Xác định tiêu chí di tích Hang Con Moong đề cử Danh mục Di sản thế giới

VHO - Hội thảo khoa học “Đánh giá khả năng đề cử và xác định Tiêu chí xây dựng hồ sơ Di sản thế giới Hang Con Moong, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa” thu hút 43 tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, di sản, địa chất, môi trường, du lịch, cùng một số đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng hồ sơ Di sản thế giới.

Xác định tiêu chí di tích Hang Con Moong đề cử Danh mục Di sản thế giới - Anh 1

Hội thảo khoa học “Đánh giá khả năng đề cử và xác định Tiêu chí xây dựng hồ sơ Di sản Thế giới Hang Con Moong, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa”

Ngày 8.4, tai Thanh Hóa, Sở VHTTDL Thanh Hóa phối hợp với Viện Khảo cổ học và Hội Khảo cổ học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá khả năng đề cử và xác định Tiêu chí xây dựng hồ sơ Di sản Thế giới Hang Con Moong, huyện Thạch Thành”.

Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, nhà khoa học về khả năng đề cử và xác định Tiêu chí xây dựng hồ sơ Di sản Thế giới Hang Con Moong và các di tích phụ cận, trước hết là cơ sở khoa học để giới thiệu với chuyên gia tư vấn quốc tế về tính khả thi của Hồ sơ khoa học di tích Hang Con Moong và phụ cận.

Hội thảo thu hút hơn 150 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Các tham luận này đi sâu phân tích diễn biến về di tích, di vật, táng thức, thành phần động vật, chủng tộc người, kết cấu trầm tích theo độ sâu trên 10m của địa tầng Hang Con Moong; khái quát các kết quả khai quật, nghiên cứu một số di tích liên quan trực tiếp đến Hang Con Moong, cung cấp những thông tin tư liệu cụ thể để tìm hiểu về quan hệ nguồn gốc, thế thứ giữa các hang với nhau; các vấn đề địa chất, địa mạo, các hang động karst, vấn đề cổ môi trường, cổ khí hậu, cổ từ cảm, thành phần động thực vật trong các di tích và đa dạng sinh học khu vực Hang Con Moong; vấn đề biên soạn Hồ sơ di sản Thế giới và Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, khai thác du lịch khu di sản Hang Con Moong và phụ cận…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng cho biết, Thanh Hóa là vùng địa linh nhân kiệt, với hệ thống các di tích khảo cổ từ tiền sử đến lịch sử phong phú, đa dạng và đặc sắc. Toàn tỉnh hiện có hơn 1500 di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh; trong đó có, 856 di tích đã được xếp hạng, gồm: 01 di sản văn hóa Thế giới là Thành Nhà Hồ, 05 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia và 711 di tích cấp tỉnh.

Xác định tiêu chí di tích Hang Con Moong đề cử Danh mục Di sản thế giới - Anh 2

Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng phát biểu khai mạc Hội thảo

Hang Con Moong là di tích khảo cổ học tiền sử đặc sắc nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á với địa tầng dày 3,6m, chứa đựng diễn tiến các nền văn hóa tiền sử, từ Đá cũ sang Đá mới. Năm 2007, Hang Con Moong được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng là di tích quốc gia. Năm 2008, di tích hang Con Moong đã được khảo sát thực địa, chuẩn bị tư liệu xây dựng Hồ sơ Di sản văn hóa thế giới. Trong các năm từ 2010 đến 2014, Hang Con Moong và các di tích xung quanh đã được khai quật, kết quả thu được khối lượng tư liệu mới, đồ sộ, cung cấp nhiều bằng chức khoa học về diễn biến văn hóa từ 74.000 năm đến 7.000 năm trên địa tầng dày 10,14m. Đến năm 2015, Hang Con Moong và phụ cận đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt, đồng thời phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích vào năm 2020.

“Sau nửa thế kỷ phát hiện và nghiên cứu, hiện nay di tích Hang Con Moong và phụ cận tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn đưa vào lộ trình xây dựng Hồ sơ Di sản Thế giới. Đây là niền vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao của nhân dân các dân tộc Thanh Hóa đối với tiền nhân”, ông Hồng nhấn mạnh.

Xác định tiêu chí di tích Hang Con Moong đề cử Danh mục Di sản thế giới - Anh 3

Phó Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam Bùi Văn Liêm báo cáo đề dẫn Hội thảo

Tại Hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tập trung đánh giá thực trạng và những giá trị nổi bật toàn cầu của di tích Hang Con Moong và phụ cận, trên cơ sở kết quả khai quật, nghiên cứu nửa thế kỷ qua và kết quả khảo sát mới đây; chia sẻ những kinh nghiệm, bài học về khả năng đề cử, xác định tiêu chí xây dựng hồ sơ Di sản Thế giới, cũng như các nguồn tư liệu cần và đủ để chứng minh cho tính nguyên vẹn, tính chân xác, qua đó xác định không gian vùng lõi, vùng đệm hợp lý cho một di sản Thế giới như Hang Con Moong và phụ cận…

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc