Chuyện những người ăn Tết xa quê

VHO - Mỗi dịp Tết cổ truyền đến, những người con xa quê đều mong muốn được trở về sum vầy bên gia đình, thắp nén hương lên ban thờ tiên tổ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thực hiện được nguyện vọng đó, bởi vẫn có những người lao động phải tạm gác chuyện về quê ăn Tết vì thu nhập bấp bênh, trong khi chi phí cho một chuyến “hồi hương” có thể tiêu hết toàn bộ tiền dành dụm của 1 - 2 năm vất vả làm việc nơi xứ người.

Chuyện những người ăn Tết xa quê - Anh 1

 Ngày cận Tết, giá vé xe khách tăng gấp đôi khiến đường về quê của người lao động nghèo càng thêm xa (Ảnh Một cảnh trong phim "Về quê ăn Tết" của Ngô Thanh Vân)

 Tết của những người xa xứ…

Hơn mười năm xuất khẩu lao động tại Malaysia, chị Lê Ngọc An (Hà Nội) luôn thèm cảm giác được ăn Tết ở quê nhà. Chuyến tha hương của chị xuất phát từ một cuộc trốn chạy khỏi cảnh bạo hành của người chồng vũ phu. Vốn có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực điện tử, lại chăm chỉ và có trách nhiệm, chị nhanh chóng được nhận vào vị trí quản lý của một công ty Trung Quốc đặt tại Malaysia. Hợp đồng gia hạn nên thời gian chị lao động tại nước ngoài đã lên tới 10 năm. Tuy không khó khăn về tài chính, vì tiền lương cũng không phải chi tiêu gì nhiều, nhưng do mẹ chị đã già, thỉnh thoảng lại đau ốm, mỗi đợt mẹ nằm viện chị phải xin nghỉ khoảng một tuần để về. Thời gian nghỉ phép năm thường dành cho những cuộc thăm nom này, vì thế vài năm chị Ngọc An mới dám về ăn Tết một lần. Những cái Tết xa nhà luôn là nỗi đau đáu cồn cào trong chị. Do tính thân thiện, dễ gần, hay giúp đỡ mọi người nên chị được các bạn nước ngoài rất quý mến. Năm nào chị không về, họ thường đưa chị đi chơi, chuẩn bị một số món ăn Việt Nam để chị đỡ nhớ nhà. “Trước kia, nhiều khi tôi sợ Tết vì phải làm rất nhiều việc, nhưng giờ đây tôi thấy nhớ vô cùng hương vị và không khí ngày Tết, nhớ về thời thơ bé ngồi canh nồi bánh chưng, cùng mẹ đi Chợ hoa Hàng Lược. Những gì trước đây mình thấy bình thường, thì khi xa xứ lại thương nhớ vô cùng”, chị An chia sẻ.

Cũng gia hạn thêm hai lần hợp đồng lao động bên Nhật, chị Đỗ Phương Nga (Hà Nam) năm nay không về Tết, mà đợi đến tháng 3 hết hạn hợp đồng thì về luôn. Suốt 6 năm xa quê, chị chưa một lần trở về mà dành thời gian lao động cật lực kiếm tiền gửi về giúp bố mẹ và dành dụm để khi về nước có vốn làm ăn. Thương cô con gái út phải mưu sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nên năm nào Giao thừa bố mẹ chị và gia đình anh trai, chị gái cùng các cháu lại quây quần “livestream” chia sẻ không khí Tết để chị thấy ấm áp hơn. Những ngày đầu năm mới cổ truyền, chị cùng một vài bạn Việt Nam đang lao động tại Nhật lại tụ tập với nhau, nấu những món ăn quê hương để vơi nỗi nhớ nhà.

Chuyện những người ăn Tết xa quê - Anh 2

 Du học sinh Việt Nam đón Tết xa nhà Ảnh: INTERNET

… và Tết của những người xa quê

Năm 2000, theo chân chúng bạn từ Thanh Hóa vào Nam, từ bấy đến nay, anh Phan Văn Lai mới chỉ về quê được 4 lần. Xa quê từ năm 20 tuổi, đầu quân cho một công ty da giày với đồng lương eo hẹp, cuộc sống của vợ chồng anh lúc nào cũng “thiếu trước hụt sau”. Tổng thu nhập của hai vợ chồng chỉ vỏn vẹn 15 triệu, tiền thuê nhà đã hết 3 triệu, tiền học cho hai con, rồi ăn uống, sinh hoạt, cộng với lúc trái gió trở trời… số tiền lương ít ỏi không tháng nào dư nổi lấy một vài đồng. Trong khi mỗi lần về quê, dù đi xe khách hay đi tàu hỏa (anh chưa bao giờ dám đi máy bay), cộng với chút quà cầm tay, anh đều phải “giật gấu vá vai”. “Tôi dự định năm nay đứa lớn học hết lớp 9, hè sẽ thu xếp chuyển cả gia đình về quê. Sẵn nhà cửa vườn tược, các nhà máy trong Khu công nghiệp Hàm Rồng cũng tuyển dụng thường xuyên, nên với thu nhập tầm 15 triệu sẽ sống tốt hơn trong này; chưa kể đến việc bố mẹ tôi cũng đã già, cần có người chăm sóc”, anh Lai giãi bày.

Cùng cảnh ngộ như anh Lai, chị Nguyễn Thị Hồng quê Nam Định cũng vào TP Hồ Chí Minh được gần 20 năm mà chẳng mấy khi Tết về nhà. Vợ chồng chị là công nhân nhà máy gỗ, nhưng mới làm ăn được 2 năm thì con gái lớn bị bệnh, thường xuyên phải đi viện nên chị xin nghỉ nhà máy, làm một xe trái cây bán dạo để chủ động việc đưa đón con đi điều trị. Cái khó đeo bám nên gia đình chị cũng không thể về quê mỗi dịp Tết đến xuân về.

Sau đại dịch Covid-19, sự suy thoái kinh tế trên thế giới ngày càng rõ rệt, cùng những diễn biến phức tạp của các cuộc xung đột như Nga - Ukraina hay tại dải Gaza… đã khiến thị trường việc làm gặp nhiều khó khăn. Đang là nhân viên IT cho một doanh nghiệp tại Đồng Nai, anh Trịnh Văn Hải hoang mang khi Công ty nợ lương đến tháng thứ 2 mà vẫn chưa có nguồn thu nào để giải quyết. Với mức thu nhập 30 triệu/tháng, trước nay anh cáng đáng việc nuôi cả gia đình 3 người và trả nợ ngân hàng hằng tháng khoản vay mua nhà. Cuối năm 2023, vợ anh sinh thêm con thứ hai, đúng lúc công việc của anh bết bát. Dù là người có kinh nghiệm, trước đây anh dễ dàng đầu quân cho bất kỳ doanh nghiệp nào, nhưng hiện tại, xin được một công việc có mức lương kha khá là vô cùng khó. Dù Tết Nguyên đán đã đến gần, nhưng anh xác định là không thể về, và có lẽ vài năm nữa cũng không chắc về được hay không?

Đối với chị Đinh Thị Huyền, công nhân một công ty ở Cần Thơ, năm nay cũng là một cái Tết chị phải xa quê hương Quảng Bình. Chị cho biết, ngày thường giá vé xe về quê khoảng 1-1,5 triệu đồng/người/hai lượt, nhưng cận Tết, giá vé tăng gấp đôi. Về đến huyện Minh Hóa, chị phải đi hai chuyến nữa, một chuyến về Bến xe Đồng Hới và một chuyến về đến nhà. Chỉ riêng tiền di chuyển đã tốn cả tháng lương, chưa kể các khoản chi khác như quà cáp, mừng tuổi… Với điều kiện kinh tế khó khăn, cả gia đình bốn người sống chật chội trong căn phòng trọ nhỏ, tiền lương phải căn cơ mới đủ chi tiêu, nên 10 năm xa quê, chị vẫn chưa thực hiện được ước mơ đưa cả gia đình đón Tết, mà chỉ “sum vầy” trên điện thoại.

Dù nhà không xa lắm, nhưng anh Lò Văn Dũng (Yên Bái) Tết này cũng chọn cách không về. Gia đình anh ở Yên Bái còn mẹ già và ba đứa con nhỏ, vợ anh loanh quanh chăm sóc gia đình, vườn tược nên mọi khoản chi tiêu đều phụ thuộc vào anh. Làm công nhân đứng máy cho một công ty cơ khí tại Hà Nội, mức lương 10 triệu/tháng không quá khó để anh Dũng thu xếp về quê ăn Tết, nhưng anh quyết định ở lại trông kho hàng với mức thù lao 7 triệu trong 7 ngày Tết. “Giờ kiếm tiền rất khó, nên tôi chịu khó ăn Tết xa nhà để có thêm khoản tiền mua xe cho con trai chuẩn bị vào cấp 3”, anh Dũng chia sẻ.

Tết không chỉ là thời điểm ghi dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mà còn là sự sum vầy dưới mái ấm gia đình. Đối với những người Việt xa xứ, xa quê, nỗi nhớ, tình yêu quê nhà không lúc nào thôi đau đáu trong tim. Dù đã chuẩn bị mọi thứ tốt nhất cho sự ở lại, nhưng trong lòng họ, Tết xa quê luôn có gì đó trống vắng khó mà bù đắp! 

 HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc