Vì tình yêu Hà Nội, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính nhận Giải thưởng Lớn
VHO - Giải thưởng Lớn, hạng mục quan trọng nhất tại giải "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" năm 2024 đã được trang trọng trao cho GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, người luôn dành tình yêu và đau đáu với Hà Nội, vì Hà Nội.
Lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội đã diễn ra ngày 8.10.2024 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) với 4 giải thưởng được trao trên tổng số 9 đề cử chính thức.
Sâu nặng với tình yêu Hà Nội
Hạng mục quan trọng nhất - Giải thưởng Lớn - đã được trao cho GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính. Bên cạnh đó là 3 giải đồng hạng mang tên Giải Tác phẩm, Giải Ý tưởng, và Giải Việc làm.
Chia sẻ sự xúc động khi đón nhận Giải thưởng Lớn, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính bày tỏ, ông trân trọng và cảm ơn những ghi nhận của Hội đồng giám khảo đối với những công việc ông đã làm trong hơn nửa thế kỷ qua, gắn với trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa.
“Tôi không phải là “hiệp sĩ của những di tích kiến trúc” như mọi người đã gọi, tôi chỉ là một nhà chuyên môn, vì tình yêu và sự say đắm để theo đuổi suốt cả cuộc đời công việc bảo tồn và tu bổ di tích, trong đó có việc tạo dựng mái che cho 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám”, GS. Hoàng Đạo Kính chia sẻ.
Ở tuổi ngoài 80, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính vẫn chưa thôi trăn trở với công việc bảo tồn, tu bổ di tích.
Hiếm có một KTS nào dành cả đời chuyên tâm với công việc bảo tồn di tích và di sản văn hóa như ông. Gần 50 năm qua, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính đã ghi dấu trí tuệ của mình ở nhiều công trình văn hóa kiến trúc trên cả nước.
Sự nghiệp của KTS Hoàng Đạo Kính phủ rộng, trải dài từ Bắc vào Nam với công việc bảo tồn và tu bổ nhiều hệ thống di tích điển hình ở Hà Nội, Huế, Hội An, Mỹ Sơn…
Ở bề sâu, ông gắn bó sâu nặng với nơi “chôn nhau cắt rốn” Hà Nội bằng một tình yêu đặc biệt dành cho những di tích lịch sử, di sản văn hóa là biểu tượng của thành phố ngàn năm.
Ông bộc bạch: “Tôi gắn bó nhiều hơn cả vẫn là với Hà Nội, gắn bó cả trong công việc chuyên môn lẫn trong suy nghĩ. Song, những việc mà tôi đã làm được cho Hà Nội có lẽ chưa nhiều. Dẫu sao, tôi cũng đã dành nhiều công sức, thời gian để lo toan cho những di tích của Hà Nội, được bao nhiêu tôi cũng lấy làm toại nguyện”.
Khiêm tốn là thế, nhưng những đóng góp của ông với di tích Hà Nội là cả một khối lượng công việc đồ sộ. Tiêu biểu có thể kể đến những đóng góp của GS. Hoàng Đạo Kính với vai trò chủ trì tu bổ đình Tây Đằng, chùa Kim Liên, chùa Tây Phương, chùa Thầy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà hát Lớn Hà Nộ… Đây đều là những di tích tiêu biểu định danh cho những giá trị lịch sử, văn hóa trường tồn của Hà Nội qua thời gian.
Tại đình Tây Đằng, một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam, ngót 500 năm tuổi nằm ở huyện Ba Vì, Hà Nội, KTS Hoàng Đạo Kính phụ trách việc trùng tu ở thời điểm ông còn rất trẻ (vào cuối những năm 1970). Đây cũng là công trình trùng tu khoa học đầu tiên ở Việt Nam đối với một di tích kiến trúc gỗ.
“Đến nay, có thể nói, việc trùng tu đình Tây Đằng cuối những năm 70 ở Hà Nội và ở Việt Nam đã hình thành những quan điểm, bài bản trùng tu của các di tích kiến trúc gỗ. Có chuyên gia quốc tế gọi đó là “trường phái Việt Nam”, ông nói.
Với việc bảo tồn và trùng tu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đóng góp quan trọng của KTS Hoàng Đạo Kính phải kể tới việc tạo dựng mái che cho 82 bia Tiến sĩ.
Những năm 1990, có nhiều phương án được đưa ra để bảo quản các tấm bia vô giá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám khỏi những tác động của môi trường, thời tiết.
Nhưng ông Hoàng Đạo Kính và các cộng sự đã đưa ra phương án tạo các mái che, tương tự nhà bia trong kiến trúc cổ truyền, vừa không tương phản và vừa không mạo hiểm, lại dễ thực hiện.
“Để tránh tạo ra những nhà che bia có kích thước lớn, thách thức Khuê Văn Các và không gian sân thứ 3, chúng tôi chia thành 2 dãy, 8 nhà che bia, ăn nhập về tỷ lệ xích với quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám”, KTS Kính nhớ lại.
Nhà che bia Tiến sĩ đã thực sự trở thành một bổ sung quan trọng, tương thích với diện mạo lịch sử nhiều thế kỷ của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mà không phải ai cũng biết công trình này mới có tuổi đời hơn 30 năm.
Với Nhà hát Lớn Hà Nội, chủ trì dự án trùng tu công trình, KTS Hoàng Đạo Kính cũng đặt vấn đề thống nhất với quan điểm bảo tồn di tích và di sản văn hóa xuyên suốt trong sự nghiệp của ông, đó là giữ gìn tính nguyên gốc. Tu bổ, nâng cấp phải khắc phục được tình trạng xuống cấp và khẳng định giá trị hiện hữu của Nhà hát Lớn Hà Nội. Phải làm cho di tích khỏe hơn, đẹp hơn và giữ được tối đa những giá trị nguyên gốc.
“Chúng ta vào Nhà hát Lớn Hà Nội hôm nay sẽ không thấy có quá nhiều sự thay đổi. Nhưng thực chất, công việc trùng tu đã đặt vào nó hàng trăm tấn thiết bị hiện đại vừa đáp ứng được yêu cầu tu bổ, vừa nâng cấp được chức năng của công trình. Hiện nay, Nhà hát Lớn Hà Nội đã trở thành một công trình tỏa sáng phục vụ tốt những nhu cầu hiện đại mà vẫn giữ được vẻ đẹp ban đầu của nó từ bên ngoài tới bên trong”, theo KTS Hoàng Đạo Kính.
Đau đáu giữ gìn tinh hoa văn hóa Hà Nội
GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của Hà Nội hôm nay với nhiều vấn đề đặt ra về quản lý đô thị và xây dựng tầm vóc, vị thế của Thủ đô. Theo ông, Hà Nội không còn quá lo về việc giữ gìn những công trình di tích văn hóa lịch sử, kiến trúc nghệ thuật. Bởi công việc này đã được quan tâm ở một mức độ nhất định và đã có những kết quả khả thi.
“Cái lo nhất hiện nay là làm sao để giữ Hà Nội là một thành phố đặc sắc trước bối cảnh cạnh tranh đô thị diễn ra ở nhiều thành phố trong cả nước và trên thế giới. Hà Nội phải đặc sắc để cạnh tranh. Nhưng quan trọng hơn, Hà Nội còn phải là thành phố tinh hoa, mà trước tiên là tinh hoa văn hóa”, ông nói.
Ở tuổi ngoài 80, KTS Hoàng Đạo Kính vẫn đau đáu với Hà Nội như thế. Mạch nguồn của tình yêu Hà Nội trong ông có lẽ được xuất phát phần nhiều từ truyền thống gia đình.
Trên tủ sách của gia đình, KTS Hoàng Đạo Kính vẫn giữ lại nhiều trước tác thân phụ ông - nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy - trong đó nổi bật phải kể đến những tác phẩm đặc biệt có giá trị về Hà Nội của nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy như: Thăng Long Đông Đô Hà Nội, Phố phường Hà Nội xưa, Người và cảnh Hà Nội, Hà Nội thanh lịch,…
Có lẽ cũng nhờ những trước tác này mà KTS Hoàng Đạo Kính có điều kiện đào sâu tường tận về văn hóa và con người Hà Nội. Và ý thức về trách nhiệm cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Hà Nội đến với ông một cách rất đỗi tự nhiên.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính sinh năm 1941 tại Hà Nội. Ông học trung học và đại học, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Moskva.
Ông chủ trì tu bổ đình Tây Đằng, chùa Kim Liên, chùa Bút Tháp, chùa Tây Phương, chùa Thầy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, quần thể kiến trúc cung đình Huế, hệ thống tháp Chăm, phố cổ Hội An, làng cổ Phước Tích, Nhà hát Lớn Hà Nội... Chủ trì thiết kế chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc, hệ thống chùa ở Sa Pa, đền thờ Bác Hồ ở Đá Chông...
Ông tham gia đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ ở Viện Khảo cổ học, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Kiến trúc TP.HCM, Đại học KHXH & NV- Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Sách đã xuất bản của ông có thể kể đến: Kiến trúc các nước Đông Dương, tiếng Nga, Moskva, năm 1988; Di sản văn hóa - Bảo tồn và trùng tu, NXB Văn hóa - Thông tin, năm 2002; Ngõ phố người đời, NXB Văn học, năm 2008; Văn hóa kiến trúc, NXB Tri thức, năm 2012.
Ngoài làm công việc chuyên môn ông còn vẽ tranh. Ông đã có triển lãm ở Hà Nội, TP HCM, Huế và Ba Lan.
Từ tình yêu tới những việc làm cụ thể
Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm nay diễn ra vào dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024). Điều đặc biệt là năm nay, lễ trao giải thưởng lần đầu tiên được tổ chức tại không gian linh thiêng của di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu- Quốc Tử Giám.
Từ 54 hồ sơ đề cử ban đầu, qua các vòng sơ khảo, chung khảo, Hội đồng giám khảo đã thông qua Danh sách đề cử chính thức của mùa giải, gồm 9 đề cử, trên 4 hạng mục.
Kết quả cuối cùng, bên cạnh Giải thưởng Lớn trao cho GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính, BTC đã trao Giải tác phẩm cho Cuốn sách Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) của Đào Thị Diến do NXB Hà Nội và Nhã Nam xuất bản.
Giải việc làm: Quảng bá du lịch Hà Nội qua MV Going Home của nghệ sĩ saxophone Kenny G do báo Nhân dân và IB Group Việt Nam thực hiện
Giải ý tưởng: “Đồ án cải tạo, chỉnh trang không gian, cảnh quan xung quanh hồ Thiền Quang và phụ cận” do UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức nghiên cứu và xây dựng vào năm 2023.
Phát biểu tại lễ trao giải, Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang nhấn mạnh, qua các đề cử, chúng ta thấy rằng, tình yêu với Hà Nội không bó hẹp trong bất kỳ một lĩnh vực cụ thể nào. Tình yêu đó có thể được xuất phát từ những nỗ lực kéo dài hàng chục năm của một nhà nghiên cứu trong việc tìm kiếm một chân dung Hà Nội trong quá khứ qua các tài liệu lưu trữ, cả ở Việt Nam và Pháp.
Tình yêu đó là của một nhà văn, nhà hoạt động chính trị người Mỹ, người từng đến Hà Nội từ hơn nửa thế kỷ trước, giữa lúc cuộc chiến tranh còn đang rất cam go, để giúp dư luận thế giới hiểu hơn về Việt Nam qua những ghi chép vô cùng chân thực...
Những đề cử ở các hạng mục đều được đầu tư công phu, bài bản, với những cách thể hiện mới đầy sáng tạo.
“Trải qua từng mùa giải, đặc biệt là mùa giải năm nay, Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội ngày càng có tác động xã rộng lớn. Tình yêu với Hà Nội không chỉ gói gọn trong những đề cử, những Giải thưởng được trao mà đã trở thành những hành động, việc làm cụ thể, có ý nghĩa với Thủ đô”, Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang khẳng định.