Vinh danh tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh

KHÁNH CHI

VHO - Bộ VHTTDL vừa ban hành quyết định đưa “Tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh” tại huyện Nam Trà My, (Quảng Nam) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Qua đó, khẳng định giá trị đặc biệt của “quốc bảo” sâm Ngọc Linh, đồng thời tôn vinh kho tàng tri thức bản địa quý giá của đồng bào vùng cao, nơi gìn giữ và trao truyền kinh nghiệm chăm sóc, khai thác sâm qua nhiều thế hệ.

 Việc ghi danh là bước tiến quan trọng trong hành trình bảo tồn di sản gắn với phát triển bền vững vùng sâm Nam Trà My.

Vinh danh tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh - ảnh 1
Thực hiện nghi thức trong lễ rước Thần Sâm truyền thống của đồng bào trồng sâm Quảng Nam

Di sản sống giữa đại ngàn

Tri thức dân gian về khai thác, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My là vốn quý truyền đời và là minh chứng sinh động cho sự hòa hợp sâu sắc giữa con người với đại ngàn.

Hình thành từ nền nông nghiệp nương rẫy và văn hóa rừng lâu đời, kho tàng tri thức được kết tinh từ kinh nghiệm, niềm tin và tình yêu thiên nhiên của bao thế hệ người dân tộc thiểu số nơi đây - đặc biệt là đồng bào Xơ Đăng.

Được mệnh danh là “cây thuốc giấu”, sâm Ngọc Linh không chỉ là dược liệu quý hiếm nằm trong Sách đỏ Thực vật Việt Nam, mà còn thuộc top 5 nhân sâm tốt nhất thế giới. Năm 2017, sâm Ngọc Linh chính thức được Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia.

Tại Quảng Nam, sâm mọc tự nhiên ở độ cao từ 1.500-2.100m trên dãy núi Ngọc Linh, tập trung nhiều ở xã Trà Linh và các xã lân cận như Trà Nam, Trà Cang, Trà Dơn...

Từ thời ông cha đi rừng đặt bẫy, người Xơ Đăng đã sớm phát hiện công dụng thần diệu của “thuốc giấu” vừa để trị bệnh, vừa là “bùa hộ thân”. Ban đầu, sâm được giữ kín như một bí mật gia truyền. Nhưng theo thời gian, tri thức về nhận biết, thu hái, trồng, chăm sóc và chế biến sâm được chia sẻ, lan tỏa trong cộng đồng.

Từ vài chục hộ trồng ban đầu vào những năm 1990, đến nay, đã có hơn 500 hộ trồng sâm ở 7/10 xã toàn huyện Nam Trà My. Các chốt bảo vệ rừng sâm cũng dần hình thành, góp phần giữ gìn nguồn gen quý và bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Không dừng lại ở kỹ thuật canh tác, hệ tri thức này còn là biểu hiện sống động của sự đoàn kết cộng đồng. Từ người Xơ Đăng đến người Ca Dong, người Kinh, các tộc người cùng sinh sống, chia sẻ và tiếp biến kinh nghiệm lẫn nhau, tạo thành kho tri thức chung bền vững. Mỗi bước thực hành di sản là một lần gắn kết giữa người với người, giữa con người với rừng núi, giữa miền xuôi và miền ngược...

Hành trình đánh thức “quốc bảo”

Từ năm 2017, Lễ hội sâm Ngọc Linh được tổ chức định kỳ vào tháng 8 hằng năm tại huyện Nam Trà My, trở thành ngày hội văn hóa đặc sắc, kết nối cộng đồng và quảng bá thương hiệu “quốc bảo” Việt Nam.

Các hoạt động lễ hội gắn liền với trình diễn văn hóa truyền thống của các dân tộc Ca Dong, Mơ Nông, Xơ Đăng, đặc biệt là nghi thức rước Thần Sâm - tái hiện tín ngưỡng gắn bó mật thiết giữa con người và đại ngàn.

Cũng từ năm 2017 đến nay, phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng dược liệu được tổ chức định kỳ mỗi tháng đã mang lại hiệu quả rõ nét, góp phần tạo nguồn thu ổn định cho người trồng sâm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong việc mua sắm sâm, các sản phẩm từ sâm và đặc sản địa phương.

Năm 2019, huyện mở tuyến du lịch tham quan vườn sâm Tắk Ngo, mở ra hướng phát triển du lịch sinh thái, kết nối vùng đồng bằng và miền núi phía Tây Quảng Nam.

Năm 2020, đền Thần Sâm được khánh thành tại làng Kon Pin, trở thành điểm tựa tâm linh và văn hóa, nơi hằng năm tổ chức lễ cúng Thần Sâm vào ngày 27.7, tưởng nhớ các bậc tiền nhân khai sơn phá thạch, mở lối cho nghề trồng sâm.

Sâm Ngọc Linh đã trở thành “kinh tế mũi nhọn” giúp người dân Nam Trà My thoát nghèo, làm giàu bền vững trên chính mảnh đất quê hương. Tính đến nay, toàn huyện có trên 500 người nắm giữ kỹ thuật, kinh nghiệm quý báu về khai thác, trồng, chế biến và sử dụng sâm Ngọc Linh - một lực lượng “nghệ nhân di sản” góp phần giữ gìn và lan tỏa tri thức bản địa.

Huyện Nam Trà My đã hoàn tất thủ tục cho thuê 806,38 ha môi trường rừng để trồng sâm, với 533 hộ dân và 18 doanh nghiệp tham gia. Trong đó, 22 nhóm hộ và công ty hiện đang kết hợp trồng, chế biến, kinh doanh sâm, từng bước hình thành chuỗi giá trị bền vững.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực” (Quyết định số 463/QĐ-TTg ngày 28.2.2025).

Hướng tới quý III năm nay, Quảng Nam dự kiến tổ chức Lễ hội sâm Ngọc Linh quốc tế lần thứ nhất - bước ngoặt khẳng định vị thế sâm Việt trên bản đồ dược liệu thế giới.