Công trình con rồng ở hồ Thủy Tiên bỗng dưng… hút khách

VHO - Công viên hồ Thủy Tiên (xã Thủy Bằng, TP Huế) dù đã đóng cửa từ nhiều năm qua nhưng nhiều du khách trong nước và quốc tế vẫn liên tục tìm đến để check-in công trình con rồng khổng lồ được xây dựng giữa hồ. Đặc biệt, khi Tết Giáp Thìn cận kề, hình ảnh về con rồng này càng trở nên “hot” thu hút nhiều bạn trẻ.

Công trình con rồng ở hồ Thủy Tiên bỗng dưng… hút khách - Anh 1

Công trình con rồng ở hồ Thủy Tiên từng lên báo Mỹ

Hồ Thủy Tiên cách trung tâm TP Huế gần 10 km, nằm ở khu vực đồi Thiên An, có nhiều lợi thế cho phát triển du lịch sinh thái.

“Không dành cho người yếu tim”

Từ đầu những năm 2000, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt cho Công ty Du lịch Cố đô đầu tư dự án khu du lịch sinh thái ở đây với nhiều hạng mục đã được xây dựng, gồm: Nhà thủy tạ ngắm cảnh giữa lòng hồ, cầu dẫn ra nhà thủy tạ, công viên nhạc nước, thủy cung…, kinh phí đầu tư hơn 70 tỉ đồng. Trong đó, điểm nhấn là công trình con rồng “khổng lồ” bằng bê tông giữa lòng hồ, bên trong công trình là khu thủy cung và nhà ngắm cảnh.

Năm 2004, khu vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên bắt đầu mở cửa đón khách dù dự án vẫn chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, việc khai thác không có hiệu quả đã khiến đơn vị chủ đầu tư thua lỗ nặng. Năm 2008, dự án này được chuyển giao lại cho Công ty Haco (một chủ đầu tư đến từ Hà Nội), với hy vọng sẽ tiếp tục đầu tư và điều chỉnh lại quy mô của khu du lịch để tạo điểm đến cho du khách đến Huế. Dự án ban đầu có quy mô diện tích hơn 49 ha, sau đó mở rộng lên hơn 63 ha; một số hạng mục về công viên nước được đầu tư xây dựng nhưng tiếp tục dang dở. Dự án “giậm chân” nhiều năm liền gây lãng phí nguồn tài nguyên đất cũng như tài sản dự án và nhanh chóng xuống cấp, hư hại.

Sau nhiều lần làm việc với chủ đầu tư, đến năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định thu hồi đất của dự án để có hướng kêu gọi đầu tư mới hiệu quả hơn. Thời điểm này, các hạng mục của dự án đã xuống cấp nghiêm trọng nên địa phương cũng thông báo không đón du khách đến hồ Thủy Tiên nhằm đảm bảo an toàn. Thế nhưng, càng cấm nhiều du khách càng muốn đến, đặc biệt sau khi tờ Huffington Post của Mỹ có bài viết và chùm ảnh về hồ Thủy Tiên với tựa đề “Công viên nước bỏ hoang ở Việt Nam, không dành cho kẻ yếu tim”, du khách quốc tế lại rất tò mò muốn tìm hiểu về hình ảnh “ma quái”, hoang tàn nơi đây. Hồ Thủy Tiên từ chỗ không nằm trong bản đồ du lịch Việt Nam đã trở thành điểm đến khám phá của du khách quốc tế, nhất là những người trẻ tuổi, bất chấp những nguy hiểm mà chính quyền địa phương đã khuyến cáo.

Ông Trương Phước Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sau khi tỉnh thu hồi dự án, diện tích đất ở đây được giao cho trung tâm quản lý. Trung tâm cũng có hợp đồng với 4 bảo vệ để tăng cường quản lý không gian ở đây nhưng diện tích rộng nên dù có biển không đón khách và hàng rào chặn lại nhưng nhiều du khách vẫn đi theo các đường tắt, lối mòn khác để vào bên trong hồ Thủy Tiên. Lực lượng bảo vệ cũng đã nhắc nhở, khuyến cáo về sự nguy hiểm khi công trình đang xuống cấp nhưng phần lớn là du khách quốc tế nên cũng rất khó. Du khách đến đây cũng chỉ vì tò mò, muốn tìm hiểu, khám phá công trình con rồng giữa hồ, từng lên báo quốc tế và phim ảnh…

Công trình con rồng ở hồ Thủy Tiên bỗng dưng… hút khách - Anh 2

 Công trình con rồng “khổng lồ” giữa hồ Thủy Tiên, xã Thủy Bằng, TP Huế thời gian qua thu hút nhiều du khách quốc tế

Vì sao sẽ phải dỡ bỏ công trình con rồng?

Đầu năm 2023, khi bộ phim Taxi Driver 2 (tựa Việt Ẩn danh 2) và thu hút lượng lớn khán giả của nhiều nước, một lần nữa nhiều người xem đã phát hiện cảnh quay ở hồ Thủy Tiên. Dù chỉ xuất hiện ngắn nhưng đã thu hút sự tò mò của nhiều bạn trẻ trong nước và du khách quốc tế tiếp tục tìm đến hồ Thủy Tiên. Đặc biệt, khi dịp Tết Giáp Thìn đang cận kề, nhiều bạn trẻ cũng tìm đến để chụp ảnh với con rồng này.

Theo ghi nhận của phóng viên Văn Hóa, những ngày qua, dù mưa rét nhưng nhiều du khách quốc tế vẫn tìm đến hồ Thủy Tiên. Chiều 24.1, từng nhóm khách quốc tế đã đi taxi đến khu vực cổng vào hồ thì bị rào chắn và kèm bảng thông báo không đón khách (cổng hiện đã đập bỏ và thay bằng rào chắn). Tuy nhiên, các xe taxi dừng lại, còn du khách vẫn tiếp tục đội mưa để đi bộ vào bên trong hồ. Một số du khách tự thuê phương tiện xe máy để dễ đi theo các đường mòn vào hồ. Bên trong hồ, nhiều đoạn đường xuống cấp, đá lát đường lởm chởm và đầy bùn đất, dễ trơn trượt nhưng các du khách vẫn cuốc bộ để đến chụp ảnh tại công trình con rồng giữa hồ.

Con rồng giữa hồ Thủy Tiên được xây dựng bằng bê tông, có chiều cao khoảng 50m; đứng từ miệng con rồng sẽ ngắm nhìn được cảnh quan thú vị của hệ thống cây xanh, mặt nước. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm để hoang, công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, rêu xanh mọc lên nhiều nơi, tường công trình bị hư hại, nhiều du khách dùng bút màu, vật nhọn để khắc vẽ lên các dòng chữ lộn xộn… Vào mùa mưa, mực nước hồ dâng cao nên việc di chuyển đến khu vực con rồng “khổng lồ” này để khám phá, check-in cũng rất nguy hiểm. Mấy tháng trước, từng có một du khách trèo lên trên đầu rồng để check-in và quay, chụp ảnh khiến nhiều người có mặt thót tim. Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Thừa Thiên Huế Trương Phước Tuấn thông tin, sau khi thu hồi sự án, tài sản trên đất của dự án đã nhiều lần được rao bán đấu giá nhưng một thời gian dài không có người mua. Đến nay, đơn vị thi hành án đã triển khai các thủ tục theo quy định, hiện đang tháo dỡ tài sản và các hạng mục công trình tại khu vực hồ Thủy Tiên. Chúng tôi đã yêu cầu phía đơn vị trúng đấu giá hoàn thành khối lượng công việc trong tháng 1.2024 này, tuy nhiên phía đơn vị trúng đấu giá đang xin được kéo dài thời gian vì mực nước hồ đang cao nên việc đập, tháo dỡ con rồng sẽ gặp khó khăn.

“Chúng tôi đang đốc thúc đề nghị đơn vị trúng đấu giá có phương án tháo dỡ sớm tài sản, hạng mục công trình tại hồ Thủy Tiên để xử lý mặt bằng. Theo dự định của UBND tỉnh, khu vực hồ Thủy Tiên sẽ được giao lại cho UBND TP Huế để triển khai chỉnh trang, xây dựng điểm đến cộng đồng phục vụ du khách và nhân dân”, ông Tuấn cho biết. Trước đó, từ năm 2022, UBND TP Huế có chủ trương đầu tư 20 tỉ đồng để chỉnh trang công viên hồ Thủy Tiên, với nhiều hạng mục như xây dựng tuyến đường dạo quanh hồ Thủy Tiên với chiều dài hơn 2 km (rộng 4,5 đến 6m), nền bê tông, bề mặt lát đá granit; đầu tư hệ thống chiếu sáng; hệ thống cấp, thoát nước; tổng dọn dẹp, vệ sinh ở quanh khu vực công viên và các công trình hiện trạng của hồ Thủy Tiên… Dự án nói trên nhằm chỉnh trang, xây dựng hồ Thủy Tiên trở thành điểm đến của công viên công cộng phục vụ người dân và du khách sau nhiều năm công viên này đóng cửa, bỏ hoang. Tuy nhiên, do vấn đề xử lý tài sản của dự án cũ kéo dài và gặp nhiều vướng mắc nên việc chỉnh trang đến nay vẫn chưa thể thực hiện.

Ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, chính quyền đã phê duyệt đầu tư chỉnh trang ở hồ Thủy Tiên nhưng vì chưa có mặt bằng, chưa xử lý xong tài sản của chủ đầu tư cũ nên phải chờ. Sau khi có mặt bằng sẽ đẩy nhanh công tác chỉnh trang cơ bản hồ Thủy Tiên để tạo không gian công cộng phục vụ nhu cầu trải nghiệm tham quan, ngắm cảnh của nhân dân và du khách. 

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc