Tuy nhiên, trong một năm trở lại đây, thu nhập của công nhân khó khăn, không chỉ giảm giờ làm mà thậm chí còn thất nghiệp liên tục suốt nhiều tháng. Do đó, ông quyết định cho thuê 4 người/phòng và họ sẵn sàng ở ghép, chia sẻ chi phí với nhau để vượt qua thời điểm khó khăn này. Dự kiến vào ngày cận Tết Nguyên đán năm nay, gia đình ông Tâm sẽ tổ chức một bữa tiệc Tất niên có khoảng 25 bàn và tặng một phần quà trị giá 400.000 đồng/phòng cho những công nhân đang thuê trọ. “Đây có thể xem như là món quà nhỏ nhằm tri ân những người lao động đã tin tưởng, chọn dãy trọ của tôi làm nơi an cư lạc nghiệp trong những năm vừa qua. Hy vọng sự chia sẻ này sẽ giúp vơi bớt những nhọc nhằn của người lao động nhập cư tại TP.HCM sau nhiều khó khăn và biến động của thị trường lao động”, ông Tâm chia sẻ.

Ngoài ra, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, cho biết trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, đơn vị sẽ triển khai nhiều kế hoạch chăm lo cho người lao động trên địa bàn thành phố. Cụ thể, đối với chương trình “Tết sum vầy - Xuân tri ân”, dự kiến chăm lo cho 13.000 gia đình đoàn viên, người lao động hoàn cảnh khó khăn; trong đó ưu tiên người lao động làm việc tại doanh nghiệp bị cắt giảm giờ làm, không có điều kiện về quê đón Tết. Mỗi trường hợp được chăm lo 1 triệu đồng bao gồm quà và tiền mặt. Tại các khu chế xuất và khu công nghiệp, dự kiến TP.HCM cũng sẽ tổ chức 9 “Phiên chợ nghĩa tình - Tết đoàn viên” cho 30.000 công nhân và hỗ trợ 500.000 đồng/người trong dịp Tết sắp tới. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động các quận, huyện cũng sẽ tặng 4.000 phần quà Tết cho công nhân ở trọ có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại các khu chế xuất và khu công nghiệp. 

MINH THẢO

Ý kiến bạn đọc