50 năm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh: Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm
VHO - Nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24.4.1972 – 24.4.2022), vừa qua tại tỉnh Kon Tum, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ với chủ đề “Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm”…
Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại Hội thảo
Chiến thắng có ý nghĩa lịch sử
Phát biểu tại Hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã ôn lại ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh. Đây là trận chiến đầu tiên lực lượng vũ trang Tây Nguyên tiến công địch bằng hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, có tốc độ nhanh, đánh bại một sư đoàn, đập tan cụm phòng ngự then chốt, vững chắc nhất trong hệ thống phòng thủ của quân đội Sài Gòn ở bắc Tây Nguyên, mở ra khả năng có thể đánh tiêu diệt lớn, tiến tới giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên.
Cách đây 50 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, chuyển cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sang giai đoạn giành thắng lợi quyết định. Quân và dân ta ở miền Nam đã thực hiện cuộc tiến công chiến lược năm 1972, đánh thẳng vào hệ thống phòng thủ vòng ngoài của quân ngụy Sài Gòn, đặc biệt là trên 3 hướng Trị - Thiên, Bắc Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Trên hướng Kon Tum, lực lượng vũ trang đã bao vây, tiến công quân địch, đánh chiếm căn cứ Đăk Tô và thị trấn Tân Cảnh, giải phóng đất đai và hàng vạn nhân dân, tạo thế phát triển cho chiến dịch Bắc Tây Nguyên, góp phần vào thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của quân và dân Tây Nguyên, khẳng định bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang trong tác chiến hiệp đồng binh chủng, góp phần tạo thế và lực mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
“Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh là minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, sự chỉ đạo nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, được thể hiện qua từng trận đánh, trên từng mũi hướng tiến công… Để giành thắng lợi quan trọng này, hàng vạn đồng bào, chiến sĩ, trong đó có bộ đội và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng đã chịu đựng gian khổ, hy sinh chiến đấu”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Kon Tum - Dương Văn Trang phát biểu tại Hội thảo
Trình bày tham luận “Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh 1972 - Bước trưởng thành vượt bậc của bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên” tại Hội thảo, Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Tư lệnh Quân đoàn 3, đã nêu bật ý nghĩa của Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh là thắng lợi của đường lối lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, sự chỉ huy nhạy bén, linh hoạt của Bộ Tổng Tư lệnh, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Mặt trận B3, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến dịch; là tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm, đoàn kết, hiệp đồng tác chiến giữa các binh chủng, giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên. Đặc biệt, Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh mở ra khả năng Quân giải phóng có thể đánh tiêu diệt lớn quân chủ lực địch.
Hội thảo lần này, BTC đã nhận được gần 80 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các địa phương, các đồng chí tướng lĩnh, sĩ quan, nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Các tham luận gửi đến Hội thảo là những công trình nghiên cứu độc lập, đã đi sâu phân tích, luận giải những nội dung cụ thể, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh. Những bài tham luận khoa học gửi về tham gia hội thảo: “Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” đã được BTC tổng hợp, in thành sách. Đây là tài liệu nghiên cứu, tuyên truyền, học tập và giáo dục có giá trị về lịch sử chiến tranh, đề nghị các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong Quân đội tích cực khai thác, sử dụng kết quả nghiên cứu vào quá trình giáo dục - đào tạo, thực tiễn huấn luyện, học tập và xây dựng cơ quan, đơn vị mình.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng một lần nữa nhấn mạnh: “Kết quả của hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tự cường và khát vọng hòa bình, củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Hội thảo góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phủ nhận sự nghiệp đấu tranh cách mạng vĩ đại của nhân dân ta. Đồng thời, nâng cao nhận thức về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử cũng như những bài học kinh nghiệm có giá trị thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay”.
Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Huy Vịnh cũng bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với các Anh hùng, liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, các đồng chí cựu chiến binh đã cống hiến trọn đời cho Tổ quốc, cho nhân dân và Quân đội; cảm ơn các đồng chí lão thành cách mạng, các nhân chứng lịch sử đã tham gia trực tiếp và làm nên chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh cũng như thắng lợi của quân và dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh chụp ảnh lưu niệm cùng các tướng lĩnh, chỉ huy, cựu chiến binh tại Hội thảo
Vững bước đi lên
Tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang cho biết: mặc dù đã 50 năm trôi qua, Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh vẫn luôn in đậm trong tâm trí của quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum; là nguồn động lực thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh tiếp tục chiến đấu dũng cảm, quên mình vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những bài học kinh nghiệm đúc rút từ Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc, sẽ tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
“Thời gian qua, mặc dù phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai, song với truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần tự hào từ Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum luôn đoàn kết, thống nhất, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ tỉnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng”, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang cho hay.
Theo đó, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn tỉnh năm 2021 đạt 16.051 tỷ đồng, tăng 6,47% so năm trước. Các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội đa số đạt và vượt kế hoạch; môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, công tác an sinh xã hội, nhất là hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được thực hiện khẩn trương, đúng đối tượng; chất lượng giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến rõ nét; năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, chất lượng tổ chức đảng và đảng viên tiếp tục được nâng lên.
DIÊN BÌNH