Đại biểu Quốc hội ủng hộ việc điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá
VHO - Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ ủng hộ sự cần thiết tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, bởi đây là mặt hàng có hại cho sức khỏe, không khuyến khích sử dụng.
Chiều nay 27.11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Phát biểu thảo luận tại Hội trường, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn đại biểu Quốc hội Tây Ninh) cho biết, từ hiểm họa do thuốc lá gây ra cho sức khỏe, tính mạng, đời sống nhân dân, kinh tế xã hội của đất nước, trong lần sửa đổi này, đánh giá cao Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội 2 phương án tính thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá điếu, trong đó áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp (bao gồm kết hợp cả thuế suất và thuế tuyệt đối), có lộ trình tăng thuế tuyệt đối qua các năm để đến 2030 đạt được mức thuế tuyệt đối là 10.000đ/ bao thuốc lá, phấn đấu đạt mục tiêu khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đạt mức tỉ trọng thuế trong giá bán lẻ thuốc lá điếu hiện nay khoảng hơn 36% lên 75% vào 2030, hướng đến mục tiêu giảm tỉ lệ người sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên dưới 36%, của chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá 2030.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý cho biết, theo số liệu của WHO, thuốc lá gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới và 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động. Nhóm nghèo có tỉ lệ hút thuốc cao hơn nhóm giàu. Xu hướng này cũng phù hợp với con số hơn 80% người hút thuốc trên thế giới tập trung ở các nước thu nhập trung bình và thấp. Ở Việt Nam, mỗi năm trung bình có 70.000 người tử vong vì các bệnh do thuốc lá, cứ 10 người nam trưởng thành thì có 4 người hút thuốc, tiêu thụ trong nước chiếm 57% so với tổng sản lượng của ngành sản xuất thuốc lá trong nước.
Theo đại biểu, trên lĩnh vực này, so với thế giới, Việt Nam nằm trong top các quốc gia có "giá thuốc lá rẻ nhất, thuế thấp nhất, tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc nhiều nhất", dẫn đến thiệt hại về kinh tế, chi phí y tế mỗi năm 1,14% GDP.
Cũng theo WHO và kinh nghiệm của các quốc gia thì biện pháp tăng thuế đối với mặt hàng này là công cụ chính sách hiệu quả, tuy nhiên, vấn đề là tăng như thế nào mới hợp lý. Đại biểu nêu rõ, có nhiều ý kiến băn khoăn khi cho rằng nếu tăng thuế ngay, mạnh thì sẽ nảy sinh những khó khăn: tăng thuốc lá nhập lậu; gây thiệt hại cho ngành công nghiệp thuốc lá và người lao động trong ngành; thiệt hại cho người nông dân trồng thuốc lá. Tuy nhiên, đại biểu khẳng định, những lo lắng trên so với những đe dọa khôn lường từ thuốc lá điếu gây ra là không đáng kể.
Với quan điểm bảo vệ các thế hệ hiện nay và tương lai khỏi các hậu quả tàn phá của thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội, môi trường, đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét thêm phương án 3: cụ thể, mốc năm 2026 là thuế suất 75% và thuế tuyệt đối là 5000 VNĐ, tịnh tiến đến thuế suất 75% và thuế tuyệt đối 15.000 VNĐ/bao thuốc lá vào năm 2030. Đồng thời, cần có định hướng sau năm 2023 sẽ tăng mỗi năm lên tỉ lệ nhất định để tiến đến đạt các mục tiêu của công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Liên Hợp Quốc và mục tiêu phát triển bền vững của nước ta.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, thuốc là và rượu, bia là những sản phẩm có hại cho sức khỏe. Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này nhưng cần xem xét tăng thế nào để thay đổi hành vi. Đại biểu không đồng tình với việc tăng thuế nhỏ giọt theo năm vì không thay đổi hành vi, mà nên tăng theo đợt, lần đầu có thể tăng khoảng 10-15%, sau đó 5 năm sau sẽ tăng tiếp đợt 2, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, nâng cao ý thức và doanh nghiệp có thời gian để chuyển đổi sản xuất sản phẩm khác, như vậy mới có tác dụng.
Tương tự, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) nhấn mạnh, thuế tiêu thụ đặc biệt có một chức năng quan trọng là nhằm định hướng hành vi người tiêu dùng, để bảo vệ sức khỏe cho người dân. Thực tế cho thấy việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam rất tốt. Tuy nhiên, chi phí y tế của nước ta tốn nhiều vào việc điều trị các loại bệnh tật, đặc biệt là bệnh tiểu đường và bệnh phổi. Do vậy, đại biểu đề nghị cần phải quyết liệt trong thực hiện áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Cần đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2045, Việt Nam có thể trở thành quốc gia không còn người hút thuốc lá.
Đối với việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, đại biểu đề xuất nên có một danh mục cụ thể liệt kê các loại đồ uống có đường cần áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt. Danh mục này có thể do Chính phủ điều chỉnh theo từng thời kỳ.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông) đề nghị Ban soạn thảo giao cho Chính phủ quy định các đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đồng thuận với việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh, mặt hàng này gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường và là hiểm họa của các vụ cháy nổ…
Từ những tác động tiêu cực của thuốc lá, đại biểu Dương Khắc Mai lựa chọn áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này theo phương án 2 vì hợp lý cho chính sách phát huy hiệu quả nhanh chóng trong thực tiễn, có khả năng giảm tiêu thụ nhanh hơn và ở mức độ lớn hơn.
Ngoài ra, để quy định trên được hoàn thiện, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị quy định xem xét, quy định mức thuế tuyệt đối đối với thuốc lá điếu được tính bằng “bao” cho phù hợp. Vì theo quy định tại Điều 24 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, số lượng điếu thuốc lá đóng gói trong 1 bao thuốc lá không được ít hơn 20 điếu. Trường hợp quy định như dự thảo Luật thì doanh nghiệp có thể sản xuất số lượng lớn hơn 20 điếu/bao và mục đích giảm tỉ lệ hút thuốc lá và sửa đổi để áp mức thuế tuyệt đối so với luật hiện hành sẽ không đạt được. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần quy định rõ hơn đối với nội dung này.
Đồng tình với việc điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai) cho rằng, với mục tiêu giảm tỉ lệ người hút thuốc và bảo vệ sức khỏe người dân, chúng ta đang áp dụng đồng thời các công cụ, trong đó có thuế. Đại biểu cho biết, bắt đầu từ năm 1999, chúng ta áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với mức 45%, tăng dần cho đến năm 2019 là 75% và duy trì đến nay.
Về việc chống mua bán thuốc lá bất hợp pháp, theo số liệu của Bộ Công thương, từ năm 2019 đến tháng 10/2024, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với thuốc lá lậu khoảng 48 tỉ đồng, số lượng tịch thu trong năm cao nhất là gần 700.000 bao thuốc lá các loại. Kết quả này còn khá ít ỏi so với thực trạng của thuốc lá lậu. Riêng năm 2023 đã có khoảng 540 triệu bao thuốc lá nhập lậu được tiêu thụ tại thị trường nội địa, gây thất thu thuế tiêu thụ đặc biệt gần 4.000 tỉ đồng.
Ủng hộ áp thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) bày tỏ ủng hộ sự cần thiết của dự thảo Luật, đồng thời nhất trí với chủ trương tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, bởi đây là mặt hàng có hại cho sức khỏe, không khuyến khích sử dụng. “Việc tăng thuế nhằm mục đích giảm nhu cầu sử dụng, tăng thu cho ngân sách nhà nước là cần thiết, phù hợp với chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá”, đại biểu nêu quan điểm…
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng việc đánh thuế này nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiêu chuẩn về hàm lượng đường sẽ do Chính phủ quy định, các sản phẩm như nước dừa, sữa, nước hoa quả nguyên chất sẽ không phải chịu thuế.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thuốc lá gây ra hậu quả nghiêm trọng, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do hút thuốc lá, và Việt Nam phải tốn khoảng 1 tỉ USD để chữa trị các bệnh liên quan. Trong khi đó, giá thuốc lá ở Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 6.000 - 20.000 đồng/bao, ở Singapore là 200.000 đồng/bao. Ngoài thuốc lá điếu, các sản phẩm khác như xì gà, thuốc lá để hút, hít, nhai, ngửi cũng sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 75%.