Bảo đảm an sinh xã hội, an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024
VHO – Các địa phương đã xây dựng và triển khai kế hoạch thăm hỏi, tặng quà và trợ giúp xã hội cho người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đảm bảo đúng đối tượng, chế độ, công khai, minh bạch, tránh trùng lặp, không để lợi dụng, trục lợi chính sách với nguyên tắc tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết.
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ LĐT,B&XH Lê Văn Thanh tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra chiều 1.2.2024.
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, về công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15.12.2023 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ,TB&XH đã có Công văn số 5601/LĐTBXH-VP ngày 28.12.2023 về việc tăng cường công tác bảo đảm an sinh xã hội, an toàn trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1.2024, ảnh: Nhật Bắc
Bộ LĐTB&XH đã đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch thăm hỏi, tặng quà và trợ giúp xã hội cho người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đảm bảo đúng đối tượng, chế độ, công khai, minh bạch, tránh trùng lặp, không để lợi dụng, trục lợi chính sách với nguyên tắc tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết.
Bộ đã đề nghị các địa phương rà soát, nắm tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng (thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng…), người có hoàn cảnh khó khăn (người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người dân ở vùng bị thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa,…), công nhân, người lao động làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất,… để quan tâm, chăm lo, kịp thời hỗ trợ phù hợp hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ theo quy định trong dịp Tết.
Đến nay, các địa phương đã xây dựng Kế hoạch triển khai các hoạt động chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, người lao động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trong đó tập trung vào các nội dung: Tặng quà cho các đối tượng chính sách và người có công, các đối tượng là hộ gia đình nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; tổ chức thăm và chúc Tết một số cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, các cơ sở trợ giúp xã hội, một số gia đình chính sách, người có công trên địa bàn.
Về công tác chăm lo Tết người có công với cách mạng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đã trình Chủ tịch nước ban hành Quyết định số 1583/QĐ-CTN ngày 26.12.2023 về việc tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 với tổng kinh phí hơn 449,4 tỷ đồng cho trên 1,4 triệu đối tượng. Ngày 4.1.2024, Bộ đã ban hành Công văn số 41/LĐTBXH-NCC về việc hướng dẫn các địa phương tặng quà của Chủ tịch nước với hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng tặng các vị lão thành cách mạng, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ, thương bệnh binh…
Về công tác chăm lo Tết người nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch số 830/KH-MTTW-BTT ngày 14.12.2023 về phối hợp thăm và tặng 12.600 suất quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Giáp Thìn năm 2024.
Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Lê Văn Thanh thông tin tại cuộc Họp báo Chính phủ. Ảnh: Nhật Bắc
Trong đó, dành 17,7 tỷ đồng phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đi thăm, tặng quà cho đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo từ Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương. Trong thời gian vừa qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đã tổ chức các đoàn công tác đi thăm, tặng quà người có công với cách mạng, thương bệnh binh, Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình hộ nghèo, cận nghèo, công nhân,người lao động có hòa cảnh khó khăn tại các địa phương trên cả nước.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp từ Trung ương đến địa phương đã trích từ Quỹ "Vì người nghèo" các cấp và chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trực tiếp đi thăm, tặng hàng vạn suất quà tết cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, công nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Ngày 28.12.2023, Bộ LĐ,TB&XH có Công văn số 5601/LĐTBXH-VP đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá tình hình đời sống nhân dân, tổng hợp số hộ, số khẩu có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và giáp hạt đầu năm 2024; chủ động huy động nguồn lực, trong đó có ngân sách địa phương và vận động các nguồn lực xã hội hợp pháp khác để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng thiếu đói, bảo đảm không để người dân nào bị đói, không có Tết.
Trên cơ sở đề xuất của địa phương, Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính đã tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xuất cấp gạo cứu đói cho 17 tỉnh có đề xuất (12.736,905 tấn cứu đói cho 136.765 hộ với 849.127 nhân khẩu dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và giáp hạt năm 2024). Tính đến ngày 26.1.2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký 1 Quyết định (Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 4.1.2024) hỗ trợ 3.545,025 tấn cứu đói cho 236.335 nhân khẩu bị thiếu đói dịp Tết Giáp Thìn cho tỉnh Sóc Trăng.
Các địa phương cũng xây dựng kế hoạch, chủ động bố trí ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ trên 1.000 tấn gạo cho các hộ nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh việc tặng quà, hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội ngoài cộng đồng, các địa phương đã bố trí thêm nguồn lực để tăng định mức ăn cho các đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở nuôi dưỡng trong suốt dịp Tết; bồi dưỡng, động viên cho cán bộ trực tiếp làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng.
Một số địa phương dành kinh phí lớn chăm lo Tết cho người dân. Ngoài quà của Chủ tịch nước, một số địa phương đã dành nguồn kinh phí và huy động xã hội hóa chăm lo Tết Giáp Thìn với số lượng lớn.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm, tặng quà cho hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Quang Vinh
Thành phố Hà Nội dự kiến tổng số quà tặng các đối tượng và tổ chức, cá nhân tiêu biểu dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn là hơn 1 triệu suất quà với tổng kinh phí gần 552 tỷ đồng, trong đó, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng được tặng quà mức 300.000 đồng/người; người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tặng quà mức 500.000 đồng/người.
Thành phố TPHCM dự kiến dành hơn 915 tỷ đồng, tăng hơn 34 tỷ đồng (khoảng 3,9%) so với Tết Quý Mão 2023 tổ chức các hoạt động và chăm lo Tết Giáp Thìn trên chăm lo tết cho các đối tượng diện chính sách, cán bộ hưu trí, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ mồ côi, hộ nghèo, hộ cận nghèo… với số lượng khoảng 475.459 suất quà, mỗi suất từ 1-2 triệu đồng (bằng mức chi của năm 2023).
Thành phố Hải Phòng, dịp Tết Giáp Thìn thành phố quyết định chi gần 250 tỉ đồng để tặng quà cho gia đình, người có công hưởng trợ cấp hằng tháng. Trong đó, tặng quà Tết trị giá 5,5 triệu đồng/người cho thương bệnh binh, người có công với cách mạng hoặc hưởng chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, trong đó 5,2 triệu tiền mặt và 300.000 đồng quà tặng. Mừng thọ các cụ từ 70-100 tuổi được tặng quà từ 900.000-1,8 triệu đồng/suất; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khuyết tật 1 triệu đồng/suất. Ngoài ra còn nhiều đối tượng khác nhận quà mức 2 triệu đồng/suất.
HOÀNG HƯƠNG