Lễ hội sâm lần thứ 6 năm 2024:

Ngọc Linh - Mãi mãi tự hào!

THU HOÀI; ảnh: TPSNL

VHO - Tại Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 6 năm 2024, tỉnh Quảng Nam sẽ công bố quyết định của Bộ VHTTDL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tri thức dân gian về khai thác, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Ngọc Linh - Mãi mãi tự hào! - ảnh 1
Lễ hội Sâm Ngọc Linh đã trở thành sự kiện văn hóa đặc sắc, có thương hiệu của huyện Nam Trà My

 Mang lại doanh thu hàng chục tỉ đồng

Theo thông tin từ UBND huyện Nam Trà My, sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 1 - 3.8 tại Trung tâm giới thiệu, tổ chức hội chợ, phiên chợ sâm Ngọc Linh (thôn 1, xã Trà Mai). Tại đây sẽ diễn ra các hoạt động như: Lễ rước biểu tượng sâm Ngọc Linh; Chương trình Khai mạc lễ hội; Phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu miền núi; Hội thi trình diễn Cây nêu; Công bố biểu trưng của huyện Nam Trà My; Hội thi sâm Ngọc Linh; các gian hàng ẩm thực miền núi; tổ chức trò chơi dân gian…

Được tổ chức định kỳ hằng năm, bắt đầu từ 2017, đến nay Lễ hội sâm Ngọc Linh đã trở thành sự kiện văn hóa đặc sắc, thu hút hàng ngàn người dân và du khách tham dự. Đặc biệt, đây là hoạt động có ý nghĩa to lớn đối với huyện Nam Trà My, giúp kích cầu tiêu thụ sản phẩm sâm Ngọc Linh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. Thông qua đó nhằm quảng bá sâm Ngọc Linh đến với người dân trong nước và bạn bè quốc tế; giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của vùng đất và con người Nam Trà My; kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường rừng; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo tiền đề phát triển du lịch và kinh tế - xã hội…

Qua 5 lần tổ chức, mỗi mùa lễ hội đã mang lại doanh thu hàng chục tỉ đồng cho đồng bào Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông, giúp bà con từng bước tiếp cận phương thức kinh doanh, trao đổi hàng hóa để tăng thu nhập cho gia đình. Đồng thời, giới thiệu đến du khách các nét đặc sắc về văn hóa của đồng bào các DTTS miền núi Nam Trà My để phục vụ phát triển du lịch.

Đặc biệt, tại Lễ hội lần thứ 6 sắp diễn ra, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức lễ công bố Quyết định của Bộ VHTTDL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tri thức dân gian về khai thác, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đây là sự kiện đặc biệt ý nghĩa đối với người dân vùng sâm, công nhận tri thức dân gian có giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc gắn liền với nền nông nghiệp nương rẫy và kinh tế rừng là minh chứng cho sự gắn bó, gần gũi và hòa hợp với môi trường thiên nhiên của cộng đồng cư dân nơi đây. Qua đó, tạo điều kiện để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của kho tàng tri thức dân gian nghề nghiệp quý giá, vừa mang giá trị văn hóa, vừa có ý nghĩa to lớn về phát triển kinh tế - xã hội.

Tập trung bảo tồn nguồn gen quý hiếm

Sống dựa vào thiên nhiên nên từ xa xưa đồng bào các dân tộc cư trú quanh dãy núi Ngọc Linh, đặc biệt là đồng bào dân tộc Xơ Đăng đã biết đến một loài cây thuốc quý mọc trong các khu rừng nguyên sinh, dân gian gọi là “thuốc giấu”. Với đồng bào, đây là loại thần dược có tác dụng chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe rất tốt. Qua quá trình thực hành di sản, cộng đồng địa phương đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu, hình thành nên hệ thống tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh khá hoàn chỉnh.

Việc tiếp cận, nhân giống, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh mang lại giá trị kinh tế rất cao, cho thấy sự thay đổi, phát triển về tập quán sản xuất từ khai thác, hái lượm sang tập trung, đầu tư thâm canh chuyên sâu, nhờ đó một bộ phận người dân huyện Nam Trà My đã thoát nghèo bền vững.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số kiến nghị, đề xuất liên quan đến chủ trương về chương trình phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đề xuất Bộ VHTTDL thống nhất tổ chức Lễ hội sâm quốc gia tại Quảng Nam vào năm 2025; Chương trình phát triển du lịch Sâm Việt Nam.

Được biết, hiện huyện Nam Trà My đang tập trung bảo tồn nguồn gen quý hiếm và hình thành vùng trồng cây dược liệu, sâm Ngọc Linh theo quy mô tập trung. Vùng sâm được quy hoạch khoảng 15 nghìn héc ta tại 7 xã của huyện, hiện đã có hơn 1.500 hộ dân đăng ký trồng với tổng diện tích hơn 1.650 héc ta; thu hút 18 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu dưới tán rừng, với diện tích đăng ký gần 342 héc ta. Đồng thời, ban hành kế hoạch triển khai Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến 2045.

Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, địa phương xác định đẩy mạnh việc trồng sâm Ngọc Linh nói riêng và cây dược liệu nói chung tại các huyện trung du, miền núi... là hướng ưu tiên để phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo. Đồng thời cũng xác định việc phát triển cây sâm kết hợp các tour du lịch là một trong những điều kiện để thúc đẩy kinh tế vùng sâm.

Huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và huyện Tu M’rông (Kon Tum) cũng định hướng xây dựng quần thể du lịch giữa hai huyện. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng, số lượng du khách tìm đến chưa nhiều, nhà đầu tư còn e ngại nên đến nay dự án vẫn chưa thành hiện thực.