Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nhằm đảm bảo an sinh xã hội

VHO - Các chuyên gia đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số sản phẩm như rượu, bia, thuốc lá được kỳ vọng sẽ góp phần định hướng sản xuất, hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe. Đồng thời thể hiện cam kết của Chính phủ đối với phát triển bền vững và an sinh xã hội.

Tại Toạ đàm với chủ đề "Kinh tế vĩ mô 2023 và những thay đổi về chính sách thuế để cải thiện chất lượng tăng trưởng" diễn ra mới đây, ông Phạm Văn Long - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS) nhận định, kinh tế Việt Nam năm 2023 đang đối mặt với rất nhiều thách thức, từ những diễn biến ất lợi của kinh tế thế giới cho đến những bất ổn nội tại của kinh tế trong nước.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nhằm đảm bảo an sinh xã hội - Anh 1

Ông Phạm Văn Long phát biểu tại Toạ đàm

Để cải thiện chất lượng tăng trưởng, Chính phủ hướng tới việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách thuế nhằm ổn định thị trường, cải thiện nguồn thu và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong đó, đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số sản phẩm như rượu, bia, thuốc lá được kỳ vọng sẽ góp phần định hướng sản xuất, hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, đồng thời thể hiện cam kết của Chính phủ đối với phát triển bền vững và an sinh xã hội.

Tại sự kiện, các chuyên gia kinh tế đã có tham luận về tình hình kinh tế vĩ mô từ đầu năm đến nay và đều đồng thuận cần thiết cải cách chính sách thuế để cải thiện chất lượng tăng trưởng. Đặc biệt là cần điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia, thuốc lá.

Là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc cao nhất khu vực, nhưng giá thuốc lá hiện tại vẫn thấp và cơ chế thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá vẫn chưa thể khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng.

Làm rõ luận điểm nêu trên, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, chuyên gia Tài chính công, Học viện Tài chính đề xuất nhiều nhóm giải pháp cần triển khai để cải cách hệ thống thuế phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cụ thể như về thuế giá trị gia tăng cần tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất; xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với một số mặt hàng như rượu, bia, thuốc lá.

Mặc dù tỷ lệ thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá thuốc lá xuất xưởng tại Việt Nam là 75%, nhưng tổng thuế trên giá bán lẻ chỉ đạt khoảng 36-38%, thấp hơn nhiều so với các nước. So trong khu vực ASEAN, tỉ trọng thuế trong giá bán lẻ của Việt Nam là 38,85%, thấp hơn so với Thái Lan (78,6%), Singapore (67,11%), Indonesia (62,26%), Philippines (55,71%), Malaysia (51,47%)…

Ths Đào Thế Sơn, Trường Đại học Thương mại chia sẻ, thuế là biện pháp kiểm soát tiêu dùng hiệu quả nhất. Trong khi đó, mức thuế của nước ta đối với thuốc lá còn thấp. Việt Nam cần tăng thuế theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng biện pháp áp thuế hỗn hợp.

“Việc tăng thuế thuốc lá làm giảm lượng người sử dụng có thể tác động tích cực tới số lượng bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá, dẫn tới việc giảm gánh nặng y tế. Không chỉ vậy, giảm lượng người hút thuốc sẽ tác động tới an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống cho gia đình khó khăn và tác động tích cực tới thị trường việc làm”, ông Đào Thế Sơn nhấn mạnh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuế là biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất. Tăng thuế thuốc lá đồng nghĩa với việc tăng giá bán, nhằm giảm lượng người mua và sử dụng thuốc lá.

Giá thuốc lá tăng 10% có thể làm giảm lượng tiêu thụ khoảng 4% tại các quốc gia thu nhập cao, giảm 5% ở các quốc gia thu nhập trung bình. Một số quốc gia đã thành công trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá thông qua tăng thuế, như Philippines, tỷ lệ hút thuốc lá năm 2009 là 29% đến năm 2021 giảm xuống còn 19,5%; thu ngân sách từ thuốc lá cũng tăng đáng kể qua từng năm.

Như chúng ta biết, thuốc lá là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh liên quan đến viêm phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi, và nhiều bệnh không lây nhiễm khác. Nước ta hàng năm có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh có liên quan đến hút thuốc lá, chưa kể những tác hại về sức khỏe không nhỏ đến 70% phụ nữ và 50% trẻ em do hít khói thuốc lá thụ động của những người xung quanh. Hút thuốc lá tạo ra nhiều hệ lụy như giảm năng suất lao động, thiệt hại kinh tế như: phải chi tiền mua thuốc hút, tiền chữa bệnh do hút thuốc lá gây ra, chi phí cho người nuôi bệnh . . .

Do vậy việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá không chỉ là một trong những giải pháp vĩ mô nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng, mà còn là nhằm giảm tiếp cận với người hút thuốc, giảm tác động lên sức khoẻ, bệnh tật, cuộc sống của người dân.

THẢO LAM

Ý kiến bạn đọc