Vi phạm bảng, biển quảng cáo tiếng nước ngoài: Liệu có “nhờn luật”?
VHO- Sau khi báo chí phản ánh tình trạng vi phạm, lạm dụng bảng, biển quảng cáo tiếng nước ngoài tại TP. Đà Nẵng, Thanh tra Sở VHTT Đà Nẵng và các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đã tiến hành kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh có bảng, biển tiếng nước ngoài sai phạm. Qua đó phát hiện, lập biên bản hàng loạt trường hợp sai phạm.
Xử lý bảng biển vi phạm ở Q. Ngũ Hành Sơn
Tuy nhiên qua trao đổi với các cơ quan chức năng thì có thể thấy, cách xử lý phổ biến mới chỉ dừng lại ở câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” là nhắc nhở.
Cố tình tái phạm
Trên địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn, từ ngày 1 - 4.10, lực lượng chức năng quận này đã xử lý khoảng 35 trường hợp vi phạm là các nhà hàng, cơ sở massage, quán ăn… có biển hiệu in hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc. Chiều ngày 5.10, phòng Văn hóa - Thông tin quận Ngũ Hành Sơn đã mời 20 chủ cơ sở vi phạm lên làm việc, ký cam kết chấm dứt vi phạm và đưa ra thời gian khắc phục sai phạm. Sau 20.10, nếu không khắc phục sẽ tiến hành xử phạt.
Theo ông Đặng Công Đá, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Q. Ngũ Hành Sơn, tình trạng bảng biển quảng cáo vi phạm năm nay nhiều hơn, nguyên nhân là do Ngũ Hành Sơn là địa bàn du lịch, mỗi ngày xuất hiện rất nhiều cơ sở kinh doanh mới không nắm luật nên không tránh khỏi chuyện vi phạm. Sự thờ ơ của những cá nhân, đơn vị nắm luật, biết luật nhưng không tuyên truyền phổ biến cho cơ sở kinh doanh khi lắp bảng, biển khiến tình trạng vi phạm càng phổ biến. “Có nhiều trường hợp cố tình vi phạm, thậm chí tái phạm, nhưng cũng không ít trường hợp sai phạm do không biết Luật Quảng cáo, ví dụ như những đơn vị thi công làm bảng biển, họ biết rõ ràng kích thước, vị trí chữ phải làm như thế nào nhưng họ không nói cho chủ cơ sở kinh doanh, cơ sở yêu cầu sao họ làm y vậy chứ không tư vấn để cơ sở đó làm cho đúng quy định. Nếu được tư vấn và hướng dẫn thì chắc chắn cơ sở kinh doanh sẽ biết để yêu cầu cho đúng về kích thước hay về tiếng nước ngoài. Đằng này người thi công thì cứ làm thinh lấy tiền, chủ cơ sở thì một là không biết, hai là cũng không quan tâm và không nắm bắt về Luật Quảng cáo. Đợt này chúng tôi ra quân chậm mà chắc, năm ngoái làm khác, năm nay chúng tôi làm triệt để không xuê xoa, không bỏ sót trường hợp nào, cái nào không đúng quy định là lập biên bản xử lý”, ông Đá nói và cho biết thêm, một số trường hợp tái sai phạm đã bị thanh tra Sở nhắc nhở nhưng họ vẫn chây ì không chấp hành.
Không để “chuyện đã rồi”
Đại diện các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn lý giải, tình trạng vi phạm về bảng biển tiếng nước ngoài có dấu hiệu tăng ngoài những nguyên nhân khách quan như sự xuất hiện thêm các cơ sở kinh doanh tại địa bàn du lịch, kèm theo tâm lý muốn thu hút khách du lịch nước ngoài của các cơ sở kinh doanh, thì sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng cũng chưa hiệu quả, xử phạt chưa có tính răn đe, khiến nhiều chủ cơ sở kinh doanh còn chây ì “nhờn luật”, tái phạm nhiều lần. “Khi thành lập hộ cá thể ở các quận, huyện, người dân đến Phòng Tài chính liên hệ thành lập doanh nghiệp thì Phòng Tài chính sẽ tuyên truyền hướng dẫn làm pano, biển hiệu cụ thể, chúng tôi không biết Sở KH&ĐT có tuyên truyền cho người dân hay không, nhưng khi họ thành lập DN thì ngành văn hóa quận không biết để nhắc nhở, đến khi doanh nghiệp khai trương, đi vào hoạt động thì là “chuyện đã rồi”, lúc đó chúng tôi đi gửi tờ rơi tuyên truyền, yêu cầu họ làm lại chứ họ vừa khai trương mình cũng không thể xử lý ngay, vì chính quyền cũng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn phát triển. Hiện nay vấn đề phối hợp cũng chưa đồng bộ”, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin Q. Sơn Trà Võ Thị Phương nói.
Trao đổi với Văn Hoá, ông Hà Vỹ - Phó Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng cho rằng các quận, huyện cũng thường xuyên tăng cường kiểm tra, nhưng vì lực lượng thanh tra quá mỏng, lại nhiều việc nên việc phát hiện và xử lý những trường hợp sai phạm có lúc chưa kịp thời! “Gần đây thanh tra cũng tiến hành đi kiểm tra nhưng chủ yếu là nhắc nhở, có một số trường hợp họ không vi phạm mà họ đặt tên doanh nghiệp theo các ký tự Alphabet, hoặc tên thương hiệu không thể thay thế chứ không theo chữ quốc ngữ như của mình, trong trường hợp đó thì bảng hiệu của họ gần như tiếng nước ngoài”, ông Vỹ nói.
Khi đặt câu hỏi về cách xử lý rốt ráo những bảng, biển hoàn toàn bằng tiếng Hàn Quốc, tiếng Trung Quốc, Phó Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng thừa nhận những bảng biển đó rõ ràng đã vi phạm, đặc biệt ở những khu vực cónhiều điểm du lịch. Ông Hà Vỹ cho rằng ở những nơi trọng điểm nhiều khách du lịch ngoại quốc thì để bảng hiệu nước ngoài sẽ giúp cơ sở kinh doanh thuận lợi hơn, tuy nhiên cơ sở kinh doanh cũng phải biên tập bảng hiệu cho phù hợp theo luật: “Theo nghị định thì có nhiều mức xử phạt, mức phạt trong quảng cáo cũng rất cao nhưng trong những trường hợp vi phạm gần đây thì cơ quan chức năng chủ yếu là nhắc nhở, sau đợt này sẽ kiên quyết trong việc xử lý. Đối với những trường hợp sai phạm quy mô lớn thì có thể kết hợp giữa lực lượng Thanh tra sở, Thanh tra thành phố với các quận, huyện để kiểm tra xử lý theo dõi những đơn vị có dấu hiệu chây ì”.
NGỌC HÀ