Văn Miếu - Quốc Tử Giám với giáo dục, đào tạo nhân tài nơi vùng quê hiếu học
VHO - Ngày 1.11 tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội thảo khoa học “Văn Miếu - Quốc Tử Giám với giáo dục, đào tạo nhân tài vùng Tiên Điền - Lai Thạch (Hà Tĩnh) đã được Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Chi hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Hà Tĩnh tổ chức.
Hội thảo thu hút đông đảo các nhà văn hóa, khoa học, các chuyên gia cùng những người con của vùng quê hiếu học Tiên Điền - Lai Thạch.
Đề dẫn hội thảo, TS. Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẳng định, trải qua các giai đoạn lịch sử, cho đến ngày nay, mặc dù nền giáo dục nước nhà đã thay đổi song vai trò và giá trị của Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn luôn được đề cao, tôn vinh.
Nhiều công trình nghiên cứu, làm rõ vị trí, vai trò của Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được triển khai, khẳng định rõ tầm quan trọng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong lịch sử đối với nền giáo dục, khoa cử, với thành quả đào tạo nhân tài cho đất nước.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Văn Tú, một trong những thành quả quan trọng, cũng là vai trò của Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong việc quản lý, phát triển nền giáo dục ở các vùng quê, địa phương đến nay vẫn còn chưa được làm sáng tỏ.
Trong lịch sử, có nhiều vùng quê, làng quê, dòng họ có những thành quả nổi bật trong việc đào tạo nhân tài, trở thành làng quê, vùng quê hiếu học, dòng họ hiếu học.
Trong mối quan hệ với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, những vùng quê, dòng họ này đã có những hoạt động, liên quan nhất định, khẳng định mối liên hệ chặt chẽ giữa trung tâm giáo dục ở kinh đô với các địa phương.
“Đây là mảng vấn đề còn chưa được làm rõ khi nghiên cứu việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và truyền thống khoa bảng của các vùng quê…”, ông Tú nhấn mạnh.
Tiên Điền – Lai Thạch (Hà Tĩnh) là vùng quê ở miền Trung Việt Nam, cách xa trung tâm chính trị, văn hóa, cách xa Kinh đô, nhưng nổi lên là vùng quê hiếu học, nhiều thành tựu trong khoa bảng, đóng góp xuất sắc cho truyền thống giáo dục Việt Nam cũng như công cuộc bảo vệ, phát triển đất nước dưới thời quân chủ.
Nhiều khảo cứu, điền dã, nghiên cứu đã được thực hiện, khẳng định đây là vùng quê văn hiến, nhiều nhân tài, vùng đất địa linh, nhân kiệt. Các khảo cứu đã xác định rõ được yếu tố khách quan, chủ quan tạo nên truyền thống đó. Tuy nhiên, một trong những yếu tố làm nên thành quả đó có lẽ còn chưa được làm rõ trong những nghiên cứu trước đây, đó là tác động của Văn Miếu - Quốc Tử Giám - trung tâm giáo dục, đào tạo nhân tài của quốc gia đối với những vùng quê xa trung tâm này.
“Nhằm tìm hiểu, đánh giá chính xác, khoa học, đầy đủ hơn về mối quan hệ giữa Văn Miếu - Quốc Tử Giám và những vùng quê hiếu học, làng quê, dòng họ khoa bảng, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Chi hội văn hoá dân gian Hà Tĩnh, Viện Sử học Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám với truyền thống giáo dục đào tạo nhân tài vùng Tiên Điền - Lai Thạch (Hà Tĩnh)…”, TS. Nguyễn Văn Tú cho biết.
25 tham luận gửi đến Hội thảo tập trung vào hai nội dung chính: Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Trung tâm giáo dục quốc gia, cơ quan quản lý giáo dục lớn nhất thời quân chủ; Giáo dục và đào tạo nhân tài vùng Tiên Điền - Lai Thạch (Hà Tĩnh).
Tham luận với chủ đề “Văn Miếu- Quốc Tử Giám- Trung tâm giáo dục quốc gia lớn nhất thời quân chủ”, TS. Nguyễn Văn Tú khẳng định: “Văn Miếu - Quốc Tử Giám là trung tâm giáo dục, trường quốc học lớn nhất, quan trọng nhất trong suốt gần ngàn năm lịch sử thời quân chủ, không chỉ bởi đó là nơi đã đào tạo nên hàng ngàn các bậc đại khoa, hiền tài của dân tộc, mà còn là cơ quan quản lý, điều hành nền giáo dục của cả nước, cả hệ thống giáo dục, thi cử quốc dân và hệ thống trường học tư thục”.
Nghiên cứu đối chiếu văn bia Tiến sĩ tại Quốc Tử Giám và địa phương trong mối quan hệ lịch sử và văn hóa là tiêu đề tham luận của TS. Phan Thanh Hoàng (Viện Trần Nhân Tông- Đại học Quốc gia Hà Nội). TS. Phan Thanh Hoàng nhấn mạnh, nghiên cứu không chỉ làm rõ vai trò, ý nghĩa của các văn bia trong bối cảnh lịch sử và xã hội mà còn góp phần vào việc hiểu sâu hơn về các yếu tố văn hóa, giáo dục trong hệ thống thi cử thời phong kiến.
“Việc khắc bia tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là một hình thức ghi nhận thành tích của các học giả mà còn là một phần quan trọng trong di sản văn hóa và giáo dục của Việt Nam. Những bia đá với giá trị lịch sử và nghệ thuật vô cùng lớn đã ghi lại công lao và thành tích của những người đã vượt qua các kỳ thi Đình - kỳ thi cấp quốc gia cao nhất thời phong kiến”, TS. Phan Thanh Hoàng nhấn mạnh.
Việc khắc bia tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là hoạt động mang tính chất tưởng niệm mà còn là một cách thức để duy trì các giá trị văn hóa và giáo dục của dân tộc. Những tấm bia đá là biểu tượng cho sự kết hợp giữa học vấn và đạo đức, giữa tri thức và phẩm chất, là nguồn cảm hứng cho các thế hệ học giả và là minh chứng cho truyền thống hiếu học của người Việt Nam.
TS. Phan Thanh Hoàng cho biết, ngoài các bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhiều địa phương trên cả nước cũng đã thực hiện việc khắc bia tiến sĩ để ghi danh những học giả xuất sắc từ vùng quê mình. Những văn bia này dù không có quy mô và sự nổi tiếng như các bia tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhưng vẫn mang trong mình giá trị văn hóa và lịch sử to lớn.
TS. Lê Quang Chắn (Phó Viện trưởng Viện Sử học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) nhìn nhận, trong lịch sử giáo dục và khoa cử Nho học Việt Nam (1075-1919), Hà Tĩnh là địa phương có truyền thống hiếu học nổi danh, với 148 người đỗ đại khoa và hàng nghìn người đỗ trung khoa, tiểu khoa. Truyền thống hiếu học và khoa bảng đó được hun đúc, bồi đắp từ truyền thống hiếu học của các gia đình, dòng họ khoa bảng.
Theo TS. Lê Quang Chắn, trong khung cảnh chung của nền giáo dục và khoa cử Nho học ở Hà Tĩnh, truyền thống hiếu học và khoa bảng của dòng họ Nguyễn Tiên Điền và dòng họ Nguyễn Trường Lưu rất nổi bật, không chỉ biểu hiện ở số lượng người đỗ đạt (cả đại khoa, trung khoa và tiểu khoa), ở sự kế thế đăng khoa (từ 2 đến 4, 5 đời), ở sự tham gia đóng góp to lớn với quê hương, đất nước trên nhiều lĩnh vực của các nhân vật dòng họ, mà còn ở sự bảo tồn, kế thừa, trao truyền và phát huy truyền thống hiếu học, khoa bảng và di sản văn hóa, di sản tư liệu của các thế hệ hậu sinh.
“Chính vì thế, cả trong lịch sử cũng như hiện nay, dòng họ Nguyễn Tiên Điền và dòng họ Nguyễn Trường Lưu vẫn luôn là danh gia vọng tộc của vùng đất Hà Tĩnh nói riêng, của Việt Nam nói chung”, TS. Lê Quang Chắn khẳng định.
25 tham luận đã đề cập đến nhiều góc độ khác nhau như nghiên cứu về lịch sử, vai trò của Văn Miếu - Quốc Tử Giám; vai trò của thầy giáo và học sinh, nội dung giảng dạy của Quốc Tử Giám đối với nền giáo dục nói chung và với các vùng quê; những yếu tố làm lên truyền thống khoa bảng, thành tựu giáo dục, đào tạo nhân tài ở vùng quê Tiên Điền - Lai Thạch; những tư liệu gốc, quan trọng liên quan đến truyền thống khoa bảng vùng Lai Thạch; thành tựu khoa bảng của vùng Tiên Điền - Lai Thạch; đóng góp của các nhà khoa bảng với Quốc Tử Giám, sau khi họ được Quốc Tử Giám đào tạo trưởng thành; phát huy giá trị của những di sản mà Văn Miếu - Quốc Tử Giám và nền giáo dục để lại đến ngày nay…
“Việc tìm hiểu, nghiên cứu vai trò của Văn Miếu - Quốc Tử Giám với truyền thống khoa bảng vùng Tiên Điền - Lai Thạch là cơ sở để từ đó, nghiên cứu đầy đủ đóng góp của Văn Miếu - Quốc Tử Giám với nền giáo dục đào tạo nhân tài của đất nước, thông qua các vùng quê hiếu học…”, TS. Nguyễn Văn Tú khẳng định.