Tưởng niệm 724 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo

PHAN HIẾU

VHO - Ngày 22.9 (nhằm ngày 20.8 ÂL), tại Di tích lịch sử - văn hóa Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo (di tích cấp tỉnh Bình Định) đã diễn Lễ tưởng niệm 724 năm (1300 – 2024) nhân ngày huý kỵ anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.

Tại lễ tưởng niệm, đại diện Ban tổ chức đã đọc diễn văn ôn lại thân thế, sự nghiệp của Trần Hưng Đạo. Theo đó, Quốc Công Tiết chế Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn, sinh ngày 10 tháng Chạp năm Nhâm Tý (năm 1231), tại làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường (nay là tỉnh Nam Định).

Là con của Khâm minh Đại vương Trần Liễu, cháu ruột của vua Trần Thánh Tông (tức Trần Cảnh) và Thượng hoàng Trần Thừa. Ông là người trong họ tộc Tôn Thất, sớm được triều đình trọng dụng, đã có công phò 4 đời vua Trần: Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và Anh Tông.

Tưởng niệm 724 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo - ảnh 1
Lãnh đạo tỉnh Bình Định dâng hương tưởng niệm 724 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo

Quốc Công Tiết chế Trần Hưng Đạo là người thông minh, học rộng, hiểu nhiều, kiêm tài văn võ. Đầu thế kỷ XIII, quân Nguyên Mông 3 lần xâm lược nước ta. Giữa lúc Tổ quốc lâm nguy, giang sơn bị xâm lược, Trần Hưng Đạo là người tiên phong chủ chiến kháng địch.

Ông được các vua Trần tin tưởng ban ấn, kiếm và tấn phong “Quốc công tiết chế”; ông đã thống lĩnh binh quyền, tổ chức kháng chiến chống lại quân Nguyên Mông, với chiến lược quân sự thiên tài, giỏi cầm quân, quân dân nhà Trần đã vượt qua muôn vàn khó khăn và thử thách, “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh” ba lần đánh tan hàng vạn quân xâm lược hùng mạnh, giành thắng lợi lẫy lừng (các năm 1258, 1285 và 1288). 

Tên tuổi của Trần Hưng Đạo cũng gắn liền với những chiến công hiển hách ở Đông Bộ Đầu, Hàm Tử, Tây Kết, Chương Dương, Vạn Kiếp, Bạch Đằng Giang… Với những chiến công lẫy lừng như vậy, ông đã trở thành vị anh hùng vĩ đại trong lịch sự thế giới. Ông tạ thế vào giờ Dần, rạng sáng ngày 20.8 năm Canh Tý (năm 1300).

Tưởng niệm 724 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo - ảnh 2
Các học sinh thành kính thắp nén hương thơm, tưởng nhớ đến công lao của Quốc Công Tiết chế Trần Hưng Đạo

 Sau khi ông mất, vua Trần phong tước “Thái sư Thượng Quốc Công - Bình Bắc Đại Nguyên Soái - Nhơn Võ Hưng Đạo Đại Vương”. Triều đình và nhân dân lập Đền Thờ ông tại Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương), Bảo Lộc (tỉnh Nam Định);

Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, Ban Tổ chức Lễ cùng với cán bộ, nhân dân trong tỉnh Bình Định thành kính thắp nén hương thơm, tưởng nhớ đến Quốc Công Tiết chế Trần Hưng Đạo với tấm lòng biết ơn và kính trọng, tâm niệm noi gương học tập ông về nhân cách sống; về tấm lòng vì dân, vì nước quyết tâm đoàn kết đánh bại mọi kẻ thù bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững chủ quyền biển đảo, nhất là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tùng tất đất thiêng liêng của Tổ quốc, thực hiện đường lối đối mới toàn diện của Đảng, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Tưởng niệm 724 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo - ảnh 3
Tiết mục đánh trống “Bát cổ liên hoàn” tưởng niệm ngày huý kỵ anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo

Phát cảm tưởng tại lễ tưởng niệm, anh Nguyễn Lương Hải - Bí thư Thành đoàn Quy Nhơn chia sẻ, tấm gương của Quốc Công Tiết chế Trần Hưng Đạo là tài sản tinh thần vô giá, là nguồn cổ vũ động viên vô cùng to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam từ đời này sang đời khác vững bền. Đồng thời giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc của thế hệ trẻ Việt Nam.

Bí thư Thành đoàn Quy Nhơn cũng nhấn mạnh, chúng tôi nguyện ra sức học tập, lao động, tu dưỡng đạo đức, cống hiến sức mình, bằng trái tim, bằng khối óc và bằng nhiệt huyết của người tri thức trẻ xã hội chủ nghĩa, thanh niên Quy Nhơn luôn hăng hái đi đầu trong các hoạt động xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ khó khăn nhất, gian khổ nhất theo yêu cầu của quê hương, đất nước. Đặc biệt, đóng góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh và bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.