Chuyện về vỉa hè ở Hà Nội
VHO- Sau khi TP Hà Nội triển khai kế hoạch “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”, nhìn chung nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình, tuy nhiên vẫn còn một số ý kiến tỏ ra không đồng tình.
Vỉa hè Hà Nội... thời xưa
Trong những ý kiến không đồng tình ấy, có lập luận khá kỳ khôi, đại loại như cho rằng: “Từ xa xưa, vỉa hè đã là nơi diễn ra việc bán hàng ăn uống, nhu yếu phẩm, máy móc thiết bị, các dịch vụ sửa chữa, tiêu dùng, các hoạt động tài chính như đổi tiền, mua bán tem phiếu… Cùng với kinh tế, vỉa hè còn là không gian sinh hoạt, nơi người dân tắm gội, giặt giũ, rửa rau, vo gạo, nấu nướng, luộc bánh chưng ngày tết, phơi quần áo...”. Thiết nghĩ đã nói đến chuyện “xa xưa” thì cần phải khảo sát từ xa xưa, không nhìn hiện tại để suy quá khứ.
Từ thời Pháp thuộc đến những năm 60 của thế kỷ trước, vỉa hè ở Hà Nội cơ bản phong quang, sạch sẽ. Không lù lù đủ loại biển quảng cáo đèn xanh đỏ. Không có chuyện ngày rằm mồng 1 thi nhau đốt vàng mã khói lửa bập bùng tàn bay tứ tung. Càng không có chuyện tắm gội, giặt giũ, rửa rau, vo gạo, phơi quần áo, nấu nướng, luộc bánh chưng… Đọc cuốn Nhớ gì ghi nấy của Nguyễn Công Hoan thấy viết ở Hà Nội thời Pháp, sáng sớm đã có anh pô-lít (police - cảnh sát) đạp xe rảo phố phường. Trước cửa nhà nào còn rác rưởi thì gài hóa đơn lên cánh cửa. Đến giờ, nhà đó tự giác lên “bốt” nộp phạt. Thời tôi lớn lên, mọi cửa hàng ở Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Bông,... đều bày hàng hóa trong nhà, khá lắm thì bày sát cửa. Quán trà cũng bán trong nhà, khách ngồi trên ghế băng, thi thoảng mới được ngồi trên cái ghế con cạnh vỉa hè sát cửa sổ. Vừa ngắm phố xá vừa được ông bà chủ quán thò tay qua cửa sổ đưa điếu thuốc, chén nước. Thế mới có chuyện vừa uống nước, hút thuốc vừa nghe con cháu chủ nhà ê a tập đọc ở góc nhà.
Một dạo hiếm nước, nhiều gia đình ở Hà Nội đào cái hố cạnh cửa ra vào sát vỉa hè, xây thành bể chìm có nắp đậy, khóa cẩn thận. Thế nên cánh phụ nữ mới ngồi trên vỉa hè giặt giũ, vo gạo, rửa rau, phơi phóng, còn cánh đàn ông và trẻ con mới nhồng nhỗng tắm táp. Tức là hiện tượng đó ra đời từ sự tùy tiện của cư dân, không ra đời từ chức năng của vỉa hè.
Vỉa hè ở nước ngoài
Hồi đó mọi người chủ yếu đi xe đạp, luôn dựng gọn ghẽ. Vỉa hè chỉ có người đi bộ và và các chị quang gánh bán hoa, bán cốm, bán khoai sọ luộc và táo ta xiên vào cái que, mấy chị áo nâu quần thâm đội chiếc thúng trên đầu với tiếng rao “Ai lạc rang, ngô rang, hạt dẻ”. Thêm nữa là dăm bác xếnh xáng bụng phệ bán lạc rang, kẹo hồng, chín tầng mây, bánh bò, bán “bi ngon ngon bi giòn giòn” đựng trong hộp kính có dây đeo trước bụng... Hàng hóa bày trong nhà đến 12 giờ thì gia chủ nghỉ trưa, hàng hóa phủ vải kín mít. Buổi chiều vỉa hè vắng người, lại thành nơi để đám trẻ đá cầu, nhảy dây, chơi đáo, chơi bi, chơi chuyền, ô ăn quan, lò cò, trồng nụ trồng hoa... Buổi trưa dưới bóng cây to, trẻ nào trốn ngủ trưa thì tụ tập đọc sách, mang lọ ra cho cá chọi nhau; buổi tối tụ tập chuyện tào lao, đuổi bắt muồm muỗn, cà cuống, dế mèn,... dưới cột đèn điện.
Sau năm 1954, nền nếp phố xá đã hình thành từ thời Pháp thuộc kéo dài thêm khoảng gần chục năm. Có lần tôi lon ton theo mẹ qua Hàng Đường, thấy có chị bán bún riêu bị công an tuýt còi gánh quang gánh chạy trước, mấy thực khách bê bát chiết yêu chạy sâu vào Ngõ Gạch. Nhìn trong số người bê bát chạy có chị gái con của bác ruột, tôi gọi toáng. Mẹ cấu vào tay bảo “Im mồm!”. Còn phở gánh thì ban ngày chủ yếu bán cho các gia đình hàng phố, gọi thì làm bát bê vào. Buổi tối, phở gánh chọn chỗ rộng rãi, thường là góc phố, bán dăm bát lại chuyển chỗ khác. Đi qua, hôm được mẹ cho làm một bát, hôm đành đi giữa mùi phở thơm điếc mũi!
Mọi sự dần dần mai một. Đến thời kinh tế thị trường, vỉa hè càng bừa bộn, thành nơi bày hàng hóa, đặt cái tủ, tấm biển quảng cáo, dựng xe máy, dăm nhà hàng bán cơm bình dân, bún cháo phở,... đổ nước thải ra đường, xuống cống, dội nước thì cọng rau, cọng hành vẫn bám xanh lè, rồi vỉa hè bóng loáng dầu mỡ... Nhân viên công quyền không kiên quyết, phạt chiếu lệ, qua loa, để rồi ô tô kèm tiếng loa oang oang chạy đến cuối phố thì cửa hàng đầu phố tiếp tục bày đồ lề ra vỉa hè. Chẳng biết có chuyện “làm luật” hay không mà dân tình ngày càng ngang nhiên, nhiều nhà coi vỉa hè như tài sản riêng, đỗ xe dưới lòng đường cũng bị họ ra đuổi nguầy nguậy, vì ảnh hưởng đến làm ăn buôn bán.
Đến một số thành phố của châu Âu như London, Holborn (Anh), Berlin, Frankfurt, Weimar (Đức), Paris, Troyes, Metz (Pháp), Amsterdam (Hà Lan), Bruxelles (Bỉ),... thấy vỉa hè rất thông thoáng, tấp nập. Rất nhiều cửa hàng, cửa hiệu bán hàng hóa, café, ăn uống mà ngăn nắp, lớp lang, không mạnh ai nấy bày, chiếm dụng vỉa hè không còn chỗ cho người đi bộ. Mô tả như thế để thấy vỉa hè ở Hà Nội mấy chục năm trước và cũng muốn nói rằng vỉa hè có thể là nơi kinh doanh nhưng không bị sử dụng tùy tiện, bừa bãi. Cũng phải nói ở các thành phố đó đi bộ là bình thường, trong khi tỉ lệ ô tô trên đầu người rất cao, hệ thống tàu điện ngầm, xe bus cực kỳ thuận lợi.
Giờ chính quyền Hà Nội quyết tâm “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ” lại vừa nghi ngại, vừa mừng, vừa lo. Nghi ngại vì quyết tâm đó được hô nhiều lần mà chưa chứng tỏ hiệu quả. Mừng vì nếu làm được thì phố xá sẽ văn minh, sạch đẹp, xứng đáng để tự hào. Lo vì “bắt cóc bỏ đĩa”, được một thời gian lại đâu hoàn đấy. Để rồi: Liệu người đi bộ có tiếp tục phải đi xuống lòng đường? Liệu ngày rằm mùng 1 trên vỉa hè có nghi ngút khói đốt vàng mã và tàn bay tứ tung? Liệu ngày nào đó thong dong đi bộ trên vỉa hè có trở thành ký ức của một thời xa lắc?!
Nhà phê bình NGUYỄN HÒA