Xây dựng nền mỹ học Việt Nam hiện đại:
Vì sự phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên mới
VHO - Tại Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ cuối tháng 12 vừa qua, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) đã đặt ra vấn đề: Cần sớm xây dựng nền mỹ học Việt Nam hiện đại, tạo điều kiện cho sự phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà trong kỷ nguyên mới.
Đây là ý kiến rất đáng suy ngẫm khi chúng ta đang chứng kiến rất nhiều sự lúng túng trong phát triển văn học, nghệ thuật; chứng kiến rất nhiều sự lúng túng trong sáng tác và hưởng thụ văn học, nghệ thuật nước nhà trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng vào thế giới toàn cầu hóa…
Ý nghĩa của việc xây dựng nền mỹ học hiện đại vì sự phát triển văn học, nghệ thuật đất nước
Xây dựng nền mỹ học Việt Nam hiện đại là nhiệm vụ cấp thiết và mang tính sống còn đối với sự phát triển của văn học, nghệ thuật nước nhà. Mỹ học không chỉ là nền tảng triết học về cái đẹp mà còn là kim chỉ nam, định hình cho tư duy sáng tạo và cảm thụ nghệ thuật trong mọi thời kỳ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi các giá trị văn hóa, nghệ thuật không ngừng giao thoa, việc kế thừa tư tưởng mỹ học truyền thống, giàu bản sắc dân tộc và tiếp thu tinh hoa của mỹ học hiện đại trở thành một bước đi quan trọng để định vị văn học, nghệ thuật Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Tư tưởng mỹ học truyền thống, vốn thấm nhuần triết lý nhân văn, tinh thần hòa hợp với thiên nhiên và lòng yêu chuộng cái đẹp bình dị, là một tài sản vô giá. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào truyền thống mà thiếu sự đổi mới, văn học, nghệ thuật dễ rơi vào lối mòn, thiếu sức sống trong thời đại đầy biến động và thách thức này. Ngược lại, việc cập nhật những xu hướng phát triển mới của thế giới không phải để hòa tan mà để làm giàu thêm, để người nghệ sĩ có được công cụ mới, ngôn ngữ mới trong biểu đạt và sáng tạo. Mỹ học hiện đại với những khái niệm đa chiều về cái đẹp, những phá cách trong hình thức thể hiện, chính là cầu nối giúp văn học, nghệ thuật Việt Nam bắt nhịp với hơi thở thời đại, đồng thời vẫn giữ được hồn cốt dân tộc.
Sự lúng túng trong sáng tác và thụ hưởng văn học, nghệ thuật nước nhà mà chúng ta đang chứng kiến hôm nay, phần lớn bắt nguồn từ sự thiếu vắng một hệ thống mỹ học hiện đại, thống nhất nhưng linh hoạt. Người sáng tác thiếu định hướng rõ ràng, người thưởng thức không tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc. Một nền mỹ học Việt Nam hiện đại không chỉ là kim chỉ nam dẫn đường, mà còn là nguồn cảm hứng, khơi dậy niềm tự hào và sáng tạo. Trong kỷ nguyên mới, khi ranh giới giữa các nền văn hóa ngày càng mờ đi, việc xây dựng nền mỹ học hiện đại chính là cách để Việt Nam khẳng định tiếng nói riêng, mạnh mẽ và độc đáo, giữa bản hòa ca của nhân loại.
Hệ lụy của sự thiếu vắng một nền mỹ học hiện đại
Sự thiếu vắng một nền mỹ học hiện đại đang gây ra những hệ lụy rõ rệt đối với nền văn học, nghệ thuật Việt Nam, không chỉ bộc lộ qua những lúng túng trong sáng tác mà còn qua sự khó khăn trong việc thụ hưởng nghệ thuật của công chúng.
Trong sáng tác, người nghệ sĩ thường đối mặt với tình trạng không biết tìm kiếm nguồn cảm hứng từ đâu và định hình tác phẩm theo hướng nào. Chẳng hạn, nhiều tiểu thuyết, phim ảnh hay kịch nghệ hiện nay dễ rơi vào khuynh hướng chạy theo thị hiếu thương mại, làm mất đi chiều sâu nghệ thuật. Một số bộ phim mang danh nghĩa “nghệ thuật” nhưng lại lạm dụng các yếu tố giật gân, bạo lực hoặc hình thức biểu hiện gây tranh cãi để thu hút sự chú ý, trong khi thiếu đi chiều sâu nội dung và thông điệp văn hóa bền vững. Ngược lại, có những tác phẩm cố gắng tôn vinh truyền thống nhưng lại sa vào lối mòn của sự giáo điều, thiếu đi tính sáng tạo, khiến chúng trở nên xa lạ với khán giả trẻ.
Ở chiều ngược lại, công chúng cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thụ hưởng các tác phẩm nghệ thuật hiện đại. Những thay đổi về hình thức và nội dung của nghệ thuật đôi khi quá đột ngột, không có hệ thống mỹ học dẫn dắt để giải thích và kết nối, khiến người xem cảm thấy bối rối, thậm chí quay lưng lại với nghệ thuật. Nhiều người phàn nàn rằng họ “không hiểu” các tác phẩm đương đại, từ tranh trừu tượng cho đến thơ hiện đại hay âm nhạc thử nghiệm, vì chúng thiếu đi sự gần gũi và tính thuyết phục. Tình trạng này đặc biệt rõ nét trong các lĩnh vực nghệ thuật thị giác và văn học hậu hiện đại, nơi mà sự phá cách trở thành xu hướng, nhưng lại không được định hướng bởi một nền tảng tư tưởng vững chắc.
Hơn nữa, trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự thiếu hụt nền mỹ học hiện đại khiến văn học, nghệ thuật Việt Nam khó lòng tìm được vị thế rõ nét trong dòng chảy nghệ thuật quốc tế. Nhiều tác phẩm khi ra mắt trên sân chơi toàn cầu bị đánh giá là thiếu cá tính hoặc quá lệ thuộc vào cách thể hiện của nước ngoài. Ví dụ, một số bộ phim hoặc tiểu thuyết có đề tài hiện đại nhưng lại sao chép phong cách của nước ngoài mà không tìm được ngôn ngữ riêng mang đậm hồn cốt Việt Nam. Điều này không chỉ làm giảm giá trị nghệ thuật của tác phẩm mà còn khiến văn học, nghệ thuật Việt Nam mất đi cơ hội khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo.
Quan trọng hơn, sự thiếu vắng nền mỹ học hiện đại còn làm giảm vai trò dẫn dắt của văn học, nghệ thuật trong đời sống xã hội. Những vấn đề lớn của thời đại như khủng hoảng môi trường, sự tha hóa của con người trong thời đại công nghệ, hay những mâu thuẫn văn hóa trong quá trình hội nhập, ít khi được thể hiện một cách sâu sắc và có tầm nhìn trong các tác phẩm nghệ thuật. Thay vào đó, nhiều sáng tác dừng lại ở sự phản ánh hời hợt, thiếu chiều sâu, không đủ sức chạm đến tâm thức cộng đồng. Sự lúng túng này, cả trong sáng tác lẫn thụ hưởng, cho thấy một khoảng trống cần được lấp đầy bằng việc xây dựng nền mỹ học hiện đại.
Hướng đến một nền mỹ học Việt Nam hiện đại tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Để xây dựng nền mỹ học hiện đại Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần một chiến lược toàn diện kết hợp giữa việc kế thừa giá trị truyền thống, tiếp thu tinh hoa mỹ học hiện đại từ thế giới và sự sáng tạo đổi mới phù hợp với thực tiễn. Trước hết, cần phải xác lập một hệ thống lý luận mỹ học Việt Nam, được hình thành từ chiều sâu văn hóa dân tộc. Hệ thống này không chỉ dựa trên các giá trị thẩm mỹ của ca dao, tục ngữ, nghệ thuật dân gian, mà còn phải tiếp cận các lý thuyết mỹ học hiện đại để đáp ứng với nhu cầu thời đại, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Để làm được điều này, các cơ quan quản lý và các viện nghiên cứu cần thúc đẩy việc nghiên cứu sâu về mỹ học và khuyến khích sự tham gia của các nghệ sĩ, nhà lý luận, các trường đại học trong việc phát triển nền mỹ học hiện đại Việt Nam.
Một phần quan trọng trong việc xây dựng nền mỹ học hiện đại là phải đầu tư vào giáo dục. Việc phổ cập mỹ học từ bậc phổ thông đến đại học sẽ giúp thế hệ trẻ không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn hiểu sâu sắc hơn về những giá trị thẩm mỹ của dân tộc. Bên cạnh đó, truyền thông đại chúng cần tích cực quảng bá và giải thích giá trị thẩm mỹ mới trong các loại hình nghệ thuật đương đại, như nghệ thuật thị giác, thơ hiện đại hay âm nhạc thử nghiệm, giúp công chúng dễ dàng tiếp cận và cảm nhận những tác phẩm nghệ thuật mới mẻ.
Đặc biệt, cần phải khuyến khích sự sáng tạo của nghệ sĩ dựa trên bản sắc dân tộc. Những tác phẩm mang đậm hồn cốt Việt Nam nhưng lại được thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại không chỉ giúp lan tỏa văn hóa Việt ra thế giới mà còn làm giàu thêm diện mạo nghệ thuật trong nước. Việc hỗ trợ sáng tác qua các quỹ, giải thưởng và các chương trình hỗ trợ sáng tạo sẽ giúp nghệ sĩ tự do thể hiện ý tưởng của mình, đồng thời giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, chính sách bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ và nghiên cứu mỹ học cũng rất quan trọng trong việc thúc đẩy sáng tạo và giúp các tác phẩm nghệ thuật đạt đến giá trị cao cả về mặt nội dung và hình thức.
Việc hội nhập văn hóa quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa không có nghĩa là chúng ta phải hòa tan bản sắc dân tộc. Nền mỹ học hiện đại cần phải tạo ra một hệ thống vững vàng để giúp người nghệ sĩ tự tin khẳng định những câu chuyện, giá trị và tinh thần Việt Nam trong các sáng tác của mình. Điều này có thể thực hiện được thông qua các diễn đàn, liên hoan, và các sự kiện văn hóa quốc tế, nơi nghệ sĩ Việt Nam có thể giao lưu, học hỏi và giới thiệu văn hóa dân tộc với bạn bè quốc tế.
Cuối cùng, công nghệ sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển nền mỹ học hiện đại. Trong thời đại công nghệ số, việc kết hợp nghệ thuật với các công cụ công nghệ mới như thực tế ảo (VR) và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ mở ra một không gian sáng tạo mới mẻ, đồng thời giúp tác phẩm nghệ thuật dễ dàng tiếp cận và gây ấn tượng mạnh mẽ hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Như vậy, xây dựng nền mỹ học hiện đại Việt Nam không chỉ là một nhiệm vụ lý luận mà còn là nhu cầu thiết thực để tạo ra sự nở rộ của vườn hoa muôn sắc hương của văn học, nghệ thuật nước nhà, giúp nền văn hóa Việt Nam khẳng định được vị thế trong kỷ nguyên mới.